Học tập đạo đức HCM

Không cho vay ưu đãi để mua tàu cũ

Thứ sáu - 22/08/2014 03:11
Bộ Nông nghiệp và PTNT bác đề xuất nhập khẩu tàu cá của Cty cổ phần Tập đoàn thủy hải sản Trí Việt và Cty cổ phần Đức Khải (TP.Hồ Chí Minh).
Lý do là các tàu này đều quá tuổi quy định. Trong đó, Công ty Đức Khải xin vay ưu đãi 1.350 tỉ đồng cho dự án này...
Dư luận đang lo ngại liệu nguồn vốn vay ưu đãi dành cho ngư dân đóng tàu cá hiện có bị lợi dụng?
Đề xuất nhập 100 tàu gần 30 tuổi
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 18-8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết Công ty cổ phần Đức Khải đã đề xuất vay tới 1.350 tỉ đồng từ ngân sách để mua và đóng mới tàu cá.
Tuy nhiên, qua xem xét tàu mua đều quá cũ (sản xuất từ năm 1985), còn tàu đóng mới không đáp ứng được điều kiện vay theo quy định hiện hành.
“Quy định hiện hành ban hành từ năm 2010 về điều kiện với tàu cá nhập khẩu phải là tàu có nguồn gốc hợp pháp, vỏ thép và không quá 8 tuổi từ thời điểm đóng đến thời điểm nhập khẩu. Đối chiếu với quy định này đề xuất nhập 100 tàu gần 30 tuổi của Công ty cổ phần Đức Khải là không đúng quy định” - văn bản của Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định.
 
Ông Phạm Ngọc Lâm (bìa phải) - Tổng giám đốc Công ty Đức Khải - trình bày phương án nhập tàu cá đầy tham vọng bằng... vốn vay ưu đãi 
 
Trong khi đó, tại văn bản gửi công ty CP Tập đoàn thủy hải sản Trí Việt ngày 6-8, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nêu rõ tài liệu và các thông số kỹ thuật của tàu gửi kèm tờ trình xin nhập khẩu của Trí Việt có đến 13/14 tàu trên 15 tuổi, một tàu trên 12 tuổi, thậm chí có tàu đóng từ năm 1978, 1979, tức là 35-36 tuổi, gấp nhiều lần giới hạn hiện hành.
Trước đó ngày 18-6, Công ty cổ phần Đức Khải có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất dự án đầu tư đội tàu với quy mô 100 chiếc có công suất từ 500-1.500 mã lực (CV) để đánh bắt, khai thác thủy hải sản xa bờ. Tổng vốn đầu tư của dự án này là 1.500 tỉ đồng,  trong đó vốn vay là 1.350 tỉ đồng (90%) và vốn tự có chiếm 10% (150 tỉ đồng).
Theo đó, Đức Khải sẽ nhập khẩu đội tàu gồm 95 chiếc chuyên dụng đánh bắt, khai thác, 5 chiếc làm dịch vụ hậu cần và 2 trực thăng làm nhiệm vụ cứu hộ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Úc với tàu bằng vật liệu nhôm, composite tổng hợp hoặc sắt thép, riêng máy bay trực thăng sẽ mua ở châu Âu.
Công ty Trí Việt cũng có tờ trình xin nhập và đóng mới tàu vỏ thép, nhập ba máy bay trực thăng cứu hộ, cứu nạn, xây dựng hai cầu cảng (huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang và cảng Trần Đề, Sóc Trăng).
Điểm chung của hai đề án này, bên cạnh lý do phát triển kinh tế biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo là các chính sách ưu đãi và hỗ trợ kèm theo cho nhà đầu tư, nhất là các chính sách đã được quy định trong nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Kinh doanh kiểu lạ đời
Điều đáng nói là mặc dù đề xuất vay tới 1.350 tỉ đồng để kinh doanh, nhưng trong hồ sơ gửi Bộ NN&PTNT, Công ty Đức Khải không hề có phương án chi tiết đầu tư sản xuất kinh doanh khai thác hải sản, kể cả các tính toán về nhân công, chi phí chuyến đi, nhiên liệu, duy tu bảo dưỡng cho đội tàu, sản lượng khai thác dự kiến...
Trong cơ chế xin hỗ trợ đầu tư 100 tàu công suất lớn để đánh bắt hải sản từ ngân sách nhà nước, Đức Khải cũng không nêu rõ vay vốn để đóng tàu hay nhập khẩu tàu một cách rõ ràng.
Tuy nhiên, trong buổi gặp báo chí mới đây, ông Phạm Ngọc Lâm - tổng giám đốc Công ty Đức Khải - cho biết trong tổng số 1.350 tỉ đồng đề xuất vay, công ty kiến nghị được vay ưu đãi không tính lãi suất trong năm đầu tiên và lãi suất vay là 1% trong giai đoạn năm thứ 2 đến năm thứ 11. Trường hợp Chính phủ không chấp thuận đề nghị của công ty thì đơn vị này vẫn thực hiện dự án này nhưng với quy mô nhỏ hơn.
Trong khi đó theo ông Trần Văn Trí - chủ tịch HĐQT Công ty Trí Việt, sau khi Bộ NN&PTNT từ chối lô tàu quá tuổi, Trí Việt đang chuyển hướng mua 20 tàu từ Hàn Quốc ngay trong năm 2014.
Trả lời về nguồn vốn, ông Trí cho biết mỗi tàu công ty dự định mua giá khoảng 300.000 USD, công ty sẽ đáp ứng 30% tổng vốn cho dự án, số còn lại sẽ vay trong nước và nước ngoài, kể cả đề nghị hỗ trợ và hợp tác bao tiêu sản phẩm với phía Nhật và Hàn Quốc! Ông Trí cũng cho biết đã mời một trường ĐH trong nước thiết kế giàn lạnh cho hai tàu hậu cần của đội tàu này để thu gom và trữ cá đánh bắt được.
“Chúng tôi chỉ có kinh nghiệm chế biến thủy sản, chưa có kinh nghiệm đánh bắt nhiều, có nơi bao tiêu sản phẩm thì chúng tôi mới triển khai dự án. Còn việc mua ba máy bay trực thăng như trong dự án thì thôi không mua nữa”- ông Trí nói.
Theo ông Đào Hồng Đức - cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hiện mới có hai công ty kể trên đề nghị tham gia chương trình đóng mới và nhập khẩu trên 2.000 tàu công suất lớn để đánh bắt hải sản trên biển, nhưng các đề nghị đều là nhập tàu cũ quá tuổi quy định theo quy định hiện hành. “Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ căn cứ quy định, nếu phù hợp mới cho nhập”- ông Đức nói.
 
Tàu đánh cá vỏ thép ở khu vực biển tại Đà Nẵng.
 
Chưa có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu tàu
Ông Phạm Ngọc Tuấn, phó cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho biết doanh nghiệp muốn nhập khẩu tàu cá phải liên hệ với Bộ NN&PTNT, sau đó cơ quan này sẽ kiểm tra nếu được sẽ cử cán bộ của Tổng cục Thủy sản đến nước xuất khẩu để kiểm tra, đánh giá từng con tàu.
Điều kiện đối với tàu cá nhập khẩu là phải có nguồn gốc hợp pháp, là tàu vỏ thép, tổng công suất máy chính từ 400 CV trở lên. Tuổi của tàu không quá 8 năm tính từ năm đóng mới đến thời điểm nhập khẩu và máy chính của tàu tính từ năm sản xuất đến thời điểm nhập khẩu không quá 10 năm.
Sau khi kiểm tra thân và máy thì tàu phải qua khâu đăng kiểm, nếu đủ điều kiện mới được nhập.
Ngay cả khi đạt các yêu cầu kỹ thuật trên thì nhập khẩu tàu còn phụ thuộc vào quy hoạch phát triển tàu cá của Bộ NN&PTNT và của từng địa phương. Theo ông Tuấn, đối chiếu với các quy định trên thì đề xuất nhập tàu cũ của Đức Khải và Trí Việt có thời hạn sử dụng trên 15 năm là không phù hợp, không đủ điều kiện nhập khẩu.
Hơn nữa, trong nghị định 67 chỉ có chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân đặt hàng đóng mới tàu, nâng cấp tàu. “Do đó ngay cả trong trường hợp được nhập khẩu thì các đơn vị cũng không được hưởng ưu đãi từ nghị định 67” - ông Tuấn cho biết.
Theo Tuổi trẻ
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập434
  • Hôm nay60,805
  • Tháng hiện tại765,918
  • Tổng lượt truy cập90,829,311
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây