Giá heo giảm từ đầu năm 2017 đến nay khiến nhiều DN ngành chăn nuôi điêu đứng (Ảnh: IT)
“Ông lớn” cũng... điêu đứng vì giá heo
Thống kê kết quả kinh doanh của các DN ngành thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi heo nửa đầu năm 2017 cho thấy, giá heo hơi trên thị trường giảm mạnh khiến các DN khá... chật vật. Tại Công ty Cổ phần Masan Nutri-Science (mã chứng khoán MNS) - Công ty mẹ của 2 thương hiệu thức ăn chăn nuôi là Anco và Proconco bị ảnh hưởng nặng nề do giá heo hơi giảm thấp nhất trong lịch sử. Cụ thể, doanh thu thuần của MNS trong sáu tháng đầu năm 2017 giảm 9,8% so với cùng kỳ năm 2016, đáng kể lợi nhuận thuần của mảng này giảm đến 51,5% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 356 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017.
Cũng “chật vật” không kém là Công ty CP Chăn nuôi Mitraco (mã chứng khoán MLS). 6 tháng đầu năm, doanh thu của ngành chăn nuôi tại Mitraco giảm 34% so với cùng kỳ năm trước và ghi nhận mức lỗ ròng 29,7 tỷ đồng.
Nguyên nhân khoản lỗ này được MLS lý giải với cổ đông là do giá bán bình quân heo thương phẩm quý II.2017 giảm 56,2% so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, giá bán bình quân sản phẩm heo thương phẩm, heo giống thương phẩm và heo giống hậu bị trong quý II năm nay chỉ bằng 60 - 65% so với giá thành sản xuất. Trong khi đó, cơ cấu tỷ trọng doanh thu từ sản phẩm này chiếm đến 77% doanh thu của DN nên kết quả là MLS phải ngậm ngùi báo lỗ.
Một “ông lớn” trong ngành thức ăn chăn nuôi cũng “điêu đứng” vì giá heo giảm là CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã chứng khoán DBC). Báo cáo của DBC cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, doanh số từ thức ăn chăn nuôi giảm đến 16,5% so với cùng kỳ năm trước, doanh số từ bán con giống giảm nhẹ còn doanh thu từ nuôi gia công và chế biến thực phẩm giảm đến hơn 27% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này khiến cho doanh thu của DBC giảm 11% so với cùng kỳ năm trước với khoản lỗ ròng 19,7 tỷ đồng. Đáng nói, cùng kỳ năm trước DN này lãi ròng lên tới 262 tỷ đồng.
Hiện cơ cấu doanh thu của DBC vẫn chiếm phần lớn là thức ăn chăn nuôi (chiếm 57%), kế đến là nuôi gia công và chế biến thực phẩm chiếm 16%; sản xuất con giống chiếm 8%...
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi, trong 6 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu thịt lợn từ 14 nước với tổng số lượng hơn 4,6 nghìn tấn, kim ngạch hơn 7,8 triệu USD. Trong đó nhập khẩu nhiều nhất từ Ba Lan, với gần 1.000 tấn (chiếm 21%), nhập khẩu từ Mỹ hơn 713 tấn (chiếm 15,4%), tiếp theo là Đức hơn 608 tấn (chiếm 13,1%); Tây Ban Nha hơn 555 tấn (chiếm 12%), Canada 502 tấn (chiếm 10,8%)... |
Còn tại Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (UPCoM: VLC), trong nửa đầu năm 2017 tuy không lỗ vì giá heo giảm nhưng cũng chịu cảnh khó khăn khi doanh thu giảm vì giá bán thấp mà giá vốn lại tăng. Để cân đối, VLC đã đẩy mạnh hoạt động tài chính với doanh thu cao gấp 2,7 lần cùng kỳ và cắt giảm mạnh chi phí tài chính nhưng kết quả lợi nhuận ròng quý 2 cũng chỉ đạt 27,7 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ.
Kỳ vọng gì ở 6 tháng cuối năm?
Từ đầu tháng 8 đến nay, giá thịt heo trên thị trường tiếp tục quay đầu giảm về mức giá hiện tại dao động quanh vùng 30.000 - 32.000 đồng/kg, giảm mạnh so với thời kỳ “đỉnh” hồi giữa tháng 7 khi mức giá heo lên tới 47.000 đồng/kg. Tín hiệu này có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh 6 tháng cuối năm của các DN ngành chăn nuôi.
Một chuyên gia của Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC) nhận định, hiện ngành chăn nuôi Việt Nam đang trông chờ vào xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc. Tuy nhiên, thời gian qua Trung Quốc đã siết lại nhập khẩu thịt heo sống qua đường tiểu ngạch từ Việt Nam, riêng về việc xuất khẩu qua con đường chính ngạch thì Trung Quốc đã đặt điều kiện là chỉ nhập khẩu thịt heo đã giết mổ, chế biến. Thông tin này khiến tâm lý người chăn nuôi bắt đầu cẩn trọng và không dám tái đàn dẫn đến ảnh hưởng giá bán, sức tiêu thụ con giống và thức ăn chăn nuôi của các doanh nghiệp.
“Cũng cần lưu ý là giá heo nhập khẩu (chỉ chiếm khoảng 1% tổng nguồn cung thịt heo cả nước) theo thống kê của Tổng cục Hải Quan trong 6 tháng đầu năm 2017 trung bình chỉ 1,2 USD/kg, tương đương 27.000 đồng/kg. Đây cũng là thông tin quan trọng khiến người nông dân e ngại tái đàn”, chuyên gia này lưu ý.
Vissan là một trong số ít những DN hưởng lợi từ việc heo giảm giá
Tuy nhiên, phía các DN ngành thức ăn chăn nuôi thì khá nhiều DN tỏ ra khả quan về kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm. Chẳng hạn, Tập đoàn Masan khá tự tin về khả năng hồi phục mảng thức ăn chăn nuôi của Masan Nutri-Science (MNS) trong 6 tháng cuối năm.
Tương tự, tại Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG), dù trong quý 2 vừa qua doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng ít nhiều vì trong mảng thức ăn chăn nuôi thì thức ăn cho heo chiếm đến 60 - 70%; phải hoãn xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi thứ 3 tại Phú Thọ và sản lượng bán heo giống bố mẹ cũng không như kỳ vọng do người nông dân ngại tái đàn. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh 6 tháng lại cho thấy, mảng thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi heo và bò Úc công nghệ cao đã có đóng góp khá tích cực với doanh thu lên tới 1.000 tỷ đồng.
Hiện HPG cũng đang đưa heo giống bố mẹ vào kinh doanh. Đây là heo giống được lai tạo từ 1.800 con lợn giống cụ kỵ nhập từ Đan Mạch và kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận đột biến trong nửa cuối năm 2017.
Theo báo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã