Học tập đạo đức HCM

Dự báo “kịch bản” xấu về ô nhiễm môi trường nông thôn

Thứ hai - 22/02/2016 22:55
Cùng với quá trình phát triển kinh tế-xã hội, môi trường nông thôn Việt Nam đang phải “gồng mình” gánh chịu nhiều áp lực từ ô nhiễm. Trong thời gian tới, theo nhận định của nhiều chuyên gia, môi trường tại các vùng nông thôn nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ bằng nhiều phương pháp thì nhiều “kịch bản” xấu được dự báo là điều không dễ tránh khỏi.
 

Các loại hình chất thải tiếp tục tăng

Theo giáo sư-tiến sỹ Đặng Kim Chi, Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam, căn cứ theo quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, làng nghề, nông thôn, có thể thấy được xu hướng phát triển của ngành trong những năm tới vẫn là liên tục phát triển mạnh về số lượng, diện tích, năng suất các ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất tại làng nghề. Vì vậy, dự báo sơ bộ đối với các hoạt động nông nghiệp song song với sự phát triển của ngành trồng trọt, tình trạng tăng sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật là rất đáng kể.

Trung bình từ năm 2008-2014 tăng khoảng 481.200 tấn/năm, trong khi cây trồng chỉ hấp thụ khoảng 40-50% hàm lượng các chất trong phân bón. Như vậy, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có thể ngấm vào môi trường là 192.500-240.600 tấn/năm. Đây là con số rất đáng lo ngại, tình trạng tích lũy chất ô nhiễm trong đất, nước ngầm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống và sức khỏe của người dân.

Xu hướng ngành chăn nuôi phát triển theo quy mô trang trại, chăn nuôi theo đàn vừa là biện pháp tích cực và cũng là mối nguy hiểm đối với môi trường hiện nay. Với quy mô tập trung thì việc quản lý và xử lý chất thải chăn nuôi sẽ hiệu quả hơn. Tuy vậy, nếu công tác quản lý chưa thực sự hiệu quả thì chất thải từ hoạt động chăn nuôi lại là vấn đề nghiêm trọng đối với môi trường.

Theo thống kê, hiện nay ngành chăn nuôi chiếm 25% cơ cấu ngành nông nghiệp, lượng chất thải khoảng 84,5 triệu tấn. Chất thải chăn nuôi không chỉ gây ô nhiễm môi trường đất, nước, mà tình trạng ô nhiễm mùi và không khí cũng rất đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Nếu ngành chăn nuôi tăng số lượng gia súc, gia cầm theo đàn hoặc quy mô trang trại trong thời gian tới, thì lượng chất thải tập trung tại mỗi cơ sở cũng tăng, tác động trực tiếp tới cuộc sống và môi trường sống khu vực nông thôn.

Nuôi trồng thủy sản cũng là yếu tố gây ô nhiễm môi trường rất cần được quan tâm hiện nay. Theo quy hoạch, diện tích đất nuôi trồng thủy sản định hướng tới năm 2020 là 790.000ha, tăng thêm 99.000ha so với năm 2010, ước tính tăng khoảng 9.900 ha/năm.

Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng dẫn đến tình trạng tăng diện tích xâm lấn ven biển, cửa sông và xâm nhập mặn vào đất liền, dịch bệnh xảy ra ảnh hưởng đến chất lượng đất, môi trường sống của quần xã sinh vật, độ muối, xói lở bờ biển. Lượng thức ăn cho nuôi trồng thủy sản mỗi năm cần khoảng 4,4 triệu tấn, sẽ thải vào môi trường ít nhất 30% (tương ứng 1,32 triệu tấn/năm) không được xử lý.

Bên cạnh đó, ô nhiễm từ các làng nghề và các hoạt động xây dựng ở nông thôn, nếu không có những biện pháp cụ thể và định hướng quản lý nghiêm ngặt thì tình trạng chất thải rắn sinh hoạt và sản xuất không được phân loại, độ phức tạp về thành phần chất thải rắn tăng lên gấp bội.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách

Luật Bảo vệ môi trường được ban hành đã phát huy tác dụng và tạo cho môi trường nông thôn một luồng sinh khí mới, nhưng cần sớm ban hành các văn bản chuyên biệt quy định một cách hệ thống về quản lý và bảo vệ môi trường nông thôn. Đồng thời, cần sớm chỉnh sửa, hoàn thiện một số điều chưa phù hợp với thực tế, thiếu hiệu quả khi áp dụng hoặc bổ sung các nội dung hướng dẫn thi hành đối với vấn đề bảo vệ môi trường nông thôn, như tiêu chí môi trường trong công nhận nông thôn mới.

Quan trọng hơn nữa là các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật khi được ban hành phải đến từng người dân, nâng cao nhận thức cho người dân để việc tuân thủ, thực thi các quy định có hiệu quả.

Hiện nay, mặc dù hệ thống văn bản đã ban hành khá nhiều, nhưng chưa thực sự được triển khai đầy đủ, do vậy hiệu quả đạt được còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường, phòng ngừa và ứng phó các sự cố rủi ro, đặc biệt trong giám sát hiệu quả việc thực hiện các chính sách, pháp luật hiện hành, giám sát các Chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến môi trường nông thôn.

Các nghị định, thông tư dưới Luật đã ban hành và có hiệu lực, song vẫn cần tìm hiểu nguyên nhân và nhanh chóng có biện pháp điều chỉnh các nội dung chưa phù hợp với thực tiễn. Hoàn thiện, bổ sung các quy định về kiểm soát, giám sát chất lượng môi trường theo các vùng sinh thái và đặc thù của hoạt động kinh tế-xã hội, khu vực nông thôn.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thời gian tới để giữ “bình yên” cho môi trường nông thôn, cũng cần xây dựng và nâng cao năng lực hệ thống quản lý, bảo vệ môi trường các cấp, đặc biệt là đối với bảo vệ môi trường nông thôn cấp xã, huyện; tiếp tục lựa chọn và đề xuất các giải pháp kĩ thuật công nghệ trong phòng ngừa, giảm thiểu và xử lý các loại chất thải nông nghiệp, nông thôn phù hợp, khả thi và hiệu quả. Huy động sự tham gia của cộng đồng, tăng cường tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư là những hoạt động không thể thiếu, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn./.
 
Theo THANH HƯƠNG-NGUYỄN CƯỜNG (TTXVN/VIETNAM+) 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập197
  • Hôm nay70,813
  • Tháng hiện tại880,979
  • Tổng lượt truy cập90,944,372
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây