Hội thảo “Tham vấn cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã diễn ra chiều 5/9 tại Hà Nội.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết doanh nghiệp là chủ thể dẫn dắt trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Bởi vậy, các đơn vị cần tập trung tháo gỡ về cơ chế với mục tiêu là tạo điều kiện hơn nữa để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chúng ta đang tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất theo chuỗi, sản xuất hàng hóa tập trung. Trong tái cơ cấu, thành tố tổ chức sản xuất mà trụ cột là doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức của nông dân là hạt nhân trong chuỗi liên kết.
Hội nhập chỉ thành công khi có những doanh nghiệp đầu tàu, có hệ thống tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã.
Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 210) được ban hành để thu hút được nhiều doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, qua 4 năm thực hiện, hiệu quả của chính sách này vào đời sống còn nhiều bất cập.
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đánh giá, mặc dù có Nghị định 210 nhưng kết quả thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn rất hạn chế.
Tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp vẫn chậm hơn so với doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác.
Hội thảo "Tham vấn cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp". Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Đến tháng 9/2016 chỉ có 4.424 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, chiếm dưới 1% tổng số doanh nghiệp cả nước. Quy mô của doanh nghiệp nông nghiệp chủ yếu là nhỏ và vừa với quy mô vốn phần lớn.
Khả năng ứng dụng khoa học công nghệ của doanh nghiệp nông, lâm, ngư nghiệp còn thấp, 75% doanh nghiệp đang sử dụng máy móc hết khấu hao.
Bên cạnh đó, Nghị định 210 cũng chưa huy động được sự tham gia của mọi thành phần kinh tế; một số quy định, tiêu chí quá cao khiến doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách. Kinh phí từ ngân sách chưa đảm bảo thực hiện chính sách còn thấp và chậm tiến độ….
Thủ tục chính sách để triển khai dự án đầu tư và nhận hỗ trợ còn phức tạp và đặc biệt là các “giấy phép con” vẫn còn tồn tại khá nhiều trong ngành nông nghiệp.
Ngoài việc rà soát điều chỉnh chính sách về đất đai, vốn tín dụng, theo ông Nguyễn Trí Ngọc, nghị định sửa đổi Nghị định 210 phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi khi đầu tư nông nghiệp. Theo đó, tiếp tục giảm các thủ tục hành chính; giảm chi phí thực hiện và thời gian thực hiện.
Góp ý cho nghị định sửa đổi, ông Nguyễn Khắc Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn PAN Group cho rằng, các chính sách như hỗ trợ lãi suất, kinh phí mua bảo hiểm, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu… rất tốt nhưng trong bối cảnh nhà nước bị hạn chế nguồn vốn thì nên tập trung vào chính sách ưu đãi như thuế.
Bên cạnh đó, phải tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch xóa bỏ cơ chế xin cho trong bối cảnh những thủ tục hành chính còn phức tạp và mất nhiều thời gian.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cần hạn chế hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước; xóa bỏ cơ chế xin - cho thông qua việc bỏ quy trình phê duyệt dự án (do doanh nghiệp tự đầu tư); phân cấp mãnh mẽ cho địa phương, tạo cơ chế để các bên chủ động tham gia.
Đồng thời, loại bỏ toàn bộ các thủ tục phải trình lên cấp bộ phê duyệt. Chính sách ưu đãi, hỗ trợ tập trung vào doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp xây dựng liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp lớn xây dựng thương hiệu nông sản chủ lực quốc gia./.
Theo Bích Hồng/.bnews.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã