Đập cứ xây, đồng vẫn khát
Trong khoảng thời gian từ 2003 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh ta đã được đầu tư nâng cấp và xây mới trên 60 công trình thủy lợi vừa và nhỏ với tổng số vốn xấp xỉ 300 tỷ đồng. Trong đó, nguồn trái phiếu Chính phủ nâng cấp, đầu tư 13 công trình; nguồn vốn vay từ Ngân hàng thế giới 19 công trình; các dự án OFID, CBRIP, ISDP, HIRDP, MPRP đầu tư 26 công trình; ngân sách và các nguồn vốn khác 10 công trình.
Thêm hơn 3,8 tỷ đồng xây tràn xả lũ, đập Đá Bạc (Đậu Liêu - TX Hồng Lĩnh) vẫn không phát huy tác dụng. |
Với hiệu suất đầu tư đó, lẽ ra các địa phương vùng hưởng lợi đã có thể hạn chế được tình trạng hạn hán. Nhưng, các khâu tổ chức quản lý sản xuất không ít công trình thủy lợi vừa đầu tư xây dựng xong nằm trơ gan dưới mưa nắng khiến hạn càng thêm hạn.
Điển hình cho những công trình thủy lợi không sinh lợi trong thời gian qua không thể không nhắc tên dự án xây dựng đập Khe Đập ở xã Hương Thọ (Vũ Quang). Mục tiêu khi lập dự án xây dựng đập Khe Đập là cung cấp nguồn nước tưới cho 20-25 ha đất canh tác. Sau thời gian thi công, đầu năm 2009, công trình được hoàn công đúng tiến độ. Tuy nhiên, ngay khi đưa vào sử dụng, người ta mới nhận ra rằng, công trình trị giá gần 850 triệu đồng này chỉ có thể cung cấp nước tưới được chừng 1/4 diện tích so với thiết kế ban đầu. Cụ thể, là vụ cao nhất cũng chỉ tưới được chừng 3 - 5 ha, thậm chí, có vụ chẳng tưới được ha nào. Có đập kiên cố, có nguồn nước tập trung, thế nhưng, đồng vẫn khô, lúa cứ cháy và diện tích ruộng bỏ hoang ngày càng nhiều hơn so với trước lúc chưa xây đập.
Một ví dụ khác: đầu năm 2011, dự án đập Bà Rền ở xã Kỳ Hợp (Kỳ Anh) được đầu tư xây dựng với số vốn 3,9 tỷ đồng. Theo tính toán ban đầu, khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, hệ thống thủy lợi này trước mắt sẽ phục vụ chống hạn cho khoảng 30 ha đất canh tác trên địa bàn. Đặc biệt, công trình còn góp phần cải thiện môi trường, môi sinh và cung cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân vùng hạ lưu. Đầu năm 2012, công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng, thỏa lòng trông ngóng của nhân dân Kỳ Hợp. Vậy nhưng, cả năm trời trôi qua, công trình chưa một lần phát huy hiệu quả!
Thủy lợi thành… thủy hại!
Với xấp xỉ 30 tỷ đồng vốn đầu tư (sau khi điều chỉnh), hồ chứa nước Đá Bạc (phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh), khi hoàn thành sẽ giải khát cho hàng trăm ha lúa, hoa màu trên địa bàn. Trớ trêu thay, sau hơn 4 năm ròng rã thi công (khởi công xây dựng tháng 11/2004, hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 1/2009), hồ chứa nước Đá Bạc chưa một lần phát huy tác dụng thì đã gây ra biết bao phiền toái, thậm chí còn gây lo lắng cho chính quyền sở tại cùng hàng ngàn hộ dân vùng hạ lưu.
Nguyên nhân là, hồ chứa nước Đá Bạc đã xuất hiện dòng thấm ở hạ lưu và có thể xẩy ra sự cố vỡ đập bất cứ lúc nào. UBND thị xã Hồng Lĩnh đã phải trích 3,8 tỷ đồng ngân sách khẩn trương triển khai các giải pháp an toàn cho công trình bằng việc xây dựng một tràn xả lũ sâu bên cạnh tràn xả lũ chính để hạ thấp mức nước trong lòng hồ xuống mức an toàn... Tuy nhiên, với sự nóng vội của chủ đầu tư trong việc xử lí nên đã “vô tình” bỏ qua một việc hết sức quan trọng, đó là xác định nguyên nhân thực chất của sự cố gây thấm đập trước khi triển khai các giải pháp an toàn cho công trình. Hậu quả là 3,8 tỷ đồng đổ vào khắc phục sự cố công trình đã không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Tương tự, hồ Xanh Nước ở Cương Gián (Nghi Xuân) được xây dựng từ năm 1982 với dung tích 0,25 triệu m3 đã và đang phục vụ tưới tiêu cho trên 30 ha đất trồng lúa trên địa bàn. Tháng 5/2012, công trình hồ chứa Xanh Nước được chính quyền sở tại cho nâng cấp, tôn tạo. Cuối năm 2012, công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng, song, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, chưa đầy 6 tháng sau (ngày 27/5/2013), hồ Xanh Nước đã xảy ra sự cố vỡ thân đập. Vậy là, từ chỗ chưa đầu tư xây dựng, công trình vẫn góp phần cung cấp nước tưới đều đặn cho hàng chục ha đất canh tác trên địa bàn, nay đập vừa xây xong, hàng chục ha đất canh tác đó lại đứng trước nguy cơ hạn hán…
Công trình hồ Xanh Nước (Cương Gián -Nghi Xuân) được "chữa mù thành què" |
Ông Nguyễn Xuân Hoạt - người dân thôn Trung Sơn (Cương Gián) thất vọng: “Hồ vừa xây xong, ruộng lại không có nước tưới, đúng là chữa mù thành đui. Rất may là sự cố vỡ đập diễn ra giữa mùa hè nên lượng nước trong hồ không đáng là bao, chứ đập mà vỡ giữa mùa mưa lũ, khi nước hồ đầy, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Thật hú vía!”.
Những dự án thủy lợi không sinh lợi, thậm chí là thủy lợi thành… thủy hại không chỉ có đập Khe Đập, hồ chứa nước Đá Bạc, đập Bà Rền hay hồ chứa Xanh Nước. Qua tìm hiểu của P.V, hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh có đến gần 1/3 công trình thủy lợi (tính những công trình đầu tư từ năm 2003 đến nay) có vấn đề về năng lực tưới tiêu so với năng lực thiết kế ban đầu.
Chẳng hạn như công trình thủy lợi Đập Lù - xã Phúc Trạch, đập Trạng - xã Hương Thủy, hồ Đập Đá - xã Hương Bình, Đập Nước Vằng (Hương Khê), hồ Khe Chẹt (Vũ Quang)… Nghịch lý hơn, nhiều công trình khi chưa nâng cấp hoặc đầu tư xây mới, người dân còn có thể tận dụng nguồn sinh thủy để tưới tiêu cho ruộng đồng, nhưng đến khi hoàn thành lại không còn nước để sản xuất như đập Thia ở Phương Điền (Hương Khê), đập Bàu Ngàng (Vũ Quang)…
Nguyên nhân nào dẫn đến hàng loạt dự án thủy lợi kém hiệu quả như thời gian qua, P.V Báo Hà Tĩnh sẽ tiếp tục điều tra, thông tin đến bạn đọc trong số báo tiếp theo.
(Còn nữa...)
Đình Trung
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã