Các bậc lão nông tri điền kể lại rằng, nghề đóng giường tre truyền thống ở ấp Trà Tro A và Trà Tro B đã có từ rất lâu. Hồi xưa, cái nghề này giúp người dân trong ấp ăn nên làm ra, nay kinh tế phát triển nhu cầu sử dụng giường tre ngày một ít đi, dẫn đến cung vượt cầu. Cứ thế, ngày qua ngày nghề đóng giường tre truyền thống dần bị quên lãng, từ đó lụi tàn theo năm tháng.
Anh Cảnh kiểm tra lại sản phẩm trước khi giao khách hàng. |
Nặng lòng với nghề
Năm 1988, cậu bé Cảnh vừa tròn 12 tuổi đã được cha truyền cho nghề đóng giường tre để phụ giúp kinh tế gia đình. Thông minh, lanh lợi, siêng năng, Cảnh mau chóng bắt nhịp được nghề cha dạy. Qua sự dìu dắt của cha, tay nghề của Cảnh ngày một cứng cáp, thành thục. Theo năm tháng, Cảnh đã trở thành một thanh niên có tay nghề đóng giường tre thượng hạng nức tiếng cả xã Hàm Giang.
Ông Trần Quốc Tuấn - Phó GĐ Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh
"Ở thời buổi cơm áo gạo tiền nếu cứ bám riết vào đóng giường tre theo kiểu truyền thống của cha ông để kiếm ba cọc ba đồng hoài chắc chắn là không ổn. Tôi suy nghĩ cần phải vực dậy làng nghề, đổi mới tư duy nhất quyết phải theo một hướng đi riêng, nhắm vào nhu cầu thị hiếu, sở thích của người tiêu dùng.
Năm 2011, Trung tâm Khuyến công của tỉnh đã tạo điều kiện cho tôi lên Tây Ninh để học nghề thủ công mỹ nghệ. Sẵn có kiến thức nền thành thạo về nghề đóng giường tre, tôi nhanh chóng tiếp thu, đúc kết được những kỹ thuật cần thiết để hoàn thiện một sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ tre" - anh Cảnh chia sẻ.
Kết thúc khóa học ngắn ngủi, anh Cảnh được Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ 18 triệu đồng để mua máy móc, thiết bị và nhanh chóng bắt tay vào làm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đầu tiên được làm từ tre.
Khẳng định thương hiệu
Anh Cảnh chia sẻ: "Thời gian đầu mới ra nghề, do chưa có kinh nghiệm nên sản phẩm của mình cứ bị mắc lỗi kỹ thuật, khách hàng điện thoại cằn nhằn, yêu cầu chỉnh sửa liên tục. Nhiều lúc, mình phải đặt hàng ở tận Thủ Đức để bán".
Qua nhiều lần bị khách hàng "mắng nhiếc", trả hàng tới trả hàng lui liên tục, cứ mỗi lần như thế, anh lại rút ra cho mình một bài học vô cùng quý giá. "Lợi thế quan trọng của mình hiện nay là có nguồn tre gai nguyên liệu tự nhiên dồi dào. Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng góp phần làm nên chất lượng cho một sản phẩm thủ công mỹ nghệ" - anh Cảnh nói.
Theo kinh nghiệm của anh Cảnh, do sử dụng nguyên liệu chính là tre nên quá trình xử lý mối mọt phải hết sức kỹ lưỡng. Vì vậy, tre sau khi đốn phải phơi từ 5 - 10 nắng, sau đó cạo vỏ, ngâm xử lý mối mọt… Để làm ra một sản phẩm salon từ tre ngoài đòi hỏi yếu tố thẩm mỹ cao, tính tỉ mỉ của người thợ thì công đoạn cắt xéo là vô cùng quan trọng; khó nhất là ở khâu chấp nối nếu không đồng đều, ăn khớp với nhau sẽ làm ảnh hưởng đến mẫu mã.
Anh Cảnh cho biết, năm 2012, sản phẩm salon tre và bộ ghế tầm vông - hai mặt hàng chủ lực của anh đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu mã độc quyền. Tiếng lành đồn xa, hiện sản phẩm của anh đang được rất nhiều khu du lịch sinh thái, các khu resort, nhà hàng, các quán ăn, giải khát… ở khắp mọi nơi tìm đến đặt hàng.
Ngoài việc từng bước khôi phục được làng nghề truyền thống, cơ sở của anh Cảnh còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương.
Đức Khánh
Nguồn:danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã