Qua đó có thể thấy, các mục tiêu về hội nhập kinh tế quốc tế, bao gồm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, được đề ra trong các nghị quyết của Đảng đã và đang được triển khai hiệu quả.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã xác định các tiêu chí để đánh giá kết quả hội nhập quốc tế về kinh tế, trong đó bao gồm gia tăng xuất khẩu, số lượng và chất lượng thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế... Nghị quyết cũng nêu rõ, cần tập trung nghiên cứu, triển khai thực hiện các giải pháp mới có hiệu quả để phát huy sức mạnh tổng hợp và sự sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân; huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Trong 5 đến 10 năm tới, tập trung khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, xây dựng cơ chế, chính sách phòng vệ thương mại, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp quốc tế; có chính sách phù hợp hỗ trợ các lĩnh vực có năng lực cạnh tranh thấp vươn lên...
Vấn đề nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nói riêng hay năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung luôn là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Bản chất của năng lực cạnh tranh quốc gia là năng lực vận hành nền kinh tế có hiệu quả, với chi phí hợp lý và mang lại kết quả tối đa. Năng lực cạnh tranh quốc gia có mối tương quan mật thiết với môi trường kinh doanh. Nền kinh tế có phát triển bền vững hay không phụ thuộc nhiều vào năng lực cạnh tranh quốc gia cao hay thấp cũng như mức độ thuận lợi hay kém thuận lợi của môi trường đầu tư kinh doanh.
Ưu thế nữa là hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông được cải thiện mạnh mẽ. Việt Nam sẵn sàng đón tiếp các nhà đầu tư với nhiều khu công nghiệp và khu kinh tế được phân bố trải dài từ Bắc vào Nam với đầy đủ các điều kiện đáp ứng yêu cầu của bất kỳ nhà đầu tư nào. Tới đây, các nhà đầu tư không phải lo ngại về những khó khăn khi bắt tay vào đầu tư bởi những nơi này tập trung đầy đủ hạ tầng cơ sở, giúp các nhà đầu tư bớt các đầu việc phải làm cũng như không phải lo lắng về vấn đề thủ tục giấy tờ.
Quá trình cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam cũng đã mang lại những thuận lợi lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Hiện nay, thời gian cấp phép đầu tư đối với những dự án thông thường là 15 ngày, dự án có thuê đất Nhà nước là 40 ngày, những dự án phải trình Thủ tướng Chính phủ là 60 ngày. Thời gian thành lập doanh nghiệp hiện chưa đến 3 ngày. Về cơ bản, thủ tục hành chính hiện nay ở Việt Nam là minh bạch.
Ông Đặng Xuân Quang nhấn mạnh những tiến bộ trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, vốn vẫn được đề cập như là một rào cản lớn đối với hoạt động đầu tư ở Việt Nam trên các diễn đàn kinh doanh lớn 10 năm về trước. Nhưng giờ đây, rào cản này không còn là vấn đề lớn. Cơ sở hạ tầng ở Việt Nam đang tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ, không chỉ trong lĩnh vực giao thông, hàng không, cảng biển mà cả viễn thông, cấp điện và cấp thoát nước... phần lớn đều có thể đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.
Làm rõ sự thuận lợi và sẵn sàng cho đầu tư, ông Đặng Xuân Quang cho biết, hiện nay Việt Nam có tổng cộng 321 khu công nghiệp, trong đó có 43 khu có vốn đầu tư nước ngoài đã được quy hoạch, phần lớn đã được đầu tư phát triển. Cùng với đó là 16 khu kinh tế ven biển được bố trí gần hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển. Việt Nam đã thành lập được 3 khu công nghệ cao quốc gia ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Theo quy hoạch từ nay đến năm 2025, Việt Nam sẽ phát triển 6 khu công nghệ cao nữa ở cấp bộ, ngành nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.
Ông Đặng Xuân Quang cũng khẳng định ưu thế về chính sách thu hút đầu tư ổn định và nhất quán của Việt Nam. Việt Nam có thay đổi, điều chỉnh về pháp luật cũng như chính sách nhưng cam kết theo hướng thông thoáng hơn, cạnh tranh hơn và thuận lợi hơn. Ông cho biết, về nguyên tắc, Việt Nam chuyển sang mô hình “chọn bỏ”, có nghĩa là pháp luật quy định các lĩnh vực cấm, còn ngoài lĩnh vực cấm thì các nhà đầu tư có toàn quyền tham gia đầu tư kinh doanh.
Đáng chú ý, Việt Nam đã xây dựng chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp rõ ràng và phù hợp. Mức được hưởng thuế ưu đãi tùy thuộc vào từng dự án đầu tư có đáp ứng các điều kiện hiện tại hay không. Khi so sánh với các nước trong khu vực thì mức thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay ở Việt Nam thấp nhất, tương đương với Thái Lan, Cam-pu-chia; còn thuế giá trị gia tăng của Việt Nam ở mức trung bình, tương đương Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a và Lào. Chính sách ưu đãi thuế doanh nghiệp của Việt Nam được đánh giá là có tính cạnh tranh cao so với các nước ở khu vực.
Đề cập tới định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam, ông Đặng Xuân Quang cho biết, Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào những lĩnh vực hút vốn đầu tư còn chậm là nông, lâm nghiệp, thủy sản. Hiện lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhất, tiếp đến là lĩnh vực bất động sản. Bất động sản là lĩnh vực mới tăng trưởng nhưng đã đạt số vốn đầu tư 51 tỷ USD và có chiều hướng tăng trưởng mạnh. Theo đánh giá, trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều dư địa, kể cả bất động sản công nghiệp, bất động sản thương mại và bất động sản du lịch. Thị trường bất động sản của Việt Nam có dấu hiệu phục hồi rõ rệt sau thời gian suy giảm, thể hiện qua những báo cáo đánh giá của các công ty đầu tư bất động sản và thể hiện ở dòng vốn nước ngoài đổ vào lĩnh vực này gia tăng mạnh mẽ. Kể từ năm 2015, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản ở Việt Nam đã tháo bỏ các rào cản đối với việc đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, sở hữu nhà của người nước ngoài ở Việt Nam. Ngoài một số quy định hạn chế cụ thể, các tổ chức, cá nhân nước ngoài có thể đầu tư bất động sản cũng như có quyền mua bán, cho thuê, thừa kế bất động sản ở Việt Nam. Những thay đổi này là dấu hiệu cho thấy môi trường đầu tư ở Việt Nam được cải thiện rõ rệt, thậm chí đột phá, tạo ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo báo qdnd.vn