Có ý kiến lo ngại Việt Nam sẽ trở thành xưởng gia công chăn nuôi cho nước ngoài
TREO CHUỒNG HOẶC GIA CÔNG
Trước thông tin, các hộ chăn nuôi tại miền Bắc do không cầm cự được với thua lỗ, nợ nần đã chuyển sang gia công cho các DN nước ngoài, chúng tôi tiến hành khảo sát tại một số địa phương chăn nuôi phát triển tại TP.Hà Nội và không khỏi giật mình khi thực trạng đúng như vậy.
Anh Dương Mạnh Hùng - Chi hội trưởng Chi hội Chăn nuôi gà xã Ba Trại (Ba Vì, Hà Nội) cho biết, sau gần 2 năm lỗ liên tục, dân nuôi gà trắng tư nhân tại Ba Trại và các xã lân cận kiệt quệ kinh tế, không tự vực dậy được nên từ cuối 2012 đến nay, hơn một nửa số trang trại trên địa bàn đã chuyển sang nuôi gia công cho Cty Japfa (Indonesia). Anh Hùng dự đoán, chỉ hết năm 2013, có lẽ số trại còn lại cũng chuyển nốt sang gia công nếu không khó lòng trụ vững.
Từng làm gia công cho Japfa rồi chuyển ra ngoài tự chăn nuôi, đến nay anh Vũ Văn Phú ở thôn 1 Cao Lẫm, xã Ba Trại lại phải xin vào mô hình vì không chịu nổi sự bấp bênh của thị trường. Chia sẻ của anh Phú, với giá cả hiện tại, chăn ngoài sẽ lỗ nặng, vào mô hình gia công tháng còn được đôi ba triệu, song cũng chẳng sung sướng gì.
“Lứa gà trắng vừa qua gia đình tôi không may gặp phải đàn xấu nên phải bán phá chuồng, đền bù công ty hơn 100 triệu đồng. Đến nay đã được hơn một tháng nhưng phía Cty Japfa vẫn chưa cho chúng tôi vào lứa tiếp theo. Vậy là hai vợ chồng cứ phải “ăn chực nằm chờ” đợi. Nếu 1 năm nữa họ mới cho mình vào gà cũng đành chịu vì mình ở thế phụ thuộc. Nếu tự ý vào gà ở ngoài, họ biết được ngay hôm sau họ chuyển gà về lúc đó không có chuồng là vi phạm hợp đồng, lập tức tiền đặt cọc của mình sẽ bị trừ thẳng tay”. Anh Phú bộc bạch.
Qua Chi hội chăn nuôi xã Ba Trại chúng tôi được biết, trước đây do ít người nuôi gia công nên các điều khoản phía Cty Japfa khá thoải mái. Nhưng, khi chăn nuôi tư nhân chết như ngả rạ, lượng trại xin gia công nhiều không xuể, lập tức phía Japfa đặt ra những quy định rất khắt khe. Để được vào mô hình gia công cho Japfa, người chăn nuôi ngoài việc phải có chuồng trại, đất đai, còn bắt buộc đặt cọc từ 50-100 triệu đồng. Nếu hộ nào không có tiền mặt được thay bằng sổ đỏ nhà đất và trang trại.
Là HTX chăn nuôi lớn nhất nhì TP.Hà Nội, song ông Trần Văn Chiến - Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi và Dịch vụ cổ Đông (TX Sơn Tây) thừa nhận, trong tổng số 260 hộ xã viên của HTX Cổ Đông, chiếm tới 70% là nuôi gia công cho CP (Thái Lan) và Japfa. Với tương lai bấp bênh của ngành chăn nuôi như hiện tại, ông Chiến khẳng định cuối năm 2013 này số trại gia công cho nước ngoài của HTX sẽ lên tới 80%.
Số trang trại ít ỏi người chăn nuôi trong nước tự quản lí, nắm giữ sẽ chỉ là mô hình nuôi các con đặc sản bản địa như: gà thả vườn, lợn mán, lợn rừng, cá sấu… “Là người đứng đầu HTX tôi cảm thấy vô cùng lo lắng cho tương lai của mình và các xã viên. Điều chúng tôi trăn trở nhất hiện nay là một khi DN nước ngoài nắm được thị phần chăn nuôi công nghiệp họ sẽ o ép, thao túng nền chăn nuôi”. Ông Chiến lo xa.
Tương tự như huyện Ba Vì và TX Sơn Tây, trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Dương Tôn Kiên xác nhận, trong tổng số 286 trại chăn nuôi đạt tiêu chuẩn của Bộ NN-PTNT của huyện, 80% đang gia công cho CP.
Nhưng thực tế cho thấy, trang trại nào vào mô hình gia công còn có lợi nhuận, dù ít nhưng ổn định. Ngược lại, những hộ tự chăn nuôi đều thua lỗ, nợ nần do đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh. Chính bởi những lí do trên mà hiện nay đang có làn sóng các hộ chăn nuôi ồ ạt chuyển sang gia công cho DN nước ngoài tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc để duy trì hoạt động và có công ăn việc làm.
CHỈ CÒN CÁCH LIÊN KẾT THEO CHUỖI
Trước lo lắng không phải không có lí của người chăn nuôi trong nước, PGS.TS Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam trấn an người dân không nên quá hoang mang.
Bởi theo số liệu thống kê, mỗi năm Cty CP SX ra khoảng 5 triệu con lợn thịt, Japfa khoảng 50.000 con, trong khi đó tổng đàn lợn của Việt Nam theo số liệu của Tổng cục Thống kê xấp xỉ 50 triệu con/năm. Như vậy, chăn nuôi lợn CP chỉ chiếm khoảng 8% thị phần, chưa đủ để thao túng thị trường. Về con gà cũng tương tự, cả CP và Japfa cộng lại cũng chỉ chiếm khoảng 7-8%, nhưng chắc chắn các năm tiếp theo chăn nuôi trong dân sụt giảm còn quy mô của các DN này sẽ lớn hơn.
Về TĂCN, nếu nuôi lợn bằng công nghệ chuồng kín, chi phí sẽ là 2,5 kg cám/kg tăng trọng, chuồng hở là 2,8kg cám/kg tăng trọng. Trong khi đó, các DN chăn nuôi như CP, Japfa tự SX được TĂCN, được vay lãi suất ưu đãi tại Thái Lan và Indonesia chỉ từ 0,4-0,8%/năm, không phải chịu chi phí 5% thuế VAT TĂCN nếu bán cám theo hệ thống gia công, người chăn nuôi trong nước lép vế hoàn toàn trước DN nước ngoài về các khoản then chốt này.
Công đoạn cuối cùng là tiêu thụ, phần lớn CP, Japfa đều có nhà máy, lò mổ cơ bản bao tiêu được số lượng gia súc, gia cầm của họ. Trong khi đó, người chăn nuôi trong nước phải tự lo đầu ra và luôn trong tình cảnh bị lái buôn, tư thương o ép giá. Vậy là đầu ra về chăn nuôi của ta cũng thua nốt.
Từ thực trạng đó, PGS.TS Nguyễn Đăng Vang cho rằng, giờ đã đến lúc các DN, hộ chăn nuôi trong nước cần phải tổ chức liên kết lại với nhau thành từng chuỗi mới có thể cạnh tranh trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
“Theo số liệu thống kê, trong tổng số 38 nhà máy TĂCN tại Việt Nam có sản lượng trên 100.000 tấn/năm, có 21 nhà máy 100% vốn nước ngoài, 14 nhà máy 100% vốn Việt Nam và 3 nhà máy liên doanh. Việc cần làm ngay bây giờ là Nhà nước cần hỗ trợ, kết nối để người chăn nuôi hình thành nên các tổ hợp tác hay HTX liên kết với các DN TĂCN Việt Nam để lo đầu vào rồi ký kết với các lò mổ giải quyết đầu ra. Chỉ có làm như vậy mới có thể tồn tại bền vững khi nền chăn nuôi đã bắt đầu hội nhập sâu rộng vào thế giới”. PGS.TS Nguyễn Đăng Vang trăn trở.
Cùng chung quan điểm, ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đề nghị, cần có sự can thiệp của bàn tay nhà nước nhằm hỗ trợ khâu liên kết và đầu ra cho người chăn nuôi. Vì thực tế cho thấy, các trang trại tự lo được con giống, một phần thức ăn, chăn nuôi khép kín quy mô lớn từ 100 nái trở lên, xét tổng thể cả một quá trình vẫn có lợi nhuận và đủ sức duy trì cuộc chơi.
Trong hai năm qua, Trung tâm PTCN Hà Nội đã liên kết được một số chuỗi đầu ra cho sản phẩm thịt gia cầm, thịt lợn, trứng cho thấy hiệu quả khá tốt. Thay vì bán lợn, gà, trứng cho lái buôn, người chăn nuôi bán trực tiếp cho các lò mổ, nhà hàng, siêu thị... Tuy nhiên, ông Tường cho rằng, phải khi nào người chăn nuôi trực tiếp bán thịt đã qua sơ chế cho người tiêu dùng, lúc đó ngành chăn nuôi mới cơ bản đạt mục tiêu đề ra.
+ PGS.TS Nguyễn Đăng Vang nhấn mạnh, vấn đề hiện nay không phải sợ hay lo lắng trước sự lớn mạnh của DN nước ngoài, mà cần chỉ ra điểm yếu, lợi thế, từ đó đưa ra giải pháp vực dậy nền chăn nuôi trong nước. Ngay với con lợn, theo Tổng cục Thống kê hiện Việt Nam có khoảng 4,1 triệu lợn nái, trung bình mỗi năm chúng ta SX ra khoảng 50 triệu lợn con, tính ra tỉ lệ lợn con/nái chỉ khoảng 12 con/năm. Trong khi đó, tỉ lệ lợn con/nái của CP hiện nay đều trên 20 con/nái/năm, thậm chí tới 24 con/nái/năm. Do đó, ngay từ khâu giống chúng ta đã thua. + “Nếu không làm sớm và quyết liệt trong vấn đề liên kết đầu ra, rất có thể trong tương lai lĩnh vực chăn nuôi công nghiệp, chúng ta chỉ là người làm thuê cho DN nước ngoài và người dân chỉ nuôi được những con đặc sản, lợi thế của địa phương”, Giám đốc Trung tâm PTCN Hà Nội Tạ Văn Tường cảnh báo. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã