Nhập khẩu phân bón tăng
Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), ngành phân bón hiện đối mặt với nhiều khó khăn. Sản xuất phân Ure và NPK trong nước đang ở tình trạng cung vượt cầu, trong khi hàng NK vẫn tăng cao, cạnh tranh khốc liệt về giá.
Bên cạnh đó, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, khối lượng và giá trị NK phân bón 6 tháng đầu năm 2017 là 2,34 triệu tấn, đạt 628 triệu USD, tăng 23,7% về khối lượng, tăng 17,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, khối lượng NK phân đạm Ure đạt 228 nghìn tấn với giá trị 60 triệu USD; phân SA đạt 533 nghìn tấn với giá trị 63 triệu USD.
Nguồn phân bón NK chủ yếu trong những tháng đầu năm đến từ Trung Quốc. So với năm 2016, thị trường này tăng khối lượng nhưng lại giảm về giá trị, đồng thời chiếm tới 36,3% tổng giá trị NK.
Đặc biệt, NK phân bón từ thị trường Philippines trong 5 tháng đầu năm tăng đột biến. Tuy chỉ đạt 26,2 nghìn tấn, trị giá 10,1 triệu USD, nhưng gấp hơn 9,1 lần về lượng và gấp hơn 7,8 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.
Ngoài ra, kể từ khi Luật số 71/2014/QH13 phân loại mặt hàng phân bón từ danh mục chịu thuế VAT 5% sang danh mục không chịu thuế đã khiến các DN phân bón nội địa không còn được khấu trừ thuế đầu vào, tác động xấu đến sản xuất – kinh doanh, khiến cho giá thành sản phẩm tăng cao.
Một nguyên nhân nữa cũng được Hiệp hội phân bón Việt Nam (FAV) đề cập tới, trong khi trên thế giới, giá các mặt hàng đều hạ, thì trong nước, giá nguyên liệu sản xuất phân bón như than, khí lại không hạ. Hệ lụy của việc này là phân bón nước ngoài tiếp tục được NK ồ ạt vào Việt Nam.
Chủ động giải pháp gỡ khó
Trước thực trạng trên, theo FAV, các DN sản xuất phân bón cần chủ động đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Tại Hội nghị sơ kết quý II, 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ quý III/2017 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), ông Nguyễn Gia Tường - Tổng giám đốc tập đoàn - cho biết, giải pháp mà Vinachem đưa ra là tập trung tháo gỡ khó khăn cho các sản phẩm Ure và DAP. Trong đó, chú trọng tăng cường triển khai đồng bộ giải pháp thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm ở trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Vinachem sẽ xây dựng Chương trình xúc tiến thương mại năm 2017 trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu của DN nhằm phát triển thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu. Mặt khác, tập đoàn và các đơn vị cũng triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.
Ông Nguyễn Văn Thanh- Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) - đề xuất, các DN cần tập trung vào một số giải pháp điều hành sản xuất - kinh doanh linh hoạt để khai thác tối đa năng lực hiện có. Nghiên cứu thiết kết sản phẩm mới, điều chỉnh tăng tỷ trọng các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng lớn trong cơ cấu.
Liên quan đến Luật số 71/2014/QH13, Bộ Công Thương và FAV đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh mặt hàng phân bón từ diện miễn thuế VAT sang thuế suất 0%. Nếu được chấp thuận, việc hạch toán của DN sản xuất phân bón sẽ thay đổi thành được khấu trừ thuế VAT đầu vào thay vì phải ghi nhận vào chi phí như trước đây.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, trong trường hợp chính sách này được thông qua, ước tính các DN sản xuất phân bón có thể tiết kiệm đến 2.500 tỷ đồng chi phí mỗi năm. Từ đó, tạo sức cạnh tranh đáng kể về giá với phân bón NK.
Ngoài ra, để hỗ trợ các DN phân bón nội địa trong tình thế khó khăn như vậy, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị Chính phủ tiếp tục có những thay đổi chính sách để hỗ trợ và thúc đẩy tiêu thụ hàng nội địa; thắt chặt quản lý, ngăn chặn nạn phân bón giả và phân bón nhập lậu qua đường tiểu ngạch.