Mỗi hộ nông dân được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH là có thêm cơ hội thoát nghèo. Nhiều hộ nông dân ở huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đã xóa đói và vươn lên làm giàu nhờ nguồn vốn này.
Trâu, bò sinh sôi từ vốn vay
Cách đây mấy năm, gia đình ông Quách Văn Trận ở xóm Chiềng (xã Liên Vũ, huyện Lạc Sơn) phải chạy ăn từng bữa toát mồ hôi. Nhà đông người, đất đai thì rộng, nhưng bao năm ông Trận vẫn có tên trong danh sách hộ nghèo. “Cái đầu phải nghĩ, cái tay cái chân phải chịu khó làm lụng. Nhưng khổ một nỗi thiếu vốn nên tôi chẳng biết làm cái gì cho ra hồn…” - ông Trận nhớ lại. Bà con lối xóm cũng trong cảnh chạy ăn từng bữa, nên ông Trận chẳng biết vay vốn của ai để đánh thức đồng đất quê mình.
Cuộc sống gia đình ông Trận đã thay đổi khi ông tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lạc Sơn. Ông Trận đã mạnh dạn đầu tư nuôi trâu, bò. Ông mua con giống rồi trồng cỏ voi làm thức ăn cho gia súc. Năm 2011, gia đình ông tiếp tục được vay 10 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo để tiếp tục đầu tư nuôi bò. Nhờ chịu khó làm ăn, vừa phát triển chăn nuôi gia súc, vừa chăm sóc tốt hơn 3.000m2 ruộng trồng lúa và màu nên kinh tế gia đình ông dần thay đổi. Sau mỗi năm, con bò nái lại đẻ ra một con bê. Ông Trận không vội bán bê mà tích cóp nuôi cho lớn để tăng thêm khoản thu và lấy thêm bò cái sinh sản.
Nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. ảnh: Thuần Việt
Đến năm 2015, gia đình ông vay tiếp 20 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo đầu tư nuôi trâu. Đến nay, gia đình ông có 2 con trâu, 3 con bò và hơn 10 con lợn. “Nhờ có sự đồng hành của Ngân hàng CSXH, gia đình tôi tự tin đầu tư phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo” - ông Trận chia sẻ.
Nâng đỡ thanh niên khởi nghiệp
Nguồn vốn ưu đãi đến với bà con ở các xã miền núi của huyện Lạc Sơn tựa như một người bạn đồng hành trong quá trình xóa đói giảm nghèo. Anh Lã Hữu Thương, ở xóm Nam Hóa (xã Xuất Hóa) là cử nhân đại học, đã mạnh dạn về quê để gây dựng sự nghiệp. Ý tưởng của anh là biến mảnh vườn hoang 4.000m2 của nhà thành trang trại nuôi lợn rừng. Anh mạnh dạn đề xuất và được vay vốn ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lạc Sơn.
Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lạc Sơn: Đang thực hiện 14 chương trình tín dụng ưu đãi với dư nợ 359 tỷ đồng, 491 tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp các thôn, bản. |
Từ số tiền vay được, anh đã mua 3 đôi lợn rừng ở Ba Vì (Hà Nội). Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ban đầu anh Thương tận dụng tre, nứa làm chuồng, thức ăn cho lợn là đám rau rừng, thân chuối và phụ phẩm nông nghiệp khác. Từ 3 đôi lợn rừng làm vốn, đến nay trang trại của anh có đến 150 con, trong đó có 32 lợn nái và 2 con đực giống. Tuy mới bước vào tuổi 32 nhưng anh Lã Hữu Thương đã có trang trại cơ ngơi tiền tỷ.
Ông Trận và anh Thương chỉ là 2 trong hơn 18.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác ở huyện Lạc Sơn được tiếp cận nguồn vốn chính sách để đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm trong những năm qua.
Theo ông Trần Quốc Lập - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Lạc Sơn, nguồn vốn cho vay được hầu hết bà con sử dụng đúng mục đích, góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, thực hiện chính sách an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Vốn ưu đãi đã góp phần đáng kể làm chuyển biến nhận thức, cách làm ăn, cải thiện đời sống, tăng thu nhập và giúp bà con từng bước quen dần với cơ chế thị trường.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã