Học tập đạo đức HCM

Đánh thức mầm xuân

Thứ ba - 19/02/2013 02:10
Sớm xuân này chắt chiu qua bao ngày giá rét, nhựa sống của cây lá tràn trề trong vô số mầm cây đang nhú. Những chồi non, lộc biếc hân hoan đón nắng gió xuân, xôn xao đánh thức mầm xuân ... Hôm qua 18-2 ngày mùng 9 tết Quý Tỵ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đã phát động Tết trồng cây tại Khu di tích đồn Hố Chuối, xã Phồn Xương, Yên Thế, Bắc Giang - căn cứ cuộc khởi nghĩa Yên Thế trước đây.

 
 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, 
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban TƯMTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim
 tham gia trồng cây tại Khu di tích đồn Hố Chuối, Yên Thế, (Bắc Giang) ngày 18-2
Ảnh: Hoàng Long
 
 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Ngày nay trước tác động của biến khí hậu toàn cầu đe dọa cuộc sống của chúng ta, bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế bền vững đã trở thành yêu cầu sống còn với mọi quốc gia. Trồng cây, trồng rừng  ngày càng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Chủ tịch nước kêu gọi toàn thể đồng bào cả nước hãy hăng hái tham gia trồng cây, nâng cao ý thức và có nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng chặt phá, đốt rừng, giữ gìn môi trường sống cho muôn đời con cháu. 
 
Trước đó ở nhiều địa phương Yên Bái, Hải Phòng, Lào Cai, Hà Nam đều làm lễ trồng cây mùa xuân. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Nam Định tổ chức lễ "Tết trồng cây, bảo vệ môi trường Xuân Quý Tỵ 2013” tại xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, Nam Định hôm mùng 6 tết Quý Tỵ. 
 
Tương kính với thiên nhiên
 
Tết trồng cây còn là sự góp sức của mỗi người trong công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu, hưởng ứng Thập kỷ Liên Hợp Quốc về đa dạng sinh học, cũng như thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ và xây dựng thì rừng rất quý. 
 
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền và sự tham gia tích cực của nhân dân, dự án trồng mới 5 triệu ha rừng giai đoạn 1998 – 2010 đã cơ bản hoàn thành. Cả nước đã trồng được 2,45 triệu ha rừng, hằng năm khoán bảo vệ khoảng 2,5 triệu ha, khoanh nuôi tái sinh gần 1,3 triệu ha, nâng độ che phủ của rừng từ 32% năm 1998 lên 39,7% năm 2011.
ÁI CHÂU
Tết trồng cây mỗi năm đang nối dài tục lệ đẹp này của nhiều vùng miền đất nước. Dân tộc Dao có phong tục mỗi trẻ em ra đời được gia đình trồng cho một cây quế. Nhiều làng giữ nếp trồng cho mỗi thanh niên tòng quân một cây xanh kỷ niệm nên đã có biết bao "rừng cây bộ đội” xanh tốt. Ngay giữa Thủ đô có hai ngôi trường là THPT Chu Văn An và Tiểu học Thực nghiệm năm qua vinh dự nhận giải thưởng cao quý "Trường học sinh thái ASEAN” nhờ nỗ lực giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh và cộng đồng thân thiện môi trường, biết tương kính thiên nhiên.
 
Ngôi làng 700 năm giữ hương ước bảo vệ rừng, làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) lâu nay nức tiếng bởi khu rừng dẻ 700 năm tuổi ở đây được người dân bảo vệ nghiêm ngặt... Theo lưu truyền vào thời các vua Nguyễn, dân làng đã dựng một cây nêu bằng tre trước bìa rừng, trên treo cái giỏ có mấy sợi roi tre như là lệnh cấm tuyệt đối không ai được vào rừng chặt phá. Qua các đời, nó trở thành một lời thề giữ rừng của làng... 
 
Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, năm Bính Ngọ 1125, nhà vua xuống chiếu: "Cấm dân chúng mùa xuân không được chặt cây”. Giáo sư Cao Huy Thuần bình rằng: "Chặt cây cối trong mùa xuân là kết án tử hình sự sống! Chặt cây cối trong mùa xuân là kết án tử hình mùa xuân”. "Cây trồng đời này cho bóng đời khác” theo nhà văn Tô Hoài, chính là "lối sống Việt Nam”. Còn Giáo sư Tương Lai nhìn nhận, những điều đó là biểu hiện sinh động ý thức tương thân, tương ái, tương kính với thiên nhiên, một quan điểm xuyên suốt trong triết lý Phật giáo, cũng là nét tuyệt đẹp trong truyền thống văn hóa của ta, bộc lộ một cách hồn nhiên triết lý về chữ hòa trong tâm thức Việt. "Hòa” trong mối quan hệ giữa người với người, giữa người với thiên nhiên, hòa trong chính mình.
 
Huyền thoại giữ rừng bằng hương ước như ở làng Phò Trạch vẫn đang khẳng định sự đoàn kết và vai trò của người dân trong bảo vệ rừng, tương kính thiên nhiên đã tạo nên nếp sống thân thiện và thủy chung với thiên nhiên. Để cho con người sinh thành, tự hoàn thiện mình trong môi trường sống của chính mình.
 
 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu khai mạc 
Lễ phát động Tết trồng cây ‘Đời đời nhớ ơn Bác” 
tại Yên Thế, Bắc Giang (ngày 18-2)
Ảnh: Hoàng Long
 
Tết trồng cây làm nên Xuân đất nước
 
Mùa xuân là tết trồng cây đã qua 53 năm, kể từ dịp Tết Canh Tý 1960, Bác Hồ phát động phong trào "Tết trồng cây” đầu tiên trong cả nước, "làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Song vì sao trồng cây trong mùa xuân của đất trời lại có thể góp phần làm nên mùa xuân đất nước?
 
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng cộng đồng nhiều địa phương gần 20 năm qua đã phục hồi, trồng mới hàng chục ngàn ha rừng ngập mặn, tạo ra sự bảo vệ ven biển chống lại nước biển dâng cao và tấn công của bão. Dù việc trồng và bảo vệ những cánh rừng ngập mặn đó tiêu tốn tới hơn 1 triệu USD, nhưng nó lại tiết kiệm được 7,3 triệu USD/năm tiền đầu tư để bảo dưỡng đê bao. Ước tính khoảng 10 ngàn gia đình đã được hưởng lợi từ chương trình phục hồi rừng ngập mặn, tăng thu nhập từ việc bán cua ghẹ, tôm. Thử nghiệm trồng phục hồi cây ngập mặn ven biển và đầm phá ở Thừa Thiên - Huế gần đây cũng cho thấy nơi này được bồi đắp phù sa nhiều hơn. 100% người dân ở đây mong muốn cây ngập mặn được trồng tiếp. Xuân đất nước đang đến từ mỗi cây trồng đó.
 
Vẫn ở góc độ kinh tế, nhìn rộng hơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tại Lễ phát động tết trồng cây tại Yên Thế hôm qua cho biết, Việt Nam là một trong số ít nước ở châu Á tăng nhanh diện tích rừng. Năm qua ngành lâm nghiệp nước ta đạt được kết quả nổi bật. Kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt trên 4,8 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay và vượt kế hoạch. Độ che phủ rừng đạt 40%, năm 1998 chỉ 32%. Nhưng thực tế nhiều địa phương chậm thực hiện chính sách bảo vệ phát triển rừng. Doanh nghiệp huy động vốn, vay vốn trồng rừng sản xuất gặp khó khăn. Hơn hết là nỗi đau rừng cả nước vẫn bị chặt phá. Sau tết trồng cây vẫn thiếu một chiến lược chăm sóc bảo vệ lâu dài. Thanh niên giờ đây không ít người chỉ biết đánh thức mầm xuân, chăm sóc cây ảo trên mạng. 
 
 
Nhớ cây
 
Đâu phải ngẫu nhiên bây giờ nhiều người hay nhớ về cây đến thế. Họa sĩ Đỗ Phấn trong bài viết Nhớ cây đã than rằng, tự nhiên cứ nhớ đứng nhớ ngồi những gốc cây Hà Nội…
 
Để tránh lãng phí trồng mới hàng ngàn ha cây các loại mỗi dịp xuân về, cần thông tin mang tính dự báo càng chính xác càng tốt các quy hoạch cây trồng cấp địa phương và quốc gia, căn cứ đặc điểm, lợi thế tiểu khí hậu đất đai, tập quán canh tác, thị trường…, để địa phương, doanh nghiệp, người dân cân nhắc kỹ việc ra quân trồng cây mỗi dịp xuân về sao cho có hiệu quả nhất. Chuyện các vùng quê đổ xô trồng cau vua cách đây 10 năm hoặc mới đây là sưa đỏ, vẫn còn nóng hổi.  
 
Cũng cần nghiên cứu xây dựng nâng chất – nâng chuẩn cây trồng mới một cách thực chất, tăng cơ hội giữ rừng cho cộng đồng, không chỉ chuyện đãi ngộ thưởng phạt hay loay hoay với hoàn thiện đội ngũ kiểm lâm, mà phải thực sự tạo điều kiện cho người dân sống thật sự vững vàng với "rừng của mình”. Trước nạn "lâm tặc” đốn hạ rừng tràn lan, việc ở đâu người dân bảo vệ được rừng đều cần được tôn vinh như một... kỳ tích.
 
Tết trồng cây cũng là cơ hội tôn vinh những nhà khoa học, người chăm sóc cây giỏi, những người làm truyền thông mặn mòi, đau đáu với cuộc chiến giữ rừng, bảo vệ cỏ cây hoa lá. Cả những nhà quy hoạch đang chạm vào giấc mơ thành phố thịnh vượng với không gian xanh, sạch và bền vững với môi trường.
 
Thanh Như
Nguồn:ddk.vn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập156
  • Hôm nay31,476
  • Tháng hiện tại976,540
  • Tổng lượt truy cập91,039,933
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây