Học tập đạo đức HCM

Đi tìm bí quyết của xã không dùng thuốc trừ sâu

Thứ ba - 19/09/2017 03:43
Sau khi NNVN đăng phóng sự “Chuyện có thật ở nơi cả xã 10 năm nay không dùng đến thuốc sâu”, một cuộc chia sẻ nhanh chóng và rộng khắp trên khắp các trang mạng, diễn đàn bắt đầu. Độc giả nào cũng mong mỏi tìm hiểu những bí quyết của Đỗ Động và khả năng nhân rộng của mô hình…

Muốn kiểm chứng, hãy ra đồng

Báo lên hôm trước hôm sau Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã gọi ngay cho tôi để bố trí một cuộc trở lại xã Đỗ Động (huyện Thanh Oai, Hà Nội) cùng với Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung vào sáng 15/9.

09-47-18_dsc_9419
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV kiểm tra đồng ruộng

Sau vài câu chào hỏi xã giao, đoàn đã ra đồng theo lời mời của Bí thư xã Trần Đình Tuyến: “Nếu dân chúng tôi sử dụng thuốc sâu thì mọi thứ sẽ phơi bày hết ngay trên cánh đồng, không thể giấu được. Là xã chiêm trũng không có nghề phụ, 80% dân vẫn còn làm ruộng nhưng dân chúng tôi chỉ quan tâm đến việc tăng giá trị/ha, bảo vệ môi trường chứ không chạy theo năng suất. Điều chúng tôi băn khoăn là cánh đồng sạch nhưng vì không có thương hiệu gì nên dân vẫn phải bán với giá ngang với hàng chợ”.

Hầu hết gia đình cán bộ xã nào cũng có ruộng nên rời cơ quan là quần xắn móng lợn, là lao động mướt mải như ai từ Bí thư xã Trần Đình Tuyến đến Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thị Hoa cũng vậy. Chị Hoa thổ lộ: “Cán bộ chúng tôi cũng được học các lớp tập huấn về KHKT, được xem các đối chứng giữa mô hình áp dụng và không áp dụng. Thực tế nhà tôi giờ chỉ cấy 5 sào lúa nhưng mấy năm trước cấy đến hàng mẫu đều không phải dùng đến thuốc trừ cỏ, thuốc trừ ốc chứ không nói đến thuốc trừ sâu mà vẫn cho thu hoạch đều. Từ đó chúng tôi rất tích cực trong việc tuyên truyền cho những bà con khác”.

Cánh đồng Đỗ Động

Loa truyền thanh của xã cứ vào vụ là sáng sáng, chiều chiều ra rả tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng hóa chất nhưng nhiều lúc nông dân đã đi trước cán bộ một bước trong việc bỏ thuốc trừ sâu, hầu như không còn nhà nào còn giữ bình phun. Tất nhiên, mọi con số tuyệt đối đều có thể chưa logic nhưng 1.509 hộ nông dân của Đỗ Động thì có khoảng 97-98% gia đình không bao giờ phải dùng đến thuốc trừ sâu. Ở thôn đông nhất là Động Giã với trên 550 hộ thì theo xác nhận của trưởng thôn gần như chỉ có nhà anh Minh mới về ở rể ở làng là còn dùng.

Bắc Thơm số 7 như một tiểu thư đài các nhưng yếu đuối. Cánh đồng nào cấy giống này chẳng khác gì thỏi nam châm khổng lồ thu hút dịch bệnh. Nhưng nhiều nông dân miền Bắc cũng như hầu hết nông dân ở Đỗ Động không thể bỏ được Bắc Thơm số 7 bởi chất lượng gạo tuyệt vời của nó. Vẫn cái giống tưởng chừng như đỏng đảnh và yếu đuối ấy khi cấy không có thuốc trừ sâu mà lại cho năng suất khá và chất lượng gạo vượt trội.

09-47-18_dsc_9425
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV nói chuyện với nông dân Đỗ Động

Theo thống kê, năng suất Bắc Thơm số 7 trong nhiều năm ở xã đạt trung bình 1,5 tạ/sào còn giống lúa thuần khác như Khang Dân đạt 1,8 tạ/sào. Vụ mùa này mưa gió thất thường khiến bạc lá phát triển, năng suất giảm xuống còn tương ứng khoảng 1,3 tạ/sào và 1,6-1,7 tạ/sào.

Vậy đâu là bí quyết của Đỗ Động? Là cấy thưa bằng mạ non, đúng thời vụ và đồng loạt. Cấy xong hầu hết nông dân chỉ bắt ốc bươu vàng, nhặt cỏ bờ và dặm tỉa. Họ bón phân cân đối, hạn chế đạm lại còn rắc thêm vôi bột (mỗi sào 10-15 kg) để vừa khử chua, khử độc, khử rong rêu lại tăng nhanh quá trình phân hủy mùn bã hữu cơ. Ngược lại với quan niệm truyền thống lúa nước là luôn phải cần nước kiểu: “Nhất nước, nhì phân…”, họ lấy nước vào hợp lý, tháo nước ra ở một số thời điểm cho khô mặt ruộng, nứt chân chim để hạn chế sâu bệnh.

Hai cánh đồng mà chúng tôi đi thăm đều sạch sẽ đến mức khó tin, không vỏ bao thuốc sâu, chai lọ hóa chất vứt bừa bãi mà ngay cả những con ốc bươu vàng dân làng bắt lên cũng được đút vào trong bao tải để gọn gàng bên đường. Trên mương máng thỉnh thoảng lại thấy có những người dân đi kiếm cá về ăn. Gặp bất kỳ ai để hỏi chuyện, họ đều xác nhận rằng từ lâu lắm rồi nhà mình, HTX mình không còn phải phun thuốc sâu nữa.
 

Nơi nào có thể làm được như Đỗ Động?

Ông Đàm Văn Tân - Trạm trưởng Trạm BVTV Thanh Oai khẳng định rằng huyện mình gần như là nơi sử dụng ít thuốc trừ sâu nhất nhì của Hà Nội. Bằng chứng là 21 xã, thị trấn thì 6 xã vùng trồng rau, 3 xã vùng trồng quả còn dùng thuốc, còn lại hầu hết những xã trồng lúa dùng rất hạn chế hoặc không dùng như ở Đỗ Động (97-98% không dùng). Bằng chứng là cả huyện có 26 cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV nhưng gần như chỉ có 3 cái tồn tại được còn hầu hết gần như đã ngừng.

“Gần đây có ngày trạm nhận được 40 cuộc điện thoại của nông dân hỏi về tình hình lúa bạc lá nhưng tôi đều tư vấn là không phun thuốc vì với bệnh này phun không tác dụng... Trước đây, có xã tập thể (HTX) quyết định phun thuốc nhưng dân họ không chấp nhận cũng đành phải chịu. Như ở Đỗ Động này chỉ mạ xuân mới phải xử lý thuốc phòng sâu đục thân còn mạ mùa rất ít khi phải xử lý, cả vụ trên đồng không phải dùng gì cả nên thừa tiêu chuẩn lúa an toàn”.

Cách làm ở đây dựa trên các nguyên tắc cơ bản của SRI (hệ thống thâm canh lúa cải tiến) và nâng tầm lên ở một đỉnh cao mới. Ông Đỗ Danh Kiếm - Chi cục phó Chi cục BVTV Hà Nội kể rằng năm 2005 khi đơn vị bắt đầu thực hiện SRI đã dẫn đoàn của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây cũ lúc đó do ông Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu xuống thăm Văn Phú (Hà Đông) và được kết luận là tốt và nên khuyến khích mở rộng.

09-47-18_dsc_9432
Chị Hưởng Nhung giờ đây đã chuyển hẳn từ bán thuốc sang bán phân bón

Để bây giờ, Thủ đô là nơi tiên phong cho kỹ thuật này, phần lớn diện tích lúa áp dụng toàn phần hoặc một phần SRI. “Thực hiện SRI lượng giống giảm 77%, lượng đạm giảm 33%, sâu bệnh nhiễm rất nhẹ, giảm từ 1,5-20 lần, không phải sử dụng thuốc BVTV, giảm 3-4 lần tưới/vụ, năng suất tăng 12%, chi phí giảm 10%, hiệu quả kinh tế tăng lên 49%”. Báo cáo của Chi cục BVTV Hà Nội đã chỉ rõ điều này.

Còn ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục BVTV thì nhận xét: Cách làm IPM, SRI không mới nhưng ở Đỗ Động người ta rất tuân thủ. Từ Bí thư đến các lãnh đạo UBND xã đều rất tâm huyết và am hiểu, HTX lại đứng ra dự tính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh thường xuyên cho bà con.Thêm vào đó là sự gắn kết giữa Chi cục BVTV, Trạm BVTV với xã rất tốt nên tổ chức thực hiện rất có hiệu quả. Trong định hướng của ngành BVTV ngày càng sử dụng ít thuốc, nếu không phải sử dụng thì càng tốt còn nếu phải dùng thì nên dùng loại sinh học, ít độc.

Bàn về khả năng nhân rộng của mô hình Đỗ Động, ông nói: Nó có thể áp dụng được cho một số tỉnh thành lân cận có quy mô diện tích, tập quán canh tác, điều kiện tự nhiên tương đồng nhưng ở một số vùng khác như các tỉnh phía Nam chẳng hạn thì lại là chuyện khác vì có rầy nâu, vàng lùn xoắn lá thì phải phòng trừ bằng thuốc BVTV. Ở các vùng sinh thái khác nhau, cơ cấu cây trồng khác nhau nên cách phòng trừ BVTV là khác nhau, không thể đánh đồng được nhưng những gì thuộc về nguyên tắc như IPM, SRI thì có thể áp dụng chung...

+ Giữa bối cảnh người tiêu dùng còn nhiều hồ nghi về chuyện an toàn thực phẩm, tạo nên một bức tranh xám xịt cho ngành nông nghiệp thì Đỗ Động là một tia lửa nhỏ nhưng đủ để nhen nhóm lên một hi vọng mới.

+ Nói như Bí thư xã Trần Đình Tuyến rằng địa phương mình không có một cửa hàng thuốc sâu nào cũng hợp lý vì tiếng là có 2 nơi còn treo biển bán nhưng gần như đã “chết lâm sàng” vì quá ế, chỉ có vài gói thuốc lèo tèo phủ bụi trong tủ. Chủ cửa hàng Hưởng Nhung ở thôn Trình Xá khẳng định rằng đã từ lâu rồi chỉ bán được có mấy trăm ngàn tiền thuốc trừ sâu: “Tuy đang thất nghiệp vì dân không chịu mua thuốc trừ sâu nhưng theo tôi cũng không nhất thiết phải dùng vì nó độc hại”.

 

Theo Dương Đình Tường/nongnghiep.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập382
  • Hôm nay82,743
  • Tháng hiện tại787,856
  • Tổng lượt truy cập90,851,249
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây