Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến việc tấp cận gói 100.000 tỷ đồng hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao.
Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị hồng cho biết sau khi có nghị quyết 30, NHNN đã ban hành quy trình cho vay tín dụng với chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thống đốc cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho vay chương trình này. Các ngân hàng thương mại đang có số vốn để cho vay là 32.000 tỷ đồng.
Phó thống đốc cho biết đây là chương trình mới, các ngân hàng thương mại đang cần thời gian để hoàn thiện văn bản hướng dẫn với các chi nhánh của hệ thống. Khách hàng cũng đang tìm hiểu chương trình, chưa nộp hồ sơ vay vốn do họ cần phải đối chiếu tiêu chuẩn theo nghị quyết 30. Theo ghi nhận, khách hàng cũng chưa phát sinh vay.
Việc xác định tài sản trên đất là một trong những khó khăn trong việc tiếp cận gói tín dụng. Ảnh: Thạch Thảo. |
“Khó khăn của chương trình là số doanh nghiệp được cấp, đối tượng được ưu đãi còn hạn chế nên tốc độ cho vay chưa thể đẩy nhanh. Các doanh nghiệp và người dân chưa được cấp giấy chúng nhận quyền sử dụng tài sản trên đất nên chưa có căn cứ để thế chấp. Việc này Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét”, bà Hồng cho biết.
Cũng theo phó thống đốc, việc sản xuất nông nghiệp có những rủi ro, chưa có chính sách phòng ngừa, chưa có bảo hiểm… nên người dân còn e ngại. NHNN cũng đang tích cực phối hợp với Bộ ban ngành tích cực triển khai gói tín dụng này.
Bổ sung thêm phần trả lời, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao được Đảng và Nhà nước quan tâm. Thủ tướng đã giao NHNN và ngân hàng thương mại chuẩn bị gói tín dụng 100.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên hiện nay đang vướng mắc một số vấn đề.
Thứ nhất, cần xác định rõ thế nào là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, tiêu chuẩn như thế nào để được vay. Phần này Thủ tướng đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xây dựng tiêu chí.
Thứ hai, khó khăn về tiếp cận đất đai, tích tụ ruộng đất. Hà Nam và Thái Bình đã có báo cáo kinh nghiệm. Chính phủ sẽ xem xét vấn đề này.
Thứ ba, vì đất thuê nên doanh nghiệp chưa thể có quyền sở hữu để thế chấp, vay vốn. Thủ tướng đã giao Bộ NN&PTNT để xây dựng tiêu chí. Bộ TNMT xây dựng cơ chế xác định tài sản trên đất. Các bộ ngành khác cũng đang rất tích cực tìm kiếm thị trường, đưa sản phẩm ra nước ngoài.
Nguồn: zing.vn