Mỗi năm anh Thủy cung ứng hàng vạn cây mít Changai giống ra thị trường. Độc đáo hơn, người đàn ông này còn kết hợp nuôi gà ta dưới tán cây mít, lợi nhuận thu về cả tỉ đồng.
Nhập không đủ bán
Anh Thủy nhớ lại, thời gian đầu khi đưa giống mít có tên Changai (xuất xứ Thái Lan) từ HTX Phú Lợi A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang về trồng, đa phần mọi người đều chưa tin tưởng. Không từ bỏ ý định, ngay trong năm đó, Thủy đã vay tiền thuê 1 ha đất rồi mua 300 cây mít Changai giống về trồng thử nghiệm. Sau gần 2 năm bám rễ trên mảnh đất Sóc Sơn, 300 cây mít Changai của anh đã cho những trái chín đầu tiên.
Những cây mít chỉ cao hơn đầu người chừng vài gang tay nhưng quả sai bó từ gốc, bám lấy nhau mà leo lên. Thời điểm đó, với giá bán cho thương lái là 20.000 đ/kg, gấp cả chục giá lần mít ta. Mít Changai của Ngô Văn Thủy dần được người dân cũng như chính quyền địa phương chú ý. “Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn đã nhờ tôi đặt 1.000 cây giống để cấp phát cho người dân nhân rộng mô hình”, anh Thủy nhớ lại.
Anh Thủy bên một cây mít Changai
Hôm tôi đến thăm trang trại, anh Thủy cho biết, hiện có rất nhiều đơn hàng mua mít Changai giống nhưng cây thì đang trên đường chuyển ra. Khi được hỏi mỗi năm bán được bao nhiêu cây, anh Thủy chia sẻ: “Chắc vài vạn gì đó”. Số mít Changai giống được anh chuyển từ HTX Phú Lợi A ra thẳng Hà Nội bằng xe công ten nơ.
“Changai giống hoàn toàn phải là đời F1, nếu như nhân giống bằng cách chiết, ghép hay hạt thì cây rất dễ bị thoái hóa. Một khi cây đã bị thoái hóa sẽ rất lâu cho quả, quả chín sẽ không ngon”, anh Thủy chia sẻ kinh nghiệm.
Từ công ten nơ, mít giống được chuyển xuống, tập kết ngay tại sân nhà để khách đến mua. Có những chuyến, mít chuyển về quá nhiều, anh phải tận dụng khắp ngóc ngách trong nhà, ngoài ngõ lấy chỗ để. Từ những người mua nhỏ lẻ vài cây đến những người mua hàng nghìn cây đều được anh đáp ứng. Hiện tại, giá bán lẻ một cây mít Changai tại nhà là 50.000 đồng.
Khách từ khắp các tỉnh Bắc Kạn, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên… ùn ùn kéo nhau về tham quan mô hình và mua cây giống. Năm 2010, đoàn tham quan của Hội Làm vườn Tân Kỳ (Nghệ An) sau khi ra trại mít của anh đặt luôn đơn hàng 1 vạn cây về cấp phát cho người dân. Trạm Khuyến nông huyện Kim Bôi (Hòa Bình) lấy 1.200 cây. “Còn Thái Nguyên, Hải Dương lấy vài nghìn cây gì đó, thú thật là không nhớ nữa”, Thủy cười khà khà.
Tuy bị “trần” cho ra bã bằng xe công ten nơ hàng ngàn cây số nhưng tỉ lệ sống của giống mít Changai đạt gần như 100%. Đi khắp cả vùng đồi gò của huyện Sóc Sơn, đâu đâu cũng thấy người dân trồng mít Changai. Nhà ít thì một vài cây làm bóng mát, nhà nhiều cũng vài trăm cây.
Tuy sản lượng khá nhiều, nhưng anh Thủy cũng như những người trồng mít chưa bao giờ phải lo chuyện đầu ra. Đến mỗi vụ mít chín chính vụ, thương lái cứ đến trang trại nhà anh xếp hàng dài để đặt hàng. Mà giá một cân mít Thái đâu có rẻ! “Anh bán buôn cho thương lái đã 30.000 đ/kg. Chú cứ thử ra ngoài chợ xem, ít nhất bổ ra họ cũng bán được với giá gấp đôi”, anh Thủy gật gù. Không chỉ mua quả, cây giống, nhiều người đến thăm trang trại mê quá bèn ngỏ ý mua lại luôn cả những cây mít quả đang sai bó trên cành. Cây rẻ thì dăm triệu, cây nào đẹp, sai quả thì 20 - 25 triệu.
Nuôi gà dưới tán mít
Diện tích đất vườn rộng, nhà lại neo người nên việc làm cỏ, chăm sóc cho mít gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng cũng chính vì thế, anh Thủy chợt nảy ra ý tưởng nuôi gà dưới tán cây mít để…diệt cỏ. Nghĩ là làm, đầu năm 2012, từ số vốn của Quỹ Khuyến nông Hà Nội, anh Thủy đầu tư mua 300 con gà mái ta về nuôi.
Nuôi gà ta dưới tán mít
“Mấy năm nay tôi tìm đủ mọi cách để mở rộng diện tích trang trại mà đành bất lực. Nếu thuê đất ở gần thì đắt, còn thuê ở xa thì không có người trông coi, chăm sóc”, anh Thủy tâm sự. |
Dẫn tôi đi quanh trang trại một vòng, anh Thủy hồ hởi: “Chú thấy không, vườn không một cọng cỏ, đỡ mất nhân công lại có tiền bán gà, bán trứng”. Cộng với đó, phân từ gà lại là một nguồn dinh dưỡng để cây mít hấp thụ. Một ngày, đàn gà nhà anh cho khoảng trên 100 trứng. Với giá bán 5.000 đ/quả, tính sơ sơ, một tháng anh Thủy cũng bỏ túi được vài chục triệu từ việc bán trứng.
Không dừng lại ở con số 300 con, trong năm nay, anh đang nhân rộng số lượng gà lên đến 5.000 con. “Chú có để ý cái nhà to to anh xây ở góc vườn không, chỗ trú của 5.000 con gà mái sắp nhập về đấy”, anh Thủy chỉ tay. Số tiền mua 5.000 con gà mái kể trên hoàn toàn được sự hỗ trợ của Quỹ Khuyến nông Hà Nội. Hiện tại mọi thủ tục, giấy tờ xin vốn đến việc đặt mua gà, xây chuồng trại đều được anh Thủy hoàn thành. Doanh thu từ trại mít, 300 con gà anh Thủy nhẩm tính sơ sơ một năm cũng được trên dưới 1 tỉ đồng. Nếu như “dự án” nuôi 5.000 con gà dưới tán mít của anh thành công, chắc chắn lợi nhuận sẽ rất “khủng”.
Theo Nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã