Học tập đạo đức HCM

Chuyển đổi cây trồng trước biến đổi khí hậu: Đưa bắp xuống đất lúa

Thứ năm - 25/04/2013 20:41
Trồng lúa vừa gây khó khăn về nguồn nước, vừa thấp về hiệu quả kinh tế. Nhưng lại không thể không giữ đất lúa. Để giải quyết vấn đề này, từ nhiều năm nay, tỉnh Đồng Nai đã mạnh dạn đưa cây bắp xuống trồng trên nền đất lúa ĐX

Đổi đời nhờ bắp

Đã vào cuối vụ ĐX thu hoạch bắp, nhưng trên nhiều mảnh sân và hai bên đường của những con đường lớn nhỏ ở xã Lang Minh (Xuân Lộc), vẫn còn khá nhiều mẻ bắp vàng sậm hong mình dưới cái nắng gắt cuối mùa khô. Đi đâu trong xã cũng chỉ thấy bắp và chỉ có bắp. Tuyệt nhiên không thấy một hạt lúa nào, dù trước đây, đồng đất ở Lang Minh đã từng là nơi gieo trồng tới 3 vụ lúa mỗi năm.

Giải đáp sự thắc mắc của tôi, chị Trần Thị Minh Thao, cán bộ nông nghiệp xã Lang Minh, thủng thẳng nói: “Trước đây, nông dân Lang Minh trồng tới 3 vụ lúa mỗi năm. Nay đã giảm xuống chỉ còn 2 vụ thôi. Còn trong vụ ĐX, đã chuyển toàn bộ 450 ha đất lúa sang trồng bắp từ hơn 10 năm nay rồi”.

Lang Minh chính là xã đi đầu huyện Xuân Lộc trong việc chuyển từ cây lúa sang cây bắp. Từ năm 2000 trở về trước, dân Lang Minh chỉ biết trồng lúa 3 vụ mỗi năm. Dù vất vả, cực nhọc với cây lúa, nhưng hiệu quả kinh tế thu lại chẳng đáng là bao. Ông Lý Phát Sinh, nông dân ấp Tây Minh, nhớ lại: “Nhà tôi trồng tới trên 3 ha lúa mà chỉ đủ ăn, mãi chẳng khá lên được. Đấy là những khi thời tiết bình thường. Còn khi trời nắng nóng kéo dài, trồng lúa bị mất mùa là cái chắc”.

Những năm 1998 - 1999, vụ lúa ĐX ở cánh đồng Tây Minh (xã Lang Minh) liên tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi nắng nóng kéo dài khiến cho nguồn nước tưới thiếu hụt trầm trọng. Khá nhiều hộ gần như chẳng thu hoạch được gì. Thấy rõ sự bấp bênh, kém hiệu quả của cây lúa 3 vụ, năm 2000, lãnh đạo xã đã có một quyết định táo bạo là chuyển cây lúa sang cây bắp lai vụ ĐX (là vụ khó khăn nhất về nguồn nước tưới).

Đảng bộ xã đã ra hẳn một nghị quyết về vấn đề này. Theo đó, tất cả các cán bộ, đảng viên trong xã phải gương mẫu, đi đầu trong việc bỏ lúa trồng bắp. Các tổ chức đoàn thể từ xã tới ấp cũng tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nông dân chuyển từ lúa sang bắp. Đồng thời, xã phối hợp Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn cho nông dân kỹ thuật trồng bắp lai, thành lập tổ thủy nông để điều phối nguồn nước từ hồ Suối Vọng, thành lập các tổ vay vốn tín chấp từ ngân hàng giúp nông dân có vốn trồng bắp...

Theo chị Thao, khi chủ trương được đưa ra, ban đầu đa số người dân không đồng tình bởi họ chưa từng trồng bắp bao giờ. Nhưng rồi trước sự vận động, thuyết phục của các tổ chức đoàn thể, và nhất là sự cương quyết của xã, gần như toàn bộ 100 ha của cánh đồng Tây Minh đều đã chuyển từ lúa sang bắp vụ ĐX 2000-2001. Chỉ có 2 ha không tham gia trồng bắp, nhưng cũng không trồng lúa nữa mà... bỏ không.

Ông Sinh bảo: “Hồi đó, để việc chuyển lúa sang bắp được thành công, xã quyết tâm làm mạnh lắm. Tôi được giao làm tổ trưởng tổ thủy nông với yêu cầu kiên quyết không cấp nước cho các hộ vẫn tiếp tục trồng lúa. Vì cùng trên một cánh đồng mà ruộng này trồng bắp, ruộng kia trồng lúa, thì khi dẫn nước vào đồng cho cây lúa sẽ làm hại ngay tới cây bắp”.


Bắp mới thu hoạch ở xã Xuân Phú (Xuân Lộc)

Quyết tâm đó của xã Lang Minh đã được đền đáp bằng vụ bắp đầu tiên đầy thắng lợi khi năng suất của đa số hộ đạt 9 tấn/ha. Một số hộ đạt tới 10 tấn/ha. Trong khi đó, ở những vụ ĐX trước, khi cũng trồng lúa trên đồng đất ấy, giỏi lắm chỉ đạt 5 tấn/ha. Cây bắp vụ này lại không phải tốn nhiều chi phí thuốc men vì rất ít sâu bệnh, còn cây lúa thì ngược lại.

Đã thế, xã còn có cái lãi lớn về mặt tài nguyên khi giảm tới 40% lượng nước tưới so với trồng lúa. Chính vì thế, ở những vụ ĐX sau đó, nông dân đã tự nguyện ào ào chuyển lúa sang bắp. Nhiều hộ còn đầu tư cải tạo những mặt ruộng cao, vốn trước đây chỉ có thể bỏ hoang vụ ĐX do thiếu nước tưới, để đầu tư trồng bắp.

Đến nay, tổng diện tích cây bắp vụ ĐX ở Lang Minh đã lên tới 450 ha, năng suất bình quân 10 - 12 tấn/ha. Mỗi ha bắp cho lợi nhuận tới 30 - 35 triệu đồng, gấp mấy lần so với trồng lúa. Ông Sinh bảo trước đây, khi chỉ trồng lúa, nhà cửa của dân đa số là nhà lá. Từ khi có cây bắp, phần lớn các hộ đã có nhà xây, tivi, xe máy và các vật dụng sinh hoạt đắt tiền khác.

Lối thoát cho chính cây bắp

Sau bước đột phá của Lang Minh, các xã khác ở huyện Xuân Lộc đã lần lượt noi theo, và việc chuyển từ lúa sang bắp vụ ĐX đã trở thành chủ trương chung của huyện này. Ông Nguyễn Lam Điền, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Xuân Lộc cho hay, vụ ĐX 2012-2013, toàn huyện có khoảng 3.500 ha bắp, hầu hết được trồng trên nền đất lúa.

Đây là một sự chuyển biến lớn ở Xuân Lộc, vì trước đây đất lúa chỉ để trồng lúa. Nếu vụ nào không trồng được lúa thì... bỏ hoang. Còn cây bắp chỉ được trồng trên rẫy nên năng suất không cao và không cạnh tranh lại được với các loại cây công nghiệp như cà phê, tiêu hay cây ăn trái...

Nhưng từ khi mạnh dạn đưa bắp xuống đất lúa, cây bắp đã nhanh chóng trở thành cây trồng chủ lực, có thế mạnh ở huyện này. Năng suất bắp bình quân ở Xuân Lộc khoảng 8 tấn/ha (vụ ĐX đạt 8 - 9 tấn/ha), trong khi năng suất lúa cao nhất chỉ khoảng 6 tấn/ha.

Giá bắp tuy cũng có lúc tăng lúc giảm, nhưng nhìn chung là khá ổn định và cao hơn nhiều so với lúa (giá bắp khô hiện khoảng 6.300 - 6.400 đ/kg, giá lúa khô trên 5.000 đ/kg). Vì thế, tuy chi phí có cao hơn trồng lúa, nhưng lợi nhuận từ bắp lại cao hơn nhiều".

Ông Trần Quang, Chủ nhiệm Liên minh các CLB năng suất cao Xuân Tiến khẳng định, hiệu quả kinh tê từ cây bắp gấp đôi so với cây lúa. Trên mỗi công đất, nếu trồng lúa, doanh thu lúc cao nhất chỉ khoảng 3 - 3,5 triệu đồng, còn với cây bắp khi cao nhất doanh thu tới 7 triệu đồng. Ông Trần Hải Sơn, GĐ Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai cho biết, mỗi ha cứ đạt năng suất từ 8 tấn trở lên đã có thể bỏ túi khoản lời 30 - 40 triệu đồng.

Không những thế, việc mạnh dạn đưa bắp xuống đất lúa ở Xuân Lộc còn đem lại những lợi ích to lớn khác. Đó là nhiều diện tích vốn chỉ bỏ hoang, nay đã được cải tạo để trồng bắp. Trong việc này, phải ghi nhận sự đầu tư, hỗ trợ của huyện Xuân Lộc đối với người trồng bắp.

Không chỉ kiên quyết không cấp nước tưới cho những hộ còn muốn trồng lúa trên những cánh đồng đang chuyển mạnh sang trồng bắp, huyện Xuân Lôc còn đầu tư nhiều mạnh lưới điện ra tận đồng ruộng hay xây dựng trạm bơm để nông dân có thể bơm nước cho cây bắp. Ở xã Xuân Thọ, nhờ có lưới điện ra đồng mà vụ ĐX này, diện tích bắp đã tăng thêm được 50 ha...

Không chỉ Xuân Lộc, việc đưa bắp xuống đất lúa cũng đang được nhân rộng ra nhiều huyện khác ở tỉnh Đồng Nai. Ngoài hiệu quả hơn hẳn về mặt kinh tế, về tiết kiệm nguồn nước tưới khá lớn, việc chuyển đổi còn tạo ra lối thoát cho chính cây bắp ở tỉnh này.

Theo ông Trần Hải Sơn, trước đây diện tích gieo trồng bắp mỗi năm ở Đồng Nai là 70.000 ha. Khi ấy, do chỉ trồng 2 vụ HT và mùa, nên cây bắp chỉ được trồng trên đất rẫy. Mà khi đứng chân trên nền đất này, năng suất bắp không cao, chỉ khoảng 6 - 7 tấn/ha, thành ra không thể chống lại được với sức cạnh tranh ngày càng mạnh từ các loại cây công nghiệp, cây ăn trái. Do đó, diện tích gieo trồng bắp toàn tỉnh đã bị giảm xuống chỉ còn 50.000 ha/năm.

Bây giờ, khi đã mạnh dạn đưa bắp xuống đất lúa (vụ ĐX 2012-2013, diện tích bắp toàn tỉnh Đồng Nai vào khoảng 10.000 ha), diện tích gieo trồng bắp mỗi năm ở Đồng Nai đã có cơ hội để không bị giảm xuống thêm nữa mà có thể còn tăng lên trở lại.

Còn về đầu ra? Ông Sơn bảo Đồng Nai là tỉnh chăn nuôi lớn nhất nước, do đó bắp làm ra đến đâu, luôn tiêu thụ hết ngay đến đấy. Vì thế, trồng bắp ở đây, nông dân chẳng bao giờ phải lo chuyện tiêu thụ. Lý Phát Sinh, nông dân ấp Tây Minh (xã Lang Minh, Xuân Lộc), xác nhận: “Chưa bao giờ có chuyện bắp bị ế hay khó tiêu thụ. Cứ đến mùa thu hoạch, hàng chục doanh nghiệp lại cho người đến thu mua bắp ở tận từng hộ. Nhiều khi chúng tôi chẳng còn bắp để mà bán cho họ”.

Theo Nongnghiep.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập300
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm292
  • Hôm nay37,054
  • Tháng hiện tại943,156
  • Tổng lượt truy cập91,006,549
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây