Theo ghi nhận của phóng viên NTNN, cho đến trước thời điểm thu mua tạm trữ, giá lúa tại khu vực này vẫn lên, xuống thất thường.
Lúa chất đầy đồng
Tính đến ngày hôm qua (19.2), nông dân vùng ĐBSCL thu hoạch được khoảng trên 180.000ha lúa đông xuân sớm, cùng với đó là lượng lúa hàng hóa còn tồn trữ khá lớn. Theo ghi nhận của phóng viên NTNN chạy dài cặp QL 61 từ TP.Cần Thơ đi Hậu Giang, ngay sau Tết Nguyên đán, nông dân đã bắt đầu tất bật xuống đồng thu hoạch lúa.
Nhiều nơi lúa chất đầy đồng vì không có thương lái đến mua, cộng với đó là do thời gian nghỉ tết dài, lúa trên đồng cũng chín rộ chưa thu hoạch được. Ngồi bên đống lúa vừa thu hoạch xong, ông Nguyễn Văn Sáu, ngụ khu vực 3, phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ ngao ngán, nói: “So với thời điểm này năm rồi, giá lúa thơm tươi phơi khô bán có giá lên đến 5.800 đồng/kg, năm nay giá rớt thê thảm chỉ còn 4.800 đồng/kg. Do thương lái không đến mua, nên muốn bán phải chở đến tận các nhà máy xay xát, 1 tấn tốn thêm 50.000 đồng tiền công”.
Lão nông Hai On, ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang cũng than: “Năm nay giá lúa thấp, muốn bán lại khó trong khi đó tiền thuê nhân công một ngày lên đến 150.000 đồng/người, chưa kể lo tiền cơm, nước; kèm theo đó là giá phân phón, vật tư đều tăng cao hơn so với mọi năm”. Tại tỉnh Sóc Trăng, nông dân ở các xã Viên An, Thạnh Thới Thuận, Tài Văn, Viên Bình của huyện Trần Đề cũng đang thu hoạch đại trà lúa đông xuân.
Thế nhưng, vụ này năng suất thấp, giá bán cũng thấp. Theo đó, giá bán lúa ST5 hiện tại dao động từ 5.600 – 5.700 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với vụ đông xuân năm trước là thấp nhất cũng 6.300 đồng /kg và có lúc lên đến 7.200 đồng/kg.
Khó có lãi 30%
Điều đáng nói, giá lúa đã thấp nhưng không dễ bán nên thu hoạch xong, nhiều nhà nông đang phải chất đống lúa bên đường hoặc ở nhà để chờ người mua. Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, hiện diện tích lúa đã thu hoạch trong toàn huyện là hơn 20ha tập trung ở các xã Thuận Hòa, Xà Phiên và Lương Nghĩa.
Tuy nhiên, giá lúa tươi mà thương lái mua tại ruộng chỉ còn ở mức 4.200 – 4.500 đồng/kg, giảm 200 đồng so với đầu vụ và giảm 400 - 500 đồng so với vụ đông xuân năm ngoái. Trước tình cảnh lúa rớt giá như hiện tại, nhiều bà con đã chọn giải pháp tự trữ lúa.
Còn tại Vĩnh Long tính đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 9.000/64.000ha lúa đông xuân, năng suất trung bình đạt từ 7 – 8 tấn/ha, tập trung nhiều tại các huyện Trà Ôn, Vũng Liêm và Long Hồ. Theo tính toán, hiện giá thành hạt lúa mà nông dân làm ra từ hơn từ hơn 3.500 – 4.000 đồng/kg. Nếu bán giá lúa như hiện nay thì nông dân khó có lãi được 30%, bởi giá định hướng sản xuất do Bộ Tài chính tính toán chỉ là 3.661 đồng/kg.
Theo lý giải của nhiều thương lái, vào thời điểm này thương lái hạn chế thu mua lúa trong dân vì họ “ngóng” động tĩnh xem giá cả doanh nghiệp xuất khẩu mua vào theo chương trình tạm trữ như thế nào.
Theo thông báo giá hướng dẫn gạo xuất khẩu của VFA có hiệu lực từ ngày 6.2, gạo loại 5% tấm là 410 USD/tấn/FOB, loại 35% tấm là 365 USD/tấn/FOB; đóng bao 50kg/bao, giao tàu và theo tiêu chuẩn chất lượng gạo xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, theo một chuyên gia lúa gạo, chênh lệch giá giữa các loại gạo khác do các thương nhân tính toán và quyết định. Vì thế, mặt bằng giá lúa, gạo hàng hóa trước và Tết Nguyên đán ở ĐBSCL so với những năm gần đây vẫn chưa có dấu hiệu khả quan hơn.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã