Phó Chủ tịch huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) Lê Huy Hoàng cho biết, huyện luôn xác định công tác phòng chống bão lụt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Bởi vì Thọ Xuân là một trong những địa phương chịu tác động rất lớn của lụt bão. Do đó, ngay đầu năm, Huyện ủy và UBND xác định và phân công rõ nhiệm vụ, triển khai các phương án tới các cấp, các ngành, địa phương và toàn thể nhân dân trên địa bàn về thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” chủ động triển khai công tác phòng chống lũ lụt để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Tuy vậy, trong đợt bão năm 2012, hai tuyến đê trên địa bàn Thọ Xuân bị vỡ do những yếu tố bất khả kháng, khi lượng mưa là rất lớn. Sau khi sự cố xảy ra, chính quyền và nhân dân đã tích cực chỉ đạo, khắc phục hàn khẩu, ổn định đời sống cũng như sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, ông Lê Huy Hoàng |
“Thiên tai là điều khó tránh khỏi nhưng quan trọng chúng ta có phương án chủ động đối phó, nếu không người dân vừa thoát nghèo có khi lại tái nghèo”, ông Hoàng chia sẻ. Trên quan điểm đó, những năm qua, Thọ Xuân đã chủ động trong công tác phòng chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai.
“Thọ Xuân thường hay gánh chịu hậu quả của cơn bão số 7, số 8 nên chúng tôi xác định phải thu hoạch trước những cơn bão này. Vào đầu tháng 9 hàng năm, người dân trên địa bàn gần như cơ bản thu hoạch xong nên không bị ảnh hưởng nhiều do lũ lụt”, ông Hoàng cho biết. Và để thực hiện được phương án này, huyện Thọ Xuân đã cơ cấu các loại giống cây trồng cho phù hợp với điều kiện “né bão lụt”.
Chính có sự chủ động nên vụ đông 2012-2013, Thọ Xuân là một trong những huyện giành thắng lợi toàn diện cả về diện tích, năng suất, sản lượng, giá trị thu nhập so với mặt bằng chung của tỉnh và cả nước. Nhìn chung các loại cây trồng như ngô, khoai, đậu… đều cho năng suất và hiệu quả rất cao, giá trị thu nhập đạt được trên một đơn vị diện tích canh tác cao hơn so với các vụ đông trước kia.
“Những điều kiện để Thọ Xuân giành thắng lợi vụ Đông trước hết do điều kiện thời tiết khí hậu rất thuận lợi cho cây trồng vụ đông. Thứ hai là lao động tập trung cho sản xuất vụ đông dồi dào hơn vì nhiều doanh nghiệp đình trệ, phá sản, lao động lại đổ dồn về nông thôn nhiều. Ngoài ra, tâm lý nông dân xác định đầu tư, chăm sóc để thắng vụ đông cũng rất cao. Cùng với đó là chính sách khuyến khích sản xuất, hỗ trợ giống, phân bón của tỉnh và của huyện”, ông Hoàng cho biết.
Nông dân được mùa, nông thôn mới ổn định
Trong cơ cấu GDP của huyện Thọ Xuân, nông nghiệp chỉ chiếm 25-27%. Tuy nhiên, Thọ Xuân luôn xác định sản xuất nông nghiệp trên địa bàn là một yếu tố rất quan trọng để đảm bảo ổn định tình hình nông thôn.
“Nông dân được mùa thì các vấn đề nông thôn như an ninh trật tự sẽ ổn định; đời sống, làng quê đầm ấm, bớt đi các khiếu kiện hay những xung khắc. Chính vì vậy, Đảng bộ và chính quyền tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp để vừa nâng thu nhập của người dân và cũng là để ổn định tình hình chính trị ở nông thôn”, ông Lê Huy Hoàng nhấn mạnh.
Cây mía được xác định là cây trồng chủ lực của Thọ Xuân (Ảnh:ngoisao) |
Cũng theo ông Lê Huy Hoàng, trong nông nghiệp, nếu vẫn sản xuất theo kiểu truyền thống thì hiệu quả sẽ không cao mà phải có sự thay đổi và đầu tư đúng mức, hiệu quả, phù hợp thị trường. Các Nghị quyết 05, 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thọ Xuân xác định rất rõ từ chuyển giao, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi để mang lại hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích canh tác cho đến xây dựng cánh đồng 50 triệu/1 ha, 100 triệu/1 ha.
Ngoài ra, trong những năm vừa qua, mối liên hệ 4 nhà: Nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà quản lý trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn Thọ Xuân cũng được thực hiện rất tốt, mà mô hình phát triển cây mía đường cho thấy rõ điều đó.
“Công ty mía đường Lam Sơn đã phối kết hợp với huyện trong chuyển giao khoa học, công nghệ; đầu tư, thâm canh về loại giống mới, phương thức canh tác mới rồi chuyển giao cho nông dân. Nông dân là người trực tiếp sản xuất nhưng có hướng dẫn của nhà khoa học. Chính vì vậy, sản phẩm, nguyên liệu trong những năm vừa qua trên địa bàn luôn ổn định về năng suất, sản lượng, giá cả thu mua và hiệu quả đối với người dân”, ông Lê Huy Hoàng cho biết./.
Từ hai vụ Chiêm Xuân và vụ Mùa, nay chúng tôi đã biến vụ Đông thành vụ chính để có 3 vụ chính, 3 vụ là 3 bát đầy. Năm vừa qua, vụ Đông thắng lợi toàn diện và được tỉnh đánh giá cao.
Với việc biến cây mía thành cây chủ lực cùng với cây lúa, toàn bộ các xã vùng mía, đặc biệt 5 xã miền núi được thay da đổi thịt, thu nhập thậm chí tương đương với các xã đồng bằng và ngày càng có lợi thế trong điều kiện phát triển mới.”