Niềm vui lớn nhất của bà con là trúng mùa, trúng giá so với các năm trước. Tuy nhiên, trong khi giá lúa Đông Xuân ở thị trường đang tăng cao nhưng giá bán ký trong hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân hoặc giữa thương lái với nông dân ngay từ đầu vụ thấp hơn từ 300 đến 500 đồng/kg khiến nhiều người chưa thỏa mãn.
Nguy cơ các hợp đồng trên khó thực hiện và việc bẻ kèo giữa nông dân với doanh nghiệp là rất lớn, ảnh hưởng đến việc cung ứng gạo xuất khẩu cho các doanh nghiệp...
Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp Cần Thơ đã và đang triển khai các giải pháp nhằm giúp nông dân và doanh nghiệp thực hiện đúng hợp đồng, hạn chế việc nông dân bẻ kèo không bán lúa cho doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Cần Thơ, Sở đã vận động các doanh nghiệp, nông dân (đã ký họp đồng với các doanh nghiệp qua các Tổ hợp tác, Hợp tác xã) thỏa thuận lại giá tại thời điểm hiện tại (lúc thu hoạch) theo hướng doanh nghiệp sẽ nâng giá thu mua lên so với giá trong hợp đồng và nông dân chấp nhận hạ giá bán so với giá thị trường một chút để đảm bảo hài hòa lợi ích của 2 bên.
Đối với các trường hợp nông dân ký hợp đồng hoặc đã nhận tiền đặt cọc của các thương lái, ngành nông nghiệp cùng với chính quyền các địa phương vận động, thuyết phục bà con nông dân và thương lái bàn lại giá thu mua sao cho cả đôi bên cùng có lợi vì mục đích làm ăn lâu dài.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cần Thơ cho biết, tính đến ngày 22/2, nông dân ngoại thành thành phố đã xuống giống 83.981 ha, vượt 0,06% kế hoạch; trong đó, một số địa phương như Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Thới Lai... đã bắt đầu thu hoạch được hơn 100 ha với năng suất ước đạt 7 tấn/ha. Giá lúa tươi (thu hoạch xong bán liền, không qua phơi sấy) ngoài thị trường hiện đang dao động ở mức từ 5.300-5.400 đồng/kg đối với giống IR50404, giống OM5451 là 5.500-5.600 đồng/kg và giống Jasmine 85 từ 5.600-5.700 đồng/kg.
Với giá lúa này, bình quân mỗi ha, nông dân có thể đạt lợi nhuận từ 20 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, ngay từ đầu vụ, nhiều nông dân đã nhận tiền cọc bán bán lúa cho thương lái hoặc ký hợp đồng bán lúa cho doanh nghiệp với mức giá thấp hơn từ 300 - 500 đồng/kg so với giá hiện tại.
Điểm mới của vụ lúa Đông Xuân 2017-2018 ở Cần Thơ cũng như nhiều tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là hầu hết diện tích và sản lượng đều được thương lái hoặc doanh nghiệp đặt mua theo hình thức bán lúa tươi; nông dân không phải phơi sấy, bảo quản và được trả tiền trước một phần.
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, nếu giá lúa tới thời điểm thu hoạch vẫn ổn định thì các hợp đồng mua bán diễn ra suôn sẻ, nghiêm túc. Còn khi giá lúa tăng, giảm bất thường thì một trong 2 bên thường không thực hiện đúng hợp đồng cam kết, không chia sẻ hài hòa lợi ích. Hậu quả là mỗi bên đều bị thiệt hại.
Theo Ngọc Thiện/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã