Trong cách tính đơn giản của Cẩm Xương, ở ấp Mỹ Nam 1, xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp: “Người phụ trách sản xuất là cha (lương 3,5 triệu đồng/tháng), người phụ trách bán hàng: em gái (4 triệu đồng/tháng), người phụ trách tài chính (người điều phối dòng tiền trong quá trình thực hiện, chứ không chỉ là kế toán): mẹ (4 triệu đồng/tháng)”.
Vì sao có mức lương chênh lệch là một câu hỏi khó đối với một người chân ướt chân ráo bước vào “sân chơi” khởi nghiệp.
Nguyễn Thị Cẩm Xương nói “lá sen non sẽ cùng dưa cây sen tới bàn ăn”.
Chỉ mong sao sớm nhìn thấy hình ảnh nhận lương lần đầu của những người lâu nay phải làm thuê, làm mướn thời vụ, khi họ bắt tay vào dự án “Dưa cây sen”.
Thu Hồng, người phụ trách bán hàng, nói: Đám tiệc vẫn đặt hàng, nhưng chỉ bán vòng vòng trong xóm, tạm tính như vậy thôi chứ hai chị em cũng chưa biết con số sẽ nhảy múa thế nào.
Nhà có 5 công đất, gia đình bảy người, mẹ ốm đau, lâu nay lo việc nhà, hễ tới mùa Hồng gói xoài mướn cho chành vựa. Nhà Cẩm Xương ít người hơn, cha mướn 1 công đất trồng rẫy, khi trúng khi thất, tiền thuê đất 5 triệu đồng một năm. Mẹ mang đồ rẫy ra chợ.
Hai cô gái 8X ở làng quê thử ước lượng mức đầu tư khoảng 200 triệu đồng. Cẩm Xương hình dung có ba “chỗ trũng” phải bơm vốn vào: sản xuất – chế biến, xây dựng hệ thống bán hàng và quảng bá sản phẩm để tạo “mặt bằng” khởi nghiệp. Dựa vào cơ sở nào tính ra mức này, tìm vốn ở đâu?
Cả Cẩm Xương và Thu Hồng thú thiệt giống như “ném đá dò đường”, chỉ mong dự thi tại Đồng Tháp để nghe các chuyên gia góp ý chứ chưa biết con số này là cao hay thấp, cỡ nào là vừa.
Mấy hôm trước, Chi cục Chế biến Nông lâm thuỷ sản tới nhà xem chỗ hai chị em làm dưa chua từ cây sen, nói: “Nếu làm lớn thì chỗ này chưa đạt”. Cả mẹ Cẩm Xương, Thu Hồng và người bảo vệ dự án “Dưa cây sen” là Cẩm Xương, học xong lớp tập huấn an toàn thực phẩm, trở về nhà đã thấy “nút thắt” này. Người của Chi cục động viên: Vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp tới đây ráng đạt, về rồi tính.
Tương lai có quá nhiều việc, sẽ là thách thức nếu tính không xong, nhưng Cẩm Xương tin ý tưởng này sẽ tạo việc làm và dù thách thức lớn hơn khi nghĩ tới lao động – tiền lương… vẫn phải làm. Hiện nay, giá nhân công thời vụ, chủ lo cơm, là 120.000 đồng/ngày/người, sẽ khó thực hiện nếu chỉ dùng cây sen làm dưa. “Hôm thi vòng bán kết, Cẩm Xương lại nghĩ thêm một bước, sẽ thử tới lá sen non để đa dạng sản phẩm, có thêm việc làm, người trồng sen có thêm thu nhập”.
Dù Tháp Mười bạt ngàn sen Đài Loan, Cẩm Xương và Thu Hồng chỉ dùng nguyên liệu sen ta để làm dưa vì cọng to, giòn, màu xanh tự nhiên, không dùng hoá chất. Một ký nguyên liệu làm ra nửa ký thành phẩm, chỉ cần đặt hàng trên mức 40 – 45 kg/ngày, thì hai bạn phải tính tới việc mua nguyên liệu chung quanh. Phải nhổ chứ không được cắt, phải vận chuyển sao cho thân cây sen đừng bị giập là chuyện khó, nhưng khi đã bán được hàng thì dù đi tới Tam Nông, Tràm Chim cách đó mười cây số, cũng phải đi, vì ở đó người trồng sen ta không dùng hoá chất.
Nếu ít thì vô Mỹ Phước cách 3 – 5 cây số tự chở bằng xe gắn máy, còn nhiều hơn thì… chưa biết tính sao đây? Thu Hồng nói rằng bên nội, bên ngoại còn nhiều người khó khăn lắm, nên mục tiêu lớn nhất là khai thác nguyên liệu địa phương (chưa ai làm), tạo thu nhập đủ sống, chứ làm thuê rất bấp bênh.
Nếu không làm thì không có con đường nào tự cải thiện sinh kế. Cả hai bạn trẻ này tự nguyện gánh vác trọng trách mở “đường máu” đưa thân cây sen ra thị trường, và là cách tự cứu mình. Mẹ của Cẩm Xương, lúc đầu nói công việc rẫy bái không đủ thời gian; mấy dì, mấy cậu muốn làm thì làm, nhưng cuối cùng bà cũng đi học quy trình an toàn thực phẩm để hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp.
Hiện nay, nếu để dưa trong tủ lạnh một tháng vẫn còn dòn, mười ngày nếu để bên ngoài, nhưng muốn giữ lâu hơn thì không biết phải làm sao!? Startup đang gặp thách thức về công nghệ bảo quản.
Giá thành 1kg dưa cây sen là 90.000 đồng, thu hái, sơ chế, đóng gói, bao bì, vận chuyển một hũ dưa cây sen 300 – 400g giá 50.000 đồng, chưa tới điểm hoà vốn. Cả hai chị em sẵn sàng bỏ công cán để giữ giá, để nhiều người biết, để lấy lòng tin, để được chọn lựa, đặt hàng và tạo việc làm.
So với những bạn khởi nghiệp, cả hai chị em Cẩm Xương phải dừng việc học rất sớm vì gia cảnh nghèo khó. Nguyễn Thị Cẩm Xương vẫn làm cho căngtin trường “cấp 3”, Dương Thị Thu Hồng vẫn gói xoài mướn; cả hai nhận đơn đặt hàng làm dưa cây sen và nuôi hy vọng làm một cuộc bứt phá. “Ông xã chuyên chở gạo mướn, nếu “thành” dưa cây sen, mai mốt ổng lo chở sen, hổng chở mướn nữa”, Thu Hồng hình dung tương lai.
Theo: Hoàng Lan (Thế Giới Tiếp Thị)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã