Chuyển đổi để tồn tại
Nét đặc thù của địa hình miền Trung là khoảng cách giữa núi và sông rất hẹp, dài và có độ dốc cao. Do vậy, mỗi khi có mưa là tạo ra dòng chảy xiết, có bao nhiêu nước trôi tuột đi hết. Mưa vừa dứt là khô hạn ập đến ngay. Nếu Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi BĐKH, thì miền Trung là cái “đòn gánh” phải gánh chịu nặng nề nhất.
Và hơn ai hết, nhà nông chính là nhóm đối tượng bị tổn thương trực tiếp, do BĐKH gây ra cho SXNN. “Bởi vậy, để chống chọi với điều kiện khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nông dân phải chuyển đổi SX từ làm lúa sang cây trồng cạn ngắn ngày, phù hợp với điều kiện thực tế. Vì thế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải được đặt thành chủ trương lớn của các địa phương.
Riêng trong vùng duyên hải Nam Trung bộ, từ trước đến nay, một số tỉnh cũng đã thực hiện công tác này nhưng chưa mạnh. Đứng trước bối cảnh khó khăn ngày càng chồng chất, các địa phương cần quan tâm đến công tác này hơn”, TS Hoàng Minh Tâm, Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp duyên hải NTB, nói.
Thiên nhiên không ban tặng cho dải đất miền Trung những thuận lợi về khí hậu, đất đai, thế nhưng bên cạnh những bất lợi, vùng đất này lại có được những thuận lợi khác trong SXNN chưa được khai thác triệt để.
TS Hoàng Minh Tâm cho biết: “Mặc dù đất đai ở miền Trung là đất pha cát, nghèo dinh dưỡng. Tuy nhiên, đây là loại đất nhẹ, rất phù hợp để các loại cây trồng cạn ngắn ngày phát triển tốt. Trong khi đó, giá trị của sản phẩm các loại cây trồng cạn thường cao hơn nhiều so với cây lúa. Do đó, nếu nông dân chuyển từ làm lúa sang làm các loại cây trồng cạn sẽ có thu nhập cao hơn so với làm cây lúa”.
Hiện nay, do sức ép của hạn hán, các tỉnh mới nhìn lại công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm để hạn chế sử dụng nước trong SXNN mà vẫn đảm bảo được thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, với xu thế BĐKH ngày càng tác động mạnh, hạn hán không chỉ xảy ra trong ngày một ngày hai mà sẽ còn tiếp diễn dài dài, và ngày càng nghiêm trọng hơn.
Chưa quyết liệt
Theo nhận định của TS Hoàng Minh Tâm, trong thời gian qua, công cuộc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Nam Trung bộ đã có bước tiến triển. Song vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của vùng đất này, trong khi thời tiết ngày càng diễn biến bất thuận cho SX lúa. Thậm chí nhiều địa phương còn lơ là, bởi khi đi vận động, nông dân không đồng thuận, thế là cho trôi qua luôn.
TS Nguyễn Văn Lâm, GĐ Trung tâm KN-KN tỉnh Bình Định cho hay, tỉnh này đang có tiềm năng lớn trong chuyển đổi cây trồng. Những vùng đất có thành phần cơ giới nhẹ, có điều kiện thoát nước cao là có thể chuyển sang làm cây đậu phộng (lạc) hoặc vây vừng (mè), những loại cây trồng cạn cho hiệu quả kinh tế rất cao. Những vùng đất trong diện này nằm trên địa bàn các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, An Nhơn là rất lớn. Nếu chuyển từ làm lúa sang làm cây đậu phộng hoặc mè, nông dân sẽ có khoản thu nhập gấp đến 5 lần so với cây lúa”.
Không chỉ ở Bình Định, nhiều tỉnh khác ở Nam Trung bộ vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của việc chuyển từ làm lúa sang cây trồng cạn. “Về phát triển cây đậu phộng, 2 tỉnh Quảng Nam và Bình Định đang dẫn đầu trong khu vực với diện tích SX 10.000 ha/năm. Tuy nhiên, con số trên vẫn chưa là gì so với tiềm năng các tỉnh này hiện có. Còn ở các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, việc chuyển đổi còn rất yếu, trong khi nông dân đang phải vật vã với cây lúa trong điều kiện thời tiết bất thuận như hiện nay”, TS Hoàng Minh Tâm nói.
Theo các nhà khoa học, vấn đề chuyển đổi không chỉ mang lại cho nông dân hiệu quả kinh tế cao hơn, mà khi đối tượng cây trồng thay đổi trên cùng 1 chân đất sẽ cắt được sự đeo bám của nguồn sâu bệnh hại trên đồng ruộng trên 1 loại cây trồng, từ vụ này sang vụ khác. Vì thế nông dân sẽ ít phải dùng thuốc BVTV trong SX, môi trường đồng ruộng sẽ không còn bị ô nhiễm nặng nề.
Bên cạnh đó, do nhu cầu về nước tưới của cây trồng cạn chỉ bằng 1/3 so với cây lúa nên giảm được khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Bởi vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nếu được thực hiện rộng khắp sẽ mang lại lợi ích về nhiều mặt.
Báo Nông nghiệp Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã