Học tập đạo đức HCM

Gặp lại người trở về từ trận hải chiến Gạc Ma

Thứ ba - 12/03/2013 20:36
Ghi chép Ngày 14/3 của 25 năm trước, trên khu vực đảo Gạc Ma (Sinh Tồn – Trường Sa), 64 chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam đã phải hy sinh dưới họng súng ngang ngược của quân đội Trung Quốc. May mắn được biết CCB Lê Hữu Thảo – người tham gia chỉ huy việc cắm cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma (Trường Sa) ngày 14/3/1988 và trong dịp ngày 14/3 đang cận kề này, tôi được anh kể cho nghe về sự kiện lịch sử bi hùng đó….

Xanh thẳm một miền ký ức…

Gặp lại người trở về từ trận hải chiến Gạc Ma
CCB Lê Hữu Thảo trầm ngâm khi nhớ về ký ức ngày 14/3

Tôi gặp CCB Lê Hữu Thảo khi anh vừa hoàn thành chuyến đi ước nguyện – vào thăm gia đình người đồng đội Trần Văn Phương ở Quảng Bình. Như một quả bóng căng đầy, khi vừa chạm tới là miền ký ức trong anh về những ngày chiến đấu ở Trường Sa bỗng bung vỡ, ào ạt như từng ngọn sóng bạc đầu chốn đại dương xanh thẳm…

Sinh ra tại xã Hương Thủy (Hương Khê), tháng 12/1986, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Lê Hữu Thảo lên đường nhập ngũ rồi được bố trí vào Lữ đoàn 147 Quân chủng Hải quân. Cuối năm 1987, Trung Quốc lại gây hấn với ta ở đảo Trường Sa và đầu năm 1988, đơn vị anh nhận lệnh tăng cường cho Lữ đoàn 146 đóng tại quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa). Từ đó, đơn vị anh được bổ sung vào một đại đội mới được thành lập để đi làm nhiệm vụ đặc biệt tại Trường Sa.

Buổi tôi gặp anh, trời quê bời bời gió. Gương mặt người CCB lúc trầm tư, lúc căng thẳng khi đi qua từng thước phim trong ký ức của mình. Bằng chất giọng còn âm ba sóng biển, anh kể: “Đêm 11/3/1988, đại đội chúng tôi được lệnh lên tàu HQ 604 rời Cam Ranh ra đảo Trường Sa. Cùng đi còn có một đại đội nữa và một đơn vị công binh E83. Anh em chúng tôi đều đang ở độ tuổi 20,nên khí thế hừng hực lắm, ai cũng không tiếc đời mình để bảo vệ non sông. Sau khi đã kịp nhớ mặt, nhớ quê nhau trên 400 hải lý đầy giông gió, chiều ngày 13/3/1988, chúng tôi cập bãi đá ngầm Gạc Ma. Tại đây, ngay lập tức chúng tôi đã đối mặt với tàu chiến của Trung Quốc. Và cũng ngay lập tức, như thể có động lực nào đó từ đất mẹ yêu thương, chúng tôi đồng loạt bắc tay hướng về tàu Trung Quốc mà rằng: Đây là lãnh thổ của nước CHXHCN Việt Nam, yêu cầu tàu Trung Quốc phải lập tức rời khỏi khu vực này. Đáp trả lại hành động đó, tàu Trung Quốc cũng phát tín hiệu yêu cầu chúng tôi rời Gạc Ma”.

- Lúc đó tinh thần của anh và đồng đội thế nào ạ? Tôi hỏi.

- “Hành động ấy của tàu Trung Quốc không khiến chúng tôi run sợ, trái lại càng tăng thêm ý chí chiến đấu bảo vệ từng tấc đất, hòn đảo quê hương”. Nói rồi anh tiếp tục kể: “Sáng sớm ngày 14/3/1988, chúng tôi dậy từ rất sớm, tôi cùng đại đội trưởng, đại đội phó và mấy đồng đội nữa lên xuồng công binh đi vào đảo Gạc Ma. Công việc đầu tiên là cắm một cây cọc cao chừng 3m để làm thân buộc cán cờ. Trong khi chúng tôi đang mường tượng về khoảnh khắc lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam kiêu hãnh tung bay trên đảo Gạc Ma thì ngoài kia xuất hiện 3 chiếc tàu chiến Trung Quốc. Chúng nhanh chóng hạ xuồng, một số chạy quanh bao vây tàu HQ 604.

Nói đến đây, CCB Lê Hữu Thảo bỗng nhiên ngừng lại, tay ôm lấy vồng ngực, đôi mắt ầng ậc nước. Tôi hiểu, anh sắp kể cho tôi nghe về ký ức đau đớn nhất… Sau khoảng lặng khá dài, giọng anh chùng xuống: “Mặc dù bị lính Trung Quốc đứng cách mình chỉ 1m và chỉa súng vào người sẵn sàng bóp cò nhưng chúng tôi vẫn thản nhiên chuyền tay nhau lá Quốc kỳ. Và khi lá cờ đến tay người cuối cùng là Tiểu đội phó Trần Văn Phương thì tên chỉ huy rút súng bắn chỉ thiên, ra lệnh cho quân lính nổ súng. Anh Phương đang cầm lá cờ tổ quốc nên bị chúng bắn đầu tiên. Sau đó là những loạt đạn, pháo xả vào quân ta. Nhiều người hy sinh tại chỗ, riêng tôi mà một số đồng đội nữa sau một hồi chống cự đành phải lặn sâu xuống nước để tránh được đạn. Khi đã lặn ra phía xa, tôi ngoi lên thì thấy lửa đạn đỏ ối trên tàu HQ 604 và chỉ trong chốc lát tàu chìm hẳn rồi thấy lính Trung Quốc rút về tàu, không bắn nữa.

Tôi bơi trở lại thì thấy chiếc xuồng công binh bị bắn thủng, hư hỏng nặng, 6 đồng đội sống sót đang bám vào mạn xuồng. Chúng tôi tản ra đi tìm đồng đội. Xác đồng chí Trần Văn Phương và các đồng đội bị thương lần lượt được chúng tôi tìm thấy đưa lên xuồng còn anh em thì bám vào hai bên mạn xuồng, dùng tay chèo về phía tàu HQ 505 ở đảo Cô Lin… Một lúc sau, tàu HQ 505 phát hiện thấy chúng tôi và cho xuồng máy ra đón về, đến khoảng 4h chiều thì chúng tôi lên được tàu HQ 505. Tối hôm đó, chúng tôi đưa thi thể anh Phương về đảo Sinh Tồn lớn và Sáng hôm sau, đơn vị trên đảo đã tổ chức an táng anh Phương theo nghi thức quân đội”.

Sót cuối còn một ước mong…

Khoảng 10 ngày sau khi sự kiện 14/3 diễn ra, anh Thảo và đồng đội được tàu của Quân chủng ra đón về đất liền. Một thời gian thì anh giải ngũ, được Nhà nước ưu tiên cho đi xuất khẩu lao động tại CHDC Đức. Sang nước bạn, anh được bố trí vào làm việc ở một nhà máy bê tông. Được một thời gian anh trở về quê hương quyết chí làm ăn.

Sau nhiều lần thất bại, hiện nay, CCB Lê Hữu Thảo rời quê nhà xuống thành phố Hà Tĩnh thuê một căn nhà trọ và bằng lòng với công việc điều hành đội xe cho một doanh nghiệp chuyên chở đất đá, san lấp mặt bằng. Tưởng như những vất vả đời thường sẽ khiến vùng ký ức về trận hải chiến ở đảo Gạc Ma bị khuất chìm nhưng không, người CCB ấy vẫn luôn nhớ về ngày ấy, vẫn mong mỏi được gặp lại những đồng chí đồng đội đã cùng anh đi qua sự kiện lịch sử ấy. Và anh đặc biệt mong muốn được một lần trở lại Trường Sa, được thầm thì với sóng biển lời nhớ thương đồng đội, được thả xuống đại dương xanh thẳm vòng hoa trắng tưởng nhớ những người đã để lại tuổi 20 của đời mình giữa trùng khơi…

Vừa qua, dưới sự giúp đỡ của bạn bè, anh Thảo đã tìm về quê anh hương Quảng Trạch (Quảng Bình) của anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương, được gặp mạ anh Phương và sà vào lòng mạ như đứa con đi xa trở về. Mong là ước nguyện trở lại chiến trường xưa của anh sớm thành hiện thực.

Thời gian sẽ khiến một số điều bị lãng quên nhưng cũng sẽ là tác nhân để nhiều điều thêm lắng sâu. Sự kiện 14/3/1988 trên đảo Gạc Ma và sự hy sinh của 64 chiến sỹ đã khắc sâu bài học về lòng yêu nước, về tinh thần đấu tranh kiên cường bảo vệ từng tấc đất, từng thước sóng trên lãnh thổ, lãnh hải của Tổ quốc thiêng liêng… Và hôm nay, sau 25 năm, câu chuyện của người CCB năm nào là nhắc nhớ chúng ta nhiều hơn về trách nhiệm công dân với Tổ quốc mẹ hiền trước những diễn biến ngày càng phức tạp của các thế lực thù địch.

Theo Baohatinh

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập308
  • Máy chủ tìm kiếm14
  • Khách viếng thăm294
  • Hôm nay74,768
  • Tháng hiện tại779,881
  • Tổng lượt truy cập90,843,274
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây