Với mong muốn tận dụng nguyên phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để đầu tư phát triển chăn nuôi lợn, gia đình anh Nguyễn Văn Thùy, thôn 1, Trấn Ninh, xã Tân Thịnh (TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái) đã mạnh dạn đầu tư trên 100 triệu đồng để xây dựng chuồng trại nôi lợn. Trong năm 2017 do giá lợn giảm mạnh, gia đình anh thua lỗ lớn. Trong năm 2018 này, giá lợn tăng cao hơn đây là điều kiện để gia đình anh tiếp tục đầu tư tái đàn và tăng đàn, nhằm giảm thua lỗ trước kia.
So với quy mô chuồng trại đầu tư, anh Thuỳ có thể đầu tư tăng đàn, tái đàn với quy mô 100 con trở lên. Tuy nhiên anh không nóng vội tăng đàn mà chỉ tái đàn duy trì quy mô vừa phải với 50 con lợn.
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn hộ chăn nuôi công tác phòng chống dịch bệnh cho lợn nái.
Anh Nguyễn Văn Thùy cho biết: Giá lợn hơi như hiện tại là người chăn nuôi có lãi khá. Tuy nhiên, tâm lý người chăn nuôi chúng tôi vẫn e dè, muốn xem giá cả chăn nuôi có ổn định hay không chúng tôi mới tiếp tục đầu tư. Để duy trì chăn nuôi bền vững, hiện chúng tôi chỉ tập trung thực hiện tốt công tác chăm sóc phòng, chống dịch bệnh và phòng chống nóng cho đàn lợn, đảm bảo sao cho lợn sinh trưởng phát triển tốt, chứ không dám tái đàn ồ ạt vì lo ngại giá tăng không bền vững.
Còn với gia đình anh Nguyễn Xuân Thắng, người cùng thôn 1 cũng luôn xác định chăn nuôi lợn là nghề lâu dài của nhà nông để nâng cao thu nhập phát triển kinh tế gia đình. Vì vậy từ nhiều năm qua, gia đình anh Thắng đã chú trọng đầu tư chuồng trại và con giống để phát triển chăn nuôi. Vào thời điểm giá lợn hơi xuống thấp gia đình anh thua lỗ trên dưới 100 triệu đồng, song gia đình anh vẫn luôn duy trì số đầu lợn như bình thường.
Hiện gia đình anh Thắng đang nuôi 150 con lợn nái và thương phẩm, từ đầu năm đến nay gia đình anh đã xuất bán được gần 5 tấn lợn hơi với giá bán từ 38.000 đến gần 50.000 đồng/kg. Anh Thắng cho biết, nếu có tái đàn, gia đình anh vẫn giữ quy mô như trước chứ không có tư tưởng tăng đàn.
"Chúng tôi xác định chăn nuôi heo là nghề làm ăn lâu dài, mặc dù có biến động về giá cả, nhưng những người chăn nuôi như chúng tôi vẫn duy trì bền vững theo qy mô chuồng nuôi đã đầu tư. Chúng tôi chỉ lo sợ về dịch bệnh, chứ còn bão giá chúng tôi không quá sợ, mong sao chăn nuôi có thêm tí công để phát triển kinh tế gia đình" - anh Thắng nói.
Anh Thắng ở xã Tân Thịnh chăm sóc đàn lợn chuẩn bị xuất bán.
Tương tự, gia đình anh Phạm Trường Giang ở thôn 3, xã Văn Phú cũng không nóng vội tái đàn và tăng đàn mà chỉ duy trì đàn lợn của gia đình ở quy mô vừa phải. Theo kinh nghiệm của anh Giang, chăn nuôi lợn cũng giống như kinh doanh một hàng hóa nào đó, cần theo dõi thị trường cẩn thận rồi mới quyết định đầu tư, tái đàn hay xuất bán đúng thời điểm thì sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện giá lợn có tăng cao nhưng các tín hiệu cho thấy thị trường vẫn rất bấp bênh. "Gia đình tôi đang duy trì tổng đàn lợn trên 80 con, trong đó có 20 lợn nái và trên 60 lợn thịt. Trước mắt gia đình tôi vẫn giữ nguyên tổng đầu đàn, phát triển dần dần, giá cả thị trường thường lên xuống theo quy luật thị trường, giá heo hơi bị đẩy lên cao quá người chăn nuôi chúng tôi cũng không yên tâm" - anh Giang thông tin.
Giá lợn hơi tăng trở lại là tín hiệu đáng mừng, giúp người dân yên tâm tái đàn và tăng đàn để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên theo ngành chuyên môn, nguyên nhân giá lợn tăng là do trong năm 2017, người chăn nuôi lợn từ trang trại đến các nông hộ sau một thời gian thua lỗ, thải đàn dần, chưa kịp tái đàn trở lại dẫn đến nguồn lợn khan hiếm. Trong khi đó, nhu cầu thị trường lớn đã đẩy giá lợn hơi tăng cao so với năm trước. Vì vậy, vào thời điểm hiện nay, việc tái đàn nuôi trở lại đối với các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn là bình thường.
Tuy nhiên, để góp phần ổn định chăn nuôi, ngành chức năng TP.Yên Bái cũng đã chỉ đạo các xã, phường khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ giá cả thị trường, trong thời điểm hiện nay không nên tăng đàn và mở rộng quy mô.
Thực hiện chỉ đạo của thành phố các xã, phường đã thường xuyên cử cán bộ xuống các hộ chăn nuôi tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng bệnh, phòng chống nắng nóng cho đàn lợn. Đồng thời thường xuyên nắm bắt rõ tình hình để khuyến cáo nhân dân không nóng vội khi tái đàn trong thời điểm hiện nay.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã