Thủ tục hành chính đã hoàn tất
Sau hơn nửa năm Quyết định 68/2013/QĐ-TTg (QĐ 68) về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, đến nay, những văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định này đã gần như được các bộ, ngành hoàn thiện. Mặc dù chậm so với kỳ vọng của người dân, nhưng việc Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo Thông tư hướng dẫn hỗ trợ lãi suất vay vốn và cấp bù chênh lệch lãi suất cho các TCTD có thể xem là thủ tục cuối cùng để chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp này của Chính phủ đi vào thực tế.
Nông dân miền Tây Nam bộ lựa chọn máy nông nghiệp phù hợp với khả năng khai thác để đạt hiệu quả cao
Bởi trước đó, ngày 20/3, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 08/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện một số điều của QĐ 68. Đi kèm với Thông tư này, Bộ NN&PTNT đã đưa ra “Danh mục chủng loại máy, thiết bị sản xuất trong nước và nhập khẩu được hưởng chính sách hỗ trợ”. Danh mục này tháo gỡ tuyệt đối rào cản quy định tỷ lệ nội địa hóa 60% đối với các loại máy móc, thiết bị nông nghiệp được vay vốn ưu đãi, đồng thời mở rộng đối tượng các loại máy móc, thiết bị nông nghiệp được vay vốn rẻ trên cơ sở kiến nghị thực tế từ các địa phương thông qua quá trình triển khai các QĐ 63, 65 những năm trước đây.
Trong khi đó, ngày 18/4, NHNN đã ban hành Thông tư 13/2014/TT-NHNN (TT 13) đưa ra những hướng dẫn khá chi tiết về việc cho vay nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch. Theo đó, các TCTD tham gia cho vay theo QĐ 68 bắt buộc phải cho vay với mức lãi suất thấp nhất áp dụng cho các khoản vay vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn và cùng thời kỳ. Nội dung này có nghĩa, trong thời gian tới đây, mức lãi suất cho vay theo QĐ 68 có thể chỉ ở mức 7-8%/năm, thậm chí có thể 6%/năm (đối với vốn ngắn hạn). Vì thực tế, từ ngày 19/3/2014, NHNN đã ban hành văn bản số 1691/NHNN-TD đề nghị 5 NHTM Nhà nước thực hiện cho vay mới phục vụ chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm, cá tra và tôm với lãi suất tối đa 8%.
Agribank đi tiên phong
Việc Bộ Tài chính đưa ra dự thảo Thông tư hướng dẫn hỗ trợ lãi suất vay vốn và cấp bù chênh lệch lãi suất cho các TCTD khi thực hiện QĐ 68 có thể xem như sự phối hợp đồng bộ giữa hai ngành Tài chính và Ngân hàng để những ràng buộc về lãi suất cho vay của NHNN được các TCTD thực hiện nghiêm túc. Bởi theo dự thảo Thông tư mà Bộ Tài chính đang xây dựng thì ngân sách Nhà nước chỉ đồng ý cấp bù chênh lệch lãi suất trong trường hợp các ngân hàng cho vay với mức lãi suất cho vay thấp nhất áp dụng cho các khoản vay vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn và cùng thời kỳ. Mức lãi suất này sẽ là mức cơ sở để ngân sách Nhà nước xem xét hỗ trợ và cấp bù chênh lệch.
Thực tế cho thấy, hiện nay Agribank là ngân hàng tiên phong đã có văn bản cụ thể chỉ đạo các chi nhánh của mình thực hiện nghiêm túc các quy định của NHNN và Bộ Tài chính. Theo đó, ngân hàng này chỉ đồng ý hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong hai năm đầu đối với các khoản vay để mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp nếu các chi nhánh cho vay với lãi suất thấp nhất trong cùng lĩnh vực. Agribank cũng chỉ hỗ trợ lãi suất và cấp bù chênh lệch đối với các khoản vay trả nợ đúng hạn. Những khoản vay bị chuyển sang nợ quá hạn thì từ thời điểm phát sinh nợ xấu sẽ không được hưởng hỗ trợ. Nội dung này hoàn toàn phù hợp với các quy định tại TT 13 của NHNN và dự thảo Thông tư hướng dẫn cấp bù lãi suất và chênh lệch mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để ban hành.
Một số NHTM khác như VietinBank, LienVietPostBank,… thời gian qua mặc dù chưa có những cam kết cụ thể về lãi suất cho vay đối với các hợp đồng vay theo QĐ 68. Tuy nhiên, các ngân hàng này đã có những gói tín dụng hỗ trợ nông nghiệp với nhiều ưu đãi.
Chẳng hạn từ đầu năm 2014, VietinBank đã triển khai chương trình “Cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn” với hạn mức tín dụng tới 80% nhu cầu vốn, ngân hàng này cũng triển khai gói tín dụng 3.000 tỷ đồng cho khách hàng vay phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, thu mua, chế biến nông sản với lãi suất chỉ từ 7%/năm. Trong khi đó LienVietPostBank cũng đang triển khai gói tín dụng nông nghiệp của mình với những hỗ trợ khá cụ thể như: cho vay tối đa đến 200 triệu đồng đối với các hộ sản xuất kinh doanh ngành nghề nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và tối đa đến 500 triệu đồng đối với các HTX, chủ trang trại trồng trọt, chăn nuôi và chế biến.
Như vậy có thể thấy rằng, cùng với sự hoàn thiện về mặt văn bản pháp lý, tính đến thời điểm này nhiều TCTD đã sẵn sàng giải ngân các gói vay lãi suất thấp cho nông dân. Tuy nhiên, việc triển khai trên thực tế tại các địa phương vẫn đang trông chờ vào nguồn cung cấp thiết bị phù hợp với khả năng sử dụng, cũng ứng cũng như năng lực phát huy hiệu quả của người nông dân.
Bài và ảnh Thạch Bình
Nguồn thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã