TBKTSG Online: Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, trong đó một số sản phẩm là nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN). Vì sao chúng ta vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu cho ngành này?
- Ông Nguyễn Xuân Dương: Những năm qua ngành chăn nuôi không hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, vì một số nguyên liệu trong nước như lúa, gạo, khoai mì hay bắp cũng đã được đưa vào làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu trong nước có hạn, mỗi năm Việt Nam vẫn nhập khoảng 1 triệu tấn bắp, 1 triệu tấn lúa mì và gần 3 triệu tấn khô dầu đậu nành.
Riêng khô dầu đậu tương, chúng ta buộc phải nhập khẩu 100% vì loại nguyên liệu này trong nước không trồng được do sự khác biệt về thời tiết và thổ nhưỡng. Những quốc gia xuất thức ăn chăn nuôi trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia... cũng đều phải nhập khẩu khô dầu đậu tương từ Mỹ, Argentina và Brazil. Ngoài ra, các loại nguyên liệu khác như vitamin, khoáng vi lượng, axit amin, cũng phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Phải chăng việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu khiến giá TACN trong nước luôn ở mức cao so với mặt bằng giá chung của các quốc gia khác trong khu vực?
- Giá TACN trong nước luôn ở mức cao một phần vì phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Giá nguyên liệu nhập khẩu biến động bất thường sẽ ảnh hưởng đến mặt hàng thức ăn chăn nuôi ở trong nước. Ngoài ra, hiện các doanh nghiệp vẫn đang sản xuất thức ăn chăn nuôi với quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu nên chi phí sản xuất cao, giá thành cao.
Giá TACN cao lại làm giảm sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi trong nước, bởi chi phí TACN chiếm đến 70% giá thành sản phẩm chăn nuôi. Vì vậy, để giảm giá thức ăn chăn nuôi, ngoài việc chủ động nguồn nguyên liệu, điều quan trọng là các doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ, tiến đến sản xuất với quy mô lớn.
Thực tế, ngành chăn nuôi truyền thống đã sử dụng cám gạo như một loại nguyên liệu chính trong chăn nuôi. Nhà nước đang khuyến khích các nhà khoa học nghiên cứu đưa ra giải pháp nhằm tối ưu hóa khẩu phần TACN, trong đó làm sao tận dụng được nguồn cám gạo trong nước. Sử dụng hiệu quả những phụ phẩm của lúa gạo sẽ giúp ngành chăn nuôi tiết kiệm được lượng ngoại tệ hiện dùng để nhập khẩu các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Ngoài ra, ngành chăn nuôi cần sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu sẵn có và lượng nguyên liệu nhập khẩu, nhằm giảm thất thoát nguyên liệu trên một đơn vị sản phẩm TACN. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải sản xuất với quy mô lớn và khép kín nhằm giảm giá thành và tránh thất thoát.
Để tránh phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, ngành chăn nuôi cũng cần sớm xây dựng vùng nguyên liệu cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Vấn đề này đã được nói nhiều trong những năm qua. Điều quan trọng là Nhà nước đã có những giải pháp nào trong thời tới để tiến đến việc hình thành vùng nguyên liệu ổn định cho ngành sản xuất TACN, thưa ông?
- Cục Chăn nuôi đã có chủ trương và kiến nghị những chính sách. Ngân sách nhà nước nên hỗ trợ vốn dưới hình thức cho nhà đầu tư vay để xây dựng các hạng kết cấu hạ tầng cứng và mềm cần thiết và sử dụng lâu dài tại vùng nguyên liệu TACN. Ngân sách nhà nước và các tổ chức tín dụng triển khai các hình thức tín dụng ưu đãi cho người chăn nuôi và doanh nghiệp để đầu tư trực tiếp vào các hoạt động trồng trọt để tạo vùng nguyên liệu TACN đáp ứng yêu cầu kinh doanh có hiệu quả. Chính quyền tỉnh và các huyện có vùng nguyên liệu TACN của dự án FDI có trách nhiệm bảo vệ và duy trì các vùng nguyên liệu đã quy hoạch cho dự án FDI để đảm bảo cung cấp đầy đủ nguyên liệu tập trung cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, cần xác định quyền và trách nhiệm cho nhà đầu tư trong việc đưa ra các biện pháp bảo vệ vùng nguyên liệu TACN của họ. Nhà nước nghiên cứu đưa ra các quy định phù hợp về cả quyền và trách nhiệm của nhà đầu tư với vùng nguyên liệu TACN, đủ đảm bảo giúp nhà đầu tư duy trì và phát triển các vùng nguyên liệu TACN, đồng thời có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng hạ tầng của vùng nguyên liệu theo quy hoạch. Đồng thời nhà nước sẽ cùng nhà đầu tư chăm lo xây dựng các cơ sở văn hóa giáo dục, cơ sở hạ tầng của nông thôn của các cộng đồng dân cư vùng nguyên TACN liệu nhằm gắn lợi ích của họ với vùng nguyên liệu
Ông có thể cho biết định hướng phát triển ngành chăn nuôi trong thời gian tới?
- Nhà nước có chủ trương và đang thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm, tiếp tục phát triển chăn nuôi lợn, gia súc lớn. Ngành chăn nuôi sẽ chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại, nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp và áp dụng công nghệ kỹ thuật cao trong chăn nuôi. Nghiên cứu phát triển chăn nuôi ở quy mô vừa phải, phù hợp với khả năng tài chính, quản lý và xử lý môi trường. Nhà nước sẽ có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị.
Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm chăn nuôi để nâng cao giá trị gia tăng. Và quan trọng nhất, việc hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi, giảm giá thức ăn chăn nuôi bằng với mức thấp của các nước trong khu vực sẽ được ưu tiên thực hiện trong thời gian tới. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng vật tư và an toàn vệ sinh thực phẩm trong chăn nuôi. Hoàn thiện hệ thống pháp chế quản lý giống, TACN và môi trường chăn nuôi phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Vai trò của người nông dân và các hộ chăn nuôi ở đâu trong định hướng phát triển này, thưa ông?
- Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng các ưu đãi, hỗ trợ hiện hành đối với các dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Các biện pháp bao gồm cho nông dân vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi, đồng cỏ để nuôi bò; hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ sản xuất chăn nuôi và chế biến thịt, sữa. Trong thời gian tới, Nhà nước sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan thay thế cho biện pháp cấm và áp dụng hạn ngạch về khối lượng nhập khẩu đối với sữa đồng thời đánh thuế nhập khẩu theo mùa, tiếp tục áp dụng biện pháp ưu đãi thuế thu nhập đối với các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học trong sinh sản vật nuôi như chọn tạo giống vật nuôi mới, tinh, phôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi. Ngoài ra cũng có chính sách trợ cấp cho người chăn nuôi và các doanh nghiệp chăn nuôi khi bị tổn thất vì thiên tai, dịch bệnh và bị rủi ro về biến động giá thị trường sản phẩm chăn nuôi; biện pháp lập và sử dụng quỹ bảo hiểm chăn nuôi cho các trường hợp rủi ro trong chăn nuôi.
Xin cảm ơn ông!
TBKTSG Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã