Phương pháp tiếp cận mới trong quy hoạch
So với phương pháp truyền thống, Tập đoàn Monitor có những phương pháp và cách tiếp cận mới trong xây dựng quy hoạch, sử dụng “Mô hình Kim cương” của Giáo sư Michael Porter để phân tích khả năng cạnh tranh và triển vọng của các ngành kinh tế, dựa trên phân tích và dự báo vào 4 mảng chính là các điều kiện đầu vào yếu tố sản xuất; khả năng cạnh tranh; các ngành hỗ trợ phát triển; dự báo về cung cầu về thị trường của các nhóm ngành và các doanh nghiệp, đánh giá các tác động của môi trường đầu tư cấp tỉnh và hệ thống thể chế, chính sách của quốc gia và xu thế của thế giới để xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển.
Trên cơ sở phân tích, tính toán, dự báo sự phát triển và đóng góp ý kiến của các bộ, ngành; sở, ban, ngành, địa phương và các nhà khoa học, Tập đoàn Monitor đã lựa chọn cho Hà Tĩnh chiến lược tăng trưởng cao và bền vững.
Theo đó, Hà Tĩnh tận dụng thành công các nguồn tài nguyên, đa dạng hóa nền kinh tế và mở rộng sang sản xuất và dịch vụ chế biến. Hà Tĩnh sẽ trở thành một nền kinh tế công nghiệp, song vẫn có ngành nông nghiệp phát triển mạnh, năng suất cao cùng lĩnh vực dịch vụ ngày càng phát triển.
Hà Tĩnh sẽ tăng trưởng cao nhờ 3 thành tựu cụm, ngành trọng điểm chính: hiện đại hóa thành công nền nông nghiệp; phát triển ngành sắt - thép, gồm cả nhà máy thép Formosa, mỏ Thạch Khê và nhà máy thép sử dụng nguồn quặng này và xây dựng Hà Tĩnh là một trung tâm thương mại và hậu cần phục vụ khu vực, bao gồm cả Lào và Đông Bắc Thái Lan.
Ngoài ra, vào năm 2020, bên cạnh các cụm ngành trọng điểm này, Hà Tĩnh cũng sẽ có được hiệu quả từ việc phát triển các cụm công nghiệp phụ trợ và chế biến như sản xuất các sản phẩm thép, dệt may, xây dựng, cũng như các cụm dịch vụ hỗ trợ như: GD-ĐT, thông tin liên lạc và dịch vụ ủy thác nghiệp vụ kinh doanh.
Cơ sở để xác định mục tiêu, chiến lược phát triển
Du lịch là một trong những tiềm năng, thế mạnh của Hà Tĩnh. Trong ảnh: Hệ thống cáp treo tại chùa Hương Tích (Thiên Lộc - Can Lộc). |
Ông Phan Cao Thanh – Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết: “Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH cơ sở để tỉnh xác định mục tiêu, định hướng phát triển dài hạn, đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển KT-XH cả nước; đồng thời là căn cứ để lập quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu và căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển 5 năm và hàng năm của các ngành và địa phương. Quá trình xây dựng quy hoạch, Tập đoàn Tư vấn Monitor đã nghiên cứu khảo sát kỹ các ngành, lĩnh vực, các địa phương, đồng thời tổ chức nhiều cuộc lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh, các vị lão thành, do đó vừa huy động trí tuệ vừa tạo được sự đồng thuận cao trong mọi tầng lớp nhân dân”.
Ngay sau khi quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại Quyết định số 1786/QĐ-TTg ngày 27/11/2012), UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương căn cứ chiến lược phát triển KT-XH của quy hoạch này và các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm cả nước; quy hoạch phát triển vùng Bắc Trung bộ để rà soát, đánh giá sự phù hợp của các quy hoạch đã được phê duyệt.
Trên cơ sở đó đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch trong năm 2013 để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch, phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm đạt kết quả cao.
Hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. |
“Đến nay, toàn tỉnh đã phê duyệt 42 quy hoạch tổng thể và quy hoạch ngành, lĩnh vực; đang triển khai điều chỉnh, lập mới 20 quy hoạch ngành, lĩnh vực cấp tỉnh và quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH cấp huyện. Năm 2013, tỉnh tiếp tục xây dựng mới và điều chỉnh 15 quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và quy hoạch tổng thể cấp huyện. Dự kiến đến năm 2014, tất cả các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu cấp tỉnh và 12 huyện, thị xã, thành phố sẽ được phê duyệt quy hoạch” – ông Phan Cao Thanh cho biết thêm.
Việc tuyên truyền, quảng bá quy hoạch rộng rãi trong các ngành, các cấp, toàn thể nhân dân, các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện nhằm tạo sự đồng thuận cao trong mọi hoạt động, cùng đi trên một con đường để đến đích đã được lựa chọn, xác định rõ ràng. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước khai thác những tiềm năng, tìm kiếm cơ hội hiện tại và cả trong tương lai để đầu tư phát triển sẽ có được sự định hướng từ quy hoạch này.
THANH HOÀI
Theo kịch bản tăng trưởng cao và bền vững mà Monitor xây dựng cho Hà Tĩnh, GDP sẽ tăng trưởng 18,4%/năm, đạt được mức GDP bình quân đầu người là 97,7 triệu đồng vào năm 2020. Nông nghiệp sẽ chiếm 13,1% GDP; công nghiệp dẫn đầu với 54,7% GDP; và dịch vụ 32,2%. Lượng vốn đầu tư được huy động theo kịch bản này là 539 nghìn tỉ, 80% là từ vốn ngoài ngân sách nhà nước (FDI, doanh nghiệp trong nước qua hợp tác công tư PPP, ODA). |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã