Chủ trương hợp với lòng dân
Hà Nam là cái tên được nhắc tới nhiều và xem như một điểm sáng trong việc sản xuất sạch. Chính vì lý do đó, Hà Nam được chọn là điểm đến trong chuyến giám sát đầu tiên của Mặt trận về an toàn thực phẩm vào ngày 23/2 vừa qua. Nhưng tại sao lại là điểm sáng này mà không phải là một cơ sở hay địa phương nào đó có nhiều vi phạm về ATTP.
Vi phạm ATTP đã công nhiên tồn tại trong đời sống, trong từng bữa ăn của người Việt Nam, vi phạm chỉ được phát hiện khi các nhà quản lý công bố, còn lại người dân đành “sống chung” với nỗi lo thực phẩm bẩn và chấp nhận một thực tế “sợ thì có sợ nhưng kệ”. Bởi vậy, chọn Hà Nam chính là một bước để người Mặt trận có cơ sở thực tiễn, nâng cao nhận thức hơn nữa của người dân nhằm loại bỏ sản xuất không an toàn, sản xuất theo kiểu “đầu độc” người ăn.
Chúng tôi đến thăm một số cánh đồng sản xuất rau an toàn ở Hà Nam và không khó để nhận ra tư duy “sản xuất sạch” như một luồng gió mới đang lan tỏa từ người lãnh đạo cao nhất cho đến mỗi người nông dân.
Với chủ trương phát triển nông nghiệp sạch, Hà Nam đã hình thành Đề án phát triển cây trồng hàng hóa chất lượng cao. Đặc biệt, Hà Nam còn mở cuộc vận động “Toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng con người Hà Nam văn hóa, thi đua sản xuất hàng hóa nông sản và thực phẩm sạch vì sức khỏe cộng đồng’’, coi đó là tiêu chí thứ 20 trong xây dựng nông thôn mới.
Trao đổi về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Mai Tiến Dũng chia sẻ, tỉnh nhận thức rất rõ, phát triển nông nghiệp “sạch” là một hướng đi mới để phát triển ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Còn những người nông dân lấy việc sản xuất sạch là mục đích để làm giàu, vươn lên trong cuộc sống vừa như một sứ mệnh từ lương tâm tuyên chiến với việc sản xuất không an toàn. Nói như bà Nguyễn Thị Thư ở Nhân Chính, Lý Nhân thì, “quê tôi không làm chuyện bậy đó”.
Từ sự hậu thuẫn của chính quyền, các nhà đầu tư mở rộng liên kết với nông dân, thuê đất của nông dân để sản xuất sạch, cùng với sự đầu tư về công nghệ kỹ thuật tiên tiến và có đầu ra cho sản phẩm cho thấy, đây là một chủ trương rất hợp với lòng dân.
Trong chuyến về thăm và khảo sát các mô hình sản xuất sạch ở Hà Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, những kết quả đạt được từ các mô hình, đề án trong sản xuất nông sản sạch ở Hà Nam có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và người dân vì thế đã tạo nên hiệu ứng tích cực từ sản xuất đến tiêu dùng.
Và cũng từ Hà Nam, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, trong thời gian tới, Mặt trận sẽ thí điểm tọa đàm ở một số khu dân cư về vấn đề sản xuất bảo đảm ATTP. Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, sẽ phải làm rõ, nếu tất cả người dân trong thôn đều tham gia sản xuất sạch thì họ được lợi gì, cần cơ chế gì để người sản xuất phát triển. Đặc biệt, gắn với nội dung giám sát của Mặt trận trong năm 2016 về ATTP, sẽ có đề án quốc gia vận động nhân dân sản xuất an toàn trong 5 năm tới.
Trung ương triển khai, địa phương chủ động
Hiệu ứng giám sát an toàn thực phẩm đang lan tỏa trong đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức thành viên vào những ngày đầu năm Bính Thân này. Mặc dù đây cũng là thời điểm bận rộn của người Mặt trận với công tác hiệp thương bầu cử. Nhưng hiệp thương là công việc định kỳ, còn giám sát an toàn thực phẩm lại là một câu chuyện hoàn toàn mới, một cuộc chiến lâu dài.
Theo ông Ngô Sách Thực, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Bắc Giang, chọn giám sát an toàn thực phẩm là Mặt trận đã làm đúng điều lòng dân mong mỏi vì những hệ lụy mà vấn nạn này đang mang lại cho xã hội. Tuy nhiên, ông Thực cũng cho rằng, đây là việc rất khó.
“Nhưng khó mấy cũng phải làm vì sự đòi hỏi bức thiết từ đời sống khi mà vi phạm an toàn thực phẩm đã trở thành một vấn nạn”, ông Ngô Sách Thực khẳng định. Trên tinh thần Trung ương triển khai, địa phương chủ động, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Bắc Giang khẳng định, tỉnh sẵn sàng nhập cuộc giám sát an toàn thực phẩm. Và một trong những việc quan trọng khi triển khai các chương trình giám sát xuống cơ sở là sự đồng lòng của cấp ủy, chính quyền.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã từng chỉ ra, kinh nghiệm cho thấy, muốn giám sát, Mặt trận phải có ba sự đồng thuận. Đồng thuận của Mặt trận là thấy được việc đó phải làm. Đồng thuận của tổ chức, hội chuyên ngành- những người có chuyên môn muốn làm. Đồng thuận của các cơ quan quản lý nhà nước ủng hộ cho làm và đối tượng giám sát hợp tác với mình.
Bởi vậy, trong giám sát an toàn thực phẩm, bên cạnh việc phối hợp tốt với các cơ quan, bộ, ban ngành và các địa phương, người Mặt trận sẽ giám sát theo cách của mình. Giám sát dựa vào sức mạnh của nhân dân; động viên, khích lệ để mỗi người dân trở thành một tuyên truyền viên, một giám sát viên vừa tự mình cam kết không sản xuất thực phẩm không an toàn đồng thời giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa của cộng đồng.
“Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”- vừa là phương châm, vừa là bài học kinh nghiệm mà Mặt trận tổ quốc đã đúc kết được trong suốt bề dầy hoạt động cũng như trong các chương trình hoạt động giám sát, trong đó đặc biệt là chương trình giám sát Tổng rà soát Chính sách ưu đãi với người có công với cách mạng trong hai năm 2014- 2015.
Với những hướng đi như vậy, chắc chắn sự vào cuộc của người Mặt trận sẽ đem lại một luồng sinh khí mới trong cuộc chiến với vi phạm ATTP vốn đã âm ỉ từ nhiều năm nay.
Bà Nguyễn Thị Hà-Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Nam Định: Sẽ đẩy mạnh các hoạt động phối hợp
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là nỗi lo chung của toàn xã hội. Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Nam Định cũng đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể của một số doanh nghiệp khiến dư luận rất lo lắng.
Đọc thông tin trên báo Đại Đoàn Kết, chúng tôi được biết biết Mặt trận Trung ương đã và đang triển khai việc tuyên truyền cũng như giám sát việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ cả góc độ người đang làm công tác đoàn thể và là người vợ, người mẹ, chăm lo bữa ăn cho gia đình hằng ngày tôi đánh giá rất cao sự cần thiết của hoạt động này, cũng là mong mỏi chung của toàn xã hội.
Bởi vậy, khi Mặt trận triển khai giám sát vấn đề đảm bảo VSATTT, là một tổ chức thành viên của Mặt trận, chúng tôi nhận thấy cần phải đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, để phụ nữ địa phương góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề cấp thiết này.
Ông Phạm Văn Vịnh-Chủ tịch UB MTTQ huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình): Thêm động lực để triển khai giám sát
Huyện Quỳnh Phụ cũng như tỉnh Thái Bình có truyền thống về sản xuất nông nghiệp, địa chỉ cung cấp rau, thực phẩm lớn ở miền Bắc. Vì thế, việc Mặt trận Trung ương lựa chọn, đưa giám sát đảm bảo VSATTP là một trong những chương trình giám sát trọng tâm giúp những người làm công tác Mặt trận ở địa phương như chúng tôi có thêm cơ sở, động lực, quyết tâm để triển khai mạnh mẽ, bài bản hơn nữa công tác tuyên truyền, giám sát trên địa bàn.
Tuy nhiên, như đã biết, đây là việc khó khăn, phức tạp, cần cả một quá trình thực hiện lâu dài, bền bỉ. Quá trình triển khai, rất mong nhận được hướng dẫn thường xuyên của Mặt trận cấp trên để việc thực hiện đạt hiệu quả. Tôi cũng đề nghị những cơ quan nhà nước “gác cổng” về vấn đề đảm bảo VSATTT tăng cường phối hợp với Mặt trận trong công tác tuyên truyền,vận động. Đặc biệt cần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý của mình trong lĩnh vực này.
Duy Hưng (ghi)
Dạ Yến
(còn nữa)
theo Đại Đoàn Kết
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã