ĐƯỢC VÀ MẤT
Thưa ông, ông cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam đã được gì và mất gì sau 5 năm gia nhập WTO?
TS. Lê Đăng Doanh: Trước hết, cần phải khẳng định rằng sau khi gia nhập WTO năm 2008, nông nghiệp Việt Nam vẫn là một trụ cột vững chắc của nền kinh tế, có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu và nỗ lực bình ổn kinh tế chung. Nông nghiệp và nông thôn Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc, bộ mặt của nông thôn và nông nghiệp đã có những thay đổi sâu sắc.
Ngành nông nghiệp hiện đang vừa giữ trọng trách đảm bảo an ninh lương thực cho 90 triệu người dân vừa xuất khẩu mang lại ngoại tệ cho đất nước vì ngành này vẫn xuất siêu chứ không phải nhập siêu như nhiều lĩnh vực công nghiệp khác. Đây là những thành tựu đáng trân trọng của nông nghiệp và nông dân Việt Nam.
Chỉ tính riêng năm 2012, nông nghiệp đã xuất siêu đến 10 tỷ USD và đóng góp tới hơn một nửa trong tổng tăng trưởng GDP chung của cả nền kinh tế. Nếu so với tốc độ tăng trưởng bị giảm sút của ngành công nghiệp, dịch vụ do tình hình kinh tế cả trong và ngoài nước khó khăn hơn sẽ càng thấy rõ thành quả của ngành nông nghiệp trong những năm gần đây.
Chúng ta cũng có thể thấy được những thành tựu đáng khích lệ của ngành này như cánh đồng mẫu lớn hay chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, thành tựu của các lĩnh vực nông nghiệp không đồng đều, mỗi lĩnh vực lại có kết quả khác nhau, có lĩnh vực còn đang gặp nhiều khó khăn.
Ảnh minh họa
Ví dụ như ngành trồng trọt đã phát huy được lợi thế so sánh ở một số thị trường nhất định như hạt tiêu, cà phê, lúa gạo, hạt điều... và duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tốt. Ngành thủy hải sản cũng đã đạt được kết quả đáng khích lệ dù cá tra, cá ba sa vẫn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh không lành mạnh.
Trong khi đó, ngành chăn nuôi lại gặp nhiều khó khăn vì không được bảo vệ, không có các rào cản kỹ thuật. Tôi lấy ví dụ như chăn nuôi heo hiện đang bị phụ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) nhập khẩu từ bên ngoài với giá cao. Giá heo đang giảm nhưng giá TĂCN vẫn tăng theo giá thị trường thế giới.
Năm 2012, nước Mỹ bị hạn hán khiến giá nguyên liệu TĂCN nhập khẩu về nước tăng cao khiến ngành này càng thêm khó khăn. Điều khó hiểu là sao chúng ta lại cứ đi nhập khẩu nguyên liệu sản xuất TĂCN từ các quốc gia cách xa đến nửa vòng trái đất như Mỹ, Brazil… trong khi chúng ta hoàn toàn có thể tự chủ nguồn cung nguyên liệu này?
Đây cũng chính là ví dụ điển hình cho cái “mất” của ngành nông nghiệp Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO: Mất lợi thế cạnh tranh trên chính sân nhà của mình và bị phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài.
THÁCH THỨC RẤT NGHIÊM TRỌNG
Ngoài việc đối mặt với áp lực cạnh tranh từ bên ngoài, ông cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam đang gặp những khó khăn gì?
TS. Lê Đăng Doanh: Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức hết sức nghiêm trọng. Tôi muốn nhấn mạnh từ “nghiêm trọng” bởi đây là tình hình thực tế.
Thứ nhất là tác động của biến đổi khí hậu đang ngày càng lớn. Nước biển dâng cao, xâm nhập mặn, bão lũ, thời tiết có những thay đổi rất khác thường, ảnh hưởng tiêu cực đến nông nghiệp ngày càng nghiêm trọng và khó dự đoán hơn. Lịch canh tác, trồng trọt của bà con nông dân vì thế đang bị thay đổi nhiều.
Tình hình hạn hán cũng chưa bao giờ nghiêm trọng như bây giờ. Tôi thấy báo chí đưa tin nhiều về vấn đề này, nhưng hình như mới chỉ đưa tin một chiều là hạn hán do trời không mưa. Trong khi đó, một nguyên nhân khác dẫn đến hạn hán nghiêm trọng là do phá rừng quá nhiều.
Một cây lớn có thể giữ được vài trăm lít nước nên khi một cây bị đốn hạ thì số nước này cũng sẽ bị mất đi. Nếu cả một cánh rừng bị đốn hạ thì lượng nước dự trữ bị mất đi lớn biết chừng nào. Tôi cho rằng, trong những năm trước đây, chắc là cũng có hạn hán nhưng tình trạng không đáng báo động như bây giờ vì khi đó, diện tích rừng của chúng ta còn nhiều.
Rồi chúng ta còn gián tiếp tự gây ra hạn hán bằng việc phát triển thủy điện, cà phê mà thiếu tính toán cụ thể đến sự cân đối về nước.
Thứ hai, diện tích đất nông nghiệp đang bị thu hẹp nhanh do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp trong khi dân số ngày càng tăng khiến việc bảo đảm an ninh lương thực trở thành thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp. Diện tích đất trồng trọt trên đầu người của Việt Nam hiện nay rất thấp, thấp gần nhất châu Á, chỉ hơn có Băng-la-đét.
Bởi thế, tôi cho rằng, nhà nước cần có chính sách hiệu quả để bảo vệ đất nông nghiệp, không để nhóm lợi ích can thiệp lấy đất của nông dân với giá đề bù rẻ mạt rồi chia chác lợi ích với nhau.
Thứ 3, ngành nông nghiệp vẫn phát triển trên những cánh đồng manh mún, nhỏ lẻ, quy hoạch tổng thể chưa được thực hiện có hiệu quả. Nhìn vào thực tế sẽ thấy các mảnh ruộng canh tác của nông dân là quá bé, vụn vặt khiến việc sử dụng máy móc cơ giới, vận hành hệ thống thủy lợi bị khó khăn và tốn kém hơn nhiều.
Chúng ta đã có những thử nghiệm và thành công ban đầu về cánh đầu mẫu lớn nhưng như thế là chưa đủ. Chúng ta cũng chưa có các doanh nghiệp nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn mà chủ yếu là các hộ gia đình kinh doanh đơn lẻ.
Sự phát triển rời rạc, không có mối liên hệ chặt chẽ giữa nông dân – thương lái – doanh nghiệp chế biến, kinh doanh mặt hàng nông sản khiến chi phí sản xuất, lưu thông tăng. Việc thiếu quy hoạch tổng thể khiến cả ngành nông nghiệp bị động. Trồng trọt, canh tác thì chỗ thừa chỗ thiếu. Chăn nuôi không chủ động được TĂCN, dịch bệnh xảy ra liên miên.
Ngành chế biến nông sản vừa yếu vừa thiếu khiến các ngành nông nghiệp phải chấp nhận xuất sản phẩm thô với giá trị thấp. Như gạo chẳng hạn, chúng ta xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới nhưng so về giá trị gia tăng thì không bằng nhiều nước đứng sau mình.
HÀNH ĐỘNG THẾ NÀO?
Với những thách thức nghiêm trọng như vậy, ngành nông nghiệp Việt Nam cần phải có những hành động gì, thưa ông?
TS. Lê Đăng Doanh: Nếu chúng ta không có các biện pháp tích cực để đổi mới thì ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ bị lép vế trước các doanh nghiệp nước ngoài khi hàng rào thuế quan bị gỡ bỏ hoàn toàn vào năm 2015 theo lộ trình gia nhập WTO mà chúng ta đã ký từ lâu.
Tôi cho rằng, Nhà nước cần tập trung vào 4 vấn đề lớn là: Điều chỉnh chính sách giao đất cho người nông dân, nâng cao năng lực cạnh tranh, thiết lập các hàng rào kỹ thuật và xây dựng quy hoạch tổng thể.
Về chính sách giao đất cho người nông dân, Nhà nước cần phải có chính sách giao đất lâu dài cho những người trực tiếp lao động sản xuất, thậm chí là phải thừa nhận nông dân có những quyền sử dụng lâu dài về đất đai. Hiện nay Nhà nước chỉ giao đất nông nghiệp tối đa 20 năm, nhiều khi mới giao có 3-5 năm lại thay đổi chính sách và thu hồi đất để giao cho người khác.
Điều này khiến người nông dân thấy đấy không phải đất của mình, người ta không đầu tư để làm giàu độ phì nhiêu của đất đai hay đầu tư máy móc thiết bị, giống cây trồng vật nuôi dài hạn để phát triển kinh tế lâu dài mà họ chỉ làm đến đâu hay đến đó.
Nhà nước cũng cần xóa bỏ việc thu hồi đất nông nghiệp vì mục đích “phát triển kinh tế - xã hội” một cách tùy tiện, bồi thường giá rất thấp cho nông dân trong khi các doanh nghiệp bất động sản thu lợi lớn qua chênh lệch giá. Việc làm này chỉ khiến vài ba người trở nên giàu có nhưng có thể khiến cả trăm gia đình, hàng nghìn con người trắng tay, gây bức xúc lớn cho nông dân bị mất đất.
Về việc nâng cao năng lực cạnh tranh, đây là việc mà cả Nhà nước và doanh nghiệp đều cần phải tích cực thực hiện. Để làm được điều này thì Nhà nước cần phải có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như cung cấp các chương trình tín dụng giá rẻ, thúc đẩy việc thành lập, mở rộng các doanh nghiệp nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn hoạt động ở nông thôn, xây dựng mối liên kết khép kín từ sản xuất tới chế biến, tiêu thụ các mặt hàng nông sản...
Trong đó, quan trọng nhất là việc thực hiện nghiêm túc các chính sách này chứ chỉ đề ra chính sách rồi để đấy thì không giải quyết được điều gì.
Tôi thấy ngân hàng A, ngân hàng B công bố các chương trình tín dụng ưu đãi cho nông dân, nông thôn nhưng không biết việc thực thi thế nào, liệu có đến tận tay người trồng trọt chăn nuôi không hay lại "mắc" ở đâu đó. Mới đây cũng có một cuộc tranh luận về việc tín dụng dành cho cá tra, cá basa thực ra là bao nhiêu và về đến đâu. Trong cuộc tranh luận này thì ông Chủ tịch tỉnh nói rằng số vốn đó không về đến tỉnh trong khi Ngân hàng Nhà nước lại bảo là có.
Về việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật, tôi nghĩ đây là việc Chính phủ cần làm ngay để bảo vệ sản phẩm của ngành nông nghiệp trong nước. Hiện nay chúng ta sử dụng những hàng rào này rất kém. Trong khi các nước khác có rất nhiều hàng rào kỹ thuật và chúng ta phải thừa nhận rằng họ làm điều đó rất tốt, tất nhiên là tốt với doanh nghiệp của họ chứ không phải tốt với doanh nghiệp Việt Nam.
Ví dụ như việc các nhà nuôi thủy sản, nuôi cá của Mỹ đã đưa ra nhiều vụ kiện về bán phá giá rất không công bằng và gây sức ép đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam. Cuối cùng thì họ thắng kiện, họ được hưởng lợi còn doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam lại chịu thiệt khi phải đóng thêm thuế.
Vấn đề cuối cùng, quy hoạch tổng thể, là một vấn đề lớn của không chỉ riêng ngành nông nghiệp mà còn liên quan mật thiết đến nhiều ngành, lĩnh vực khác và cần sự chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó, việc xây dựng mối liên kết giữa các doanh nghiệp nông nghiệp với các doanh nghiệp công nghiệp và các hệ thống phân phối lưu thông nhằm giảm bớt các chi phí trung gian và bảo vệ quyền lợi người nông dân là một vấn đề cần được quan tâm.
Chúng ta cũng đã có sự liên kết ban đầu giữa nông dân – thương lái – doanh nghiệp chế biến, kinh doanh các mặt hàng nông sản. Nhưng mối liên kết này chủ yếu được duy trì theo hướng có lợi cho các doanh nghiệp, thương lái, trong khi những người nông dân trực tiếp lao động sản xuất thường bị ép giá và gánh chịu phần lớn thiệt thòi.
Việt Nam xuất siêu đến 10 tỷ USD nông, lâm, thủy hải sản nhưng phần lớn lợi nhuận lại rơi vào các doanh nghiệp xuất khẩu chứ người nông dân được mùa thì mất giá mà được giá thì mất mùa. Đấy là một điều bất công và phi lý của ngành nông nghiệp hiện nay.
Chúng ta đã có các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân tốt như mía đường Lam Sơn. Doanh nghiệp đứng ra cung cấp vốn, cung cấp giống, hướng dẫn công nghệ chăm sóc, bao tiêu sản phẩm và thậm chí là chia sẻ lợi nhuận với nông dân bằng cách cho họ đóng góp cổ phần trong doanh nghiệp. Đó là một mô hình tốt cần được nhân rộng.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Ông có lạc quan về tương lai ngành nông nghiệp Việt Nam hay không, thưa ông? TS. Lê Đăng Doanh: Ngành nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Thời điểm Việt Nam phải bỏ hàng rào thuế quan đã đến rất gần. Tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, diện tích đất canh tác bị thu hẹp, nông nghiệp vẫn phát triển manh mún tự phát. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng tiềm năng của ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn còn rất lớn. Nếu chúng ta so sánh năng suất ngành nông nghiệp trong nước với các quốc gia khác trên thế giới sẽ thấy rất rõ sự cách biệt. Hoặc chỉ cần so sánh với các nước trong khu vực như Thái Lan thôi cũng đã thấy sự chênh lệch lớn. Vì thế, tôi cho rằng, Việt Nam cần chú trọng đầu tư cho nông nghiệp hơn nữa để nâng cao năng suất lao động và phát huy hết tiềm năng của mình. Tôi nghĩ, chúng ta có thể tin tưởng vào tương lai của ngành nông nghiệp, với điều kiện là quan tâm đầu tư cho ngành này một cách xứng đáng! |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã