Báu vật của làng
Trên con đường thênh thang dẫn ra biển lớn đã thấy rừng dẻ hiện lên trong tầm mắt với một màu xanh bạt ngàn. Đang loay hoay dừng xe “đột nhập”vào rừng dẻ để ghi hình, bất chợt tôi nhìn thấy bóng dáng của một bác tiều phu tuổi trên 60 vác củi từ trong rừng đi ra. Đứng bên cạnh thân cây dẻ vừa tay người ôm, tiều phu Trần Nhớ bắt đầu kể lại câu chuyện về rừng dẻ. Mặc dù đã nhiều lần được nghe kể về rừng dẻ ven biển thuộc vào loại “độc nhất vô nhị” ở miền Trung nhưng tôi cũng phải bất ngờ, thán phục bởi tài ăn nói rất có duyên pha lẫn chút hóm hỉnh của lão. Ông kể: Ngày trước mỗi năm, theo lệ định, chỉ mở cửa rừng trong 7 ngày cho người dân vào khai thác lâm sản phụ; đến ngày lễ làng chỉ cho một tốp người vào dùng lưới vây bắt thú để lấy động vật làm lễ cúng, còn lại cửa rừng được đóng quanh năm, bà con bảo vệ nghiêm ngặt. Nếu ai vi phạm, vào rừng chặt cây hay săn thú thì sẽ bị phạt một con lợn, một tạ nếp để làng “tạ lỗi” với rừng. Có lần do không tuân thủ “lệ làng”, một đám thanh niên ở làng khác ngang nhiên đến chặt phá cây dẻ về làm củi bị dân làng bắt được phạt 2 con lợn và hai năm không được “bén mảng” qua làng.
Rừng dẻ Phú Hải đã được được người dân đưa vào hương ước của làng để bảo vệ |
Đem câu chuyện có vẻ “kỳ bí” ấy đến gặp anh Bùi Ngọc Ga - Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, anh cho hay: “Dưới thời vua Minh Mạng (1821-1840), vùng đất này có tên là phường Xuân Yên, sau sáp nhập và đổi tên thành làng Phú Hải. Việc bảo vệ rừng dẻ cũng được người dân đưa vào hương ước của làng từ đó.
Trải qua năm tháng, khu vực rừng phòng hộ ven biển thôn Phú Hải có tổng diện tích 250 ha, trong đó có 150ha là cây dẻ. Mặc dù ít có giá trị về kinh tế nhưng chính rừng dẻ trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ đã chở che bộ đội. Kỷ niệm đáng nhớ chính là đoàn bộ đội C14 công binh trong thời kháng chiến chống Mỹ đã có nhiều trận đánh nhằm cắt chi viện của địch ra Quốc lộ 1A. Năm 1966-1967, đế quốc Mỹ dùng chất độc hóa học nhằm hủy diệt rừng dẻ, phá nơi trú ẩn của quân và dân ta, nhưng chỉ được một thời gian rừng lại lên xanh tốt. Rừng dẻ còn như hôm nay là nhờ người dân chăm sóc quản lý. Sự hoạt động hiệu quả của “đội quân” giữ rừng đã góp phần bảo vệ “lá phổi xanh” của làng.
Niềm tin giữ rừng
Được sự giới thiệu của Chủ tịch xã Lộc Vĩnh, chúng tôi tìm đến nhà ông Hồ Trọng Vĩnh - Đội trưởng đội bảo vệ rừng dẻ, người có thâm niên 35 năm phụ trách công tác này. Gặp chúng tôi cũng vừa lúc ông Vĩnh cùng hai đồng nghiệp trở về từ chuyến tuần tra rừng dẻ. Ông Vĩnh cho biết: Cả đội chúng tôi ai cũng yêu quý rừng dẻ này, không kể ngày nắng hay mưa, anh em đều đi tuần tra rất nghiêm túc. Có nhiều đêm trời mưa bão, sợ lâm tặc vào phá rừng, săn bắn thú, anh em vẫn chia nhau đi để tuần tra rừng bởi mọi người xác định rừng dẻ phòng hộ này là tài sản vô giá, là “lá phổi xanh” của nhiều địa phương trong khu vực. Nó như bức bình phong bảo vệ cuộc sống người dân trước sự xâm thực của biển từ thuở khai thiên lập địa cho đến nay. Nếu một ngày nào đó rừng bị phá đi thì nhà cửa, hoa màu của dân bị biển làm cho tan nát, nhất là vào mùa mưa bão. Cũng theo ông Vĩnh đây là diện tích rừng dẻ ven biển duy nhất còn lại ở miền Trung và cả nước chỉ có 3 khu rừng như vậy. Anh Bùi Minh Hải - thành viên Đội bảo vệ rừng dẻ chia sẻ: Ở đây cuộc sống còn nhiều khó khăn, có thành viên trong đội được ví như người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng họ không buồn bởi vì rừng dẻ đã được giữ vẹn toàn. Rừng được gìn giữ thì các thế hệ con cháu mai sau của dân làng Phú Hải không còn phải lo lắng. Những năm bão lớn, gió từ biển thổi vào, nhờ rừng dẻ mà người dân ven biển Lộc Vĩnh vô sự.
Năm 2001, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã bàn giao rừng dẻ cho địa phương, cộng đồng dân cư quản lý. Từ đó, đội bảo vệ rừng gồm 60 thành viên cũng được thành lập. Quy chế hoạt động của đội là cứ mỗi ngày chia thành 1 tốp 3 người tuần tra, không cho người vào rừng dẻ khai thác, săn bắn. Nếu bắt được người vi phạm thì điện báo lên chính quyền xã để tiến hành lập biên bản xử phạt. Trong năm 2012, đội bảo vệ rừng đã bắt được 4 vụ vào khai thác rừng dẻ trái phép. Ý thức được tác dụng to lớn đối với môi trường của cánh rừng dẻ nên đội bảo vệ rừng luôn được chính quyên phân công túc trực ngày đêm, phối hợp với trạm kiểm lâm Thừa Lưu tuần tra, ngăn chặn nhiều vụ xâm hại rừng. Nói về hướng bảo vệ, phát triển lâu dài của địa phương, ông Bùi Ngọc Ga cho hay: “So với giá trị về cây gỗ thì rừng dẻ không có giá trị lớn bằng những cánh rừng khác, nhưng về môi trường thì vô giá! Về lâu dài, địa phương đang khuyến khích bảo vệ rừng dẻ gắn với phát triển du lịch sinh thái, dịch vụ. Chỉ có gắn quyền lợi của người dân, vừa bảo vệ rừng, vừa được hưởng lợi mới bền vững được.”
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã