Hai tỉnh Tây Ninh, Bình Phước được xem là nơi có diện tích cao su tiểu điền bị chặt bỏ nhiều nhất, trong đó riêng Tây Ninh theo con số thống kê vào đầu tháng 6 là 1.300 ha (bao gồm cao su non dưới 5 tuổi và cao su đang khai thác).
Nếu chỉ tính giá trị 1 ha cao su vào thời điểm 3 năm về trước vào khoảng 100 triệu thì giá trị thiệt hại kinh tế không hề nhỏ, lên tới 130 tỷ đồng! Không lẽ người nông dân lại chấp nhận mất đi con số hàng trăm tỷ đồng dễ dàng như thế sao?
Ngày 1/7, chúng tôi trực tiếp về tỉnh Tây Ninh tìm hiểu. Được sự chỉ đạo của Giám đốc Sở NN-PTNT Vương Quốc Thới, ông Nguyễn Văn Quản (Trưởng phòng Nông nghiệp) đồng ý cung cấp báo cáo phát hành chính thức của Sở NN-PTNT vào ngày 30/6 về thực trạng cây cao su chặt bỏ trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tổng diện tích cao su già cỗi phải thanh lý và cao su non bị "chặt bỏ" tổng cộng 1.700 ha. Trong đó, đáng chú ý là cao su già phải thanh lý lên đến 1.400 ha, trong đó riêng hai công ty cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN là Tây Ninh và Tân Biên đã thanh lý vườn cây chiếm trên 500 ha.
Nông dân Nguyễn Văn Trãi (ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh) bên đống gỗ cao su chặt bỏ
"Chúng ta đang ngộ nhận việc chặt bỏ cây cao su trong thời điểm giá mủ đi xuống. Bởi cao su già cỗi phải thanh lý chặt bỏ không có gì băn khoăn cả. Đúng là giá mủ cao su có xuống thấp, nhưng không phải thua lỗ thật sự đến độ phải chặt để trồng cây khác. Trong lúc này không nên vội vàng mà cần phải bình tĩnh, bởi cao su năng suất đạt từ 1,5 tấn/ha trở lên có giá trị thu nhập không thua các loại cây trồng khác trên cùng địa bàn. Ở đây, có một thực tế là việc chặt bỏ tập trung phần lớn vào vườn cây tiểu điền năng suất thấp, còn vườn cây non thì chất lượng kém, phát triển chậm, đó cũng là điều bình thường của cơ chế thị trường". - Ông Lê Quang Thung - nguyên Chủ tịch HĐQT, TGĐ Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN. |
Như vậy chỉ có 218 ha cao su non dưới 5 tuổi là bị chặt để chuyển sang trồng cây khác. Cây trồng khác đang "lấp" vào diện tích cao su non chặt bỏ là cây mì (sắn), mãng cầu, quýt đường và bưởi da xanh. Trong đó, cây mì là "lựa chọn số 1".
Giải thích việc cây cao su non bị chặt để trồng loại cây khác, ông Quản cho biết, trồng mì sau 11 tháng đã cho thu hoạch, năng suất mì có thể đạt 30-40 tấn/ha. Với giá bán ổn định hiện nay là 2.100 đồng/kg (trên 30% tinh bột), sau khi trừ mọi chi phí, người trồng sẽ có thu nhập khoảng 30 triệu đồng/năm/ha.
So sánh với trồng cao su phải mất sau 5-6 năm mới cho thu hoạch mủ. Với giá thành sản xuất khoảng 20.000- 25.000 đồng/kg mủ qui khô và các đại lý thu mua mủ là 27.000- 28.000 đồng/kg thì người trồng cao su vẫn còn lãi bình quân khoảng 5.000 đồng/kg.
"Rõ ràng trồng cao su chưa lỗ, nhưng mức lãi thấp hơn nhiều so với việc trồng mì nên người ta thanh lý cao su già, hoặc chặt bỏ bớt cao su non để trồng mì cũng là một kiểu lấy ngắn nuôi dài và hoàn toàn dễ hiểu”, vẫn theo ông Quản.
Mặt khác, theo tìm hiểu chúng tôi, trước đây khi giá mủ cao su tăng cao nông dân ở đây đã đổ xô trồng loại cây này bất chấp điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, thậm chí ruộng lúa cũng phá bờ bao làm mương thoát nước để trồng cao su.
Năm 2010, Sở NN-PTNT Tây Ninh buộc có công văn khuyến cáo người dân không trồng cao su trên đất ruộng vì mực thủy cấp (nước ngầm) ở đây không đạt theo yêu cầu là từ 1,5 m trở lên. Do vậy, trồng cây cao su ở khu vực đất lúa dễ đổ ngã do rễ không ăn xuống sâu được, khi đưa vào khai thác thì chất lượng mủ đạt thấp.
Vì lẽ đó, theo qui hoạch chỉ có 84 ngàn ha nhưng đến nay diện tích cao su toàn tỉnh lên đến 98 ngàn ha, tức có không dưới 10 ngàn ha cao su trồng trên đất ruộng 1 vụ. Riêng huyện Tân Châu trước đây có hơn 2.000 ha đất ruộng, nay cũng biến mất nhường chỗ cho cây cao su. "Hiện có trên 100 ha cao su non trên đất ruộng bị chặt bỏ là đúng, bởi không nằm trong qui hoạch, tỉnh không khuyến khích trồng", một lãnh đạo UBND tỉnh cho biết.
Chúng tôi tìm về xã Thạnh Tân, nơi theo báo cáo của phòng NN TP Tây Ninh có 3,5 ha cao su non và khai thác bị chặt bỏ. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Tòng, Chủ tịch HND xã nói ngay: "Theo tôi, vườn cao su chặt bỏ không phải do giá thấp mà nguyên nhân chính là ở chất lượng vườn cây thấp. Tuy nhiên, chỉ có 2 hộ tổng cộng 2 ha, chứ lấy đâu ra 3,5 ha".
Vườn cao su "rong cành, ép tàn" lấy cây mì làm thu nhập chính nhằm đối phó với giá mủ đi xuống
"Thay vì chặt thì có nhiều hộ cao su tìm cách giữ lại vườn cây từ 2-3 năm tuổi bằng cách "rong cành, ép tán" với mục đích làm chậm sinh trưởng cây cao su, cách làm này để tăng số lần xen canh trong vườn lên, chủ yếu là cây mì để tăng thu nhập trong thời gian cây cao su kiến thiết cơ bản. Hiện có 145 ha cao su làm theo cách như vậy". - Ông Lâm Văn Tính - Phó phòng Nông nghiệp, Sở NN-PTNT Tây Ninh. |
Sau đó, đích thân ông Chủ tịch HND xã dẫn đến hộ ông Nguyễn Văn Trãi, ở ấp Thạnh Trung vừa chặt 1 ha cao su non được 1,5 năm tuổi để tìm hiểu. Ông Trãi thú nhận việc ông chặt cao su non xuất phát do vườn cây bị "dộp vỏ" không điều trị được là chính, còn giá mủ thấp là yếu tố phụ.
Ông Trãi làm phép tính, 1 ha cao su năm đầu tiên bỏ tiền giống 13.000 đ/cây (550 cây/ha), đào lỗ 3.000 đ/lỗ, công trồng 2.000 đ/lỗ, thiết kế hàng 700.000 đ/ha, đầu tư phân tro bình quân chi phí mất khoảng 30 triệu/ha. Muốn có ăn thì phải chờ 5-6 năm nữa, trong khi giá mủ trong các năm tới chưa biết thế nào.
Nhưng bây giờ trồng mãng cầu, chỉ sau 20 tháng đã thu hoạch 2 lứa/năm, năng suất bình quân 1 lứa 10 tấn, giá ít nhất 15 ngàn/kg, tức 150 triệu/ha/lứa. Như vậy 1 năm thu nhập 300 triệu, trừ chi phí phân nửa thì mình vẫn còn lãi 150 triệu/ha. Thế nên, ông không tiếc khi chặt bỏ cao su, chấp nhận mất 30 triệu tiền đầu tư ban đầu.
Chúng tôi tiếp tục về xã Tân Đông, giáp biên giới Campuchia nằm cách TP Tây Ninh khoảng 50 km, nơi có diện tích cao su bị chặt bỏ theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện Tân Châu ngày 12/5 là 55 ha, trong đó có 20 ha vườn cao su non dưới 2,5 năm tuổi, còn lại là cao su già thanh lý.
Tuy nhiên, ngày 2/7, theo ông Ngô Khắc Lợi (Chủ tịch Hội Nông dân), diện tích cao su non chặt bỏ hiện nay đã lên đến 52 ha (trong tổng số gần 1.500 ha), trong đó không ít vườn cây trồng trên đất rẫy rơi vào dịch bệnh.
Cụ thể hộ ông Nguyễn Văn Lẹ ở ấp Đông Tiến phá bỏ 20 ha cao su trồng từ tháng 7/2013. Khi hỏi nguyên nhân phải chặt bỏ số lượng diện tích cao su non khá lớn nói trên, ông Lẹ thừa nhận do một phần cao su bị bệnh vàng lá, bên cạnh giá mủ thấp, công lao động lên giá, trong khi giá mì lại đang cao nên ông mới có quyết định như vậy.
"Tiền đầu tư bình quân 1 ha cao su 25 triệu, 20 ha vị chi mất 500 triệu. Chặt đi cũng tiếc, nhưng trồng mì sau 9-11 tháng, 1 ha sau khi trừ chi phí cũng cho thu nhập 45-50 triệu, xem ra vẫn có hiệu quả kinh tế hơn cây cao su, ít ra vào thời điểm này!", ông Lẹ nhấn mạnh.
theo: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã