Học tập đạo đức HCM

Không để tình trạng 'chạy' làm người nghèo

Thứ bảy - 07/06/2014 20:25
Cần có những thay đổi trong chính sách để khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo thay vì ngược lại tạo tư tưởng ỷ lại, trông chờ hỗ trợ của nhà nước như hiện nay.

Đây là quan điểm của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại phiên thảo luận hôm qua (7.6) về thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012.

Bỏ “bao cấp, cho không”

Báo cáo của Ủy ban TVQH cho biết từ 2005 - 2012, nhà nước đã dành nguồn ngân sách 860.000 tỉ đồng cho công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN), đã có 10 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn. Chính sách an sinh xã hội đã đến được với hầu hết các hộ nghèo trong cả nước. Theo chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,5% (2012) so với 22% (2005).

Tuy nhiên, tỷ lệ nghèo giữa các vùng, miền còn khoảng cách khá lớn. Đến năm 2012, chỉ có 3 vùng tỷ lệ hộ nghèo dưới 10% là Đông Nam bộ, đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Các vùng có tỷ lệ nghèo cao là miền núi Tây Bắc, miền núi Đông Bắc và Tây nguyên, còn 1/5 số tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo ở mức trên 20%. Tỷ lệ nghèo cao trong đồng bào dân tộc thiểu số là khó khăn, thách thức trong mục tiêu giảm nghèo giai đoạn tới.

Tại phiên thảo luận, các ĐB đánh giá cao việc Đảng, Nhà nước dành một nguồn lực lớn cho công tác XĐGN dù điều kiện kinh tế của đất nước những năm qua còn khó khăn. Tuy nhiên, nhiều ĐB cũng cho rằng cần có chính sách mới cho công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 để sát với thực tế và đảm bảo giảm nghèo bền vững.

ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) cho rằng chương trình XĐGN chưa như mong muốn là bởi có quá nhiều chính sách nhưng chồng chéo, không hiệu quả; nhiều cơ quan quản lý nhưng thiếu một nhạc trưởng. Nhiều ĐB nhận định chính sách giảm nghèo còn mang tính chất chung mà chưa tính đến yếu tố địa bàn đối tượng cụ thể, một số chính sách mang tính chất cho không gây tâm lý ỷ lại. Số hộ nghèo tuy giảm nhanh, nhưng nguy cơ tái nghèo còn cao…

ĐB Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) kiến nghị việc xây dựng chính sách cần có sự phân nhóm: người nghèo kinh niên, tạm thời, từ đó có chính sách hỗ trợ linh hoạt. Nên hạn chế áp dụng cơ chế bao cấp, cho không, chỉ áp dụng trong trường hợp cần thiết. ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) thẳng thắn nhận định những bất cập trong các chính sách hiện tại đã dẫn đến tình trạng ỷ lại. Thậm chí nhiều nơi còn mất đoàn kết khi bình bầu hộ nghèo. ĐB Yến cũng cảnh báo tình trạng trẻ hóa độ tuổi người nghèo là đáng báo động.

Hỗ trợ có điều kiện

Tham gia thảo luận và giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết nhìn thẳng vào sự thật thấy còn nhiều điều chưa hài lòng. Trong đó đặc biệt là việc đầu tư dàn trải tới 16 chương trình mục tiêu quốc gia. Bộ trưởng Vinh cho biết năm 2014 các chương trình mục tiêu quốc gia đã được giảm 50% nguồn lực so với nhu cầu, kế hoạch. Chỉ còn 2 chương trình mục tiêu quốc gia về XĐGN và xây dựng nông thôn mới được giữ nguyên.

Để đồng vốn đầu tư được sử dụng hiệu quả hơn, ông Vinh đề nghị giao quyền cho các địa phương chịu trách nhiệm trước QH, Chính phủ vì đây là nơi nắm rõ nhất việc XĐGN cần triển khai cụ thể đến từng hộ như thế nào. Đề cập đến việc chuẩn nghèo quốc gia đã thay đổi 2 lần kể từ 2005 đến nay, ông Vinh đề nghị cần có chuẩn nghèo chung và nâng chuẩn nghèo lên cho sát với thông lệ quốc tế, việc xây dựng chuẩn này trong 2015 để áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020.

Theo ông Vinh, trong quá trình công tác ở địa phương trước đây ông luôn nhận được phàn nàn từ người dân, chủ yếu đồng bào dân tộc rằng “Chính phủ không công bằng”. “Không công bằng ở cái gì? Khi hỗ trợ tết là cứ ai nghèo cho như nhau, rồi giảm nghèo như nhau. Có những người nghiện hút, lười lao động nhưng được hưởng chế độ chính sách trong khi các hộ cận nghèo lại không được hưởng gì”, ông Vinh nói và đề xuất cần có điều kiện kèm theo chính sách hỗ trợ. “Ban đầu, tôi cho anh 1 - 2 năm hưởng chế độ của người nghèo, cộng lại các chế độ này rất nhiều, anh phải cam kết vươn lên như thế nào và tiêu chuẩn như thế nào mới được hưởng hộ nghèo, không phải cứ thu nhập dưới 400.000 đồng là hộ nghèo”.

Theo Bộ trưởng Vinh, cần có giải pháp tăng cường nhận thức cho người nghèo để họ có ý chí vươn lên thoát nghèo với sự hỗ trợ của nhà nước. "Phải thấy xấu hổ khi có điều kiện nhưng không vươn lên thoát nghèo, trừ trường hợp bệnh tật, thiên tai, gia đình neo đơn, gia đình có công thì ta phải chăm lo”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Chia sẻ quan điểm của ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử đề nghị QH, Nhà nước cũng như chính quyền các địa phương quan tâm công tác đào tạo, nâng cao dân trí cho đồng bào “để họ tự XĐGN chứ không ai làm thay”. Bộ trưởng Giàng Seo Phử cũng đề xuất cần rà soát, xác định lại các trọng điểm về nghèo đói để có chính sách cho các vùng, khu vực cụ thể chứ không phải một chính sách chung. Bên cạnh đó là chính sách ổn định dân cư, chính sách riêng cho vùng biên giới, hải đảo... Các hộ chỉ được hưởng chính sách một lần từ 3 - 5 năm. “Thực tế hiện nay có những hộ được hưởng tới cả ba giai đoạn, tức là kéo dài tới 15 năm, trong khi các hộ cận nghèo thì không được hỗ trợ. Điều này dẫn đến tình trạng tâm lý trông chờ, ỷ lại, xin, thậm chí là “chạy” để được làm người nghèo là điều không thể chấp nhận”, Bộ trưởng Phử nói.

 

Sẽ sáp nhập trung tâm y tế và bệnh viện huyện

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thông tin về các giải pháp mà ngành y tế đã và đang thực hiện để tăng cường lực lượng y bác sĩ ở các tỉnh vùng núi, vùng sâu vùng xa. Bà Tiến cho biết từ 2007 đã tăng chỉ tiêu đào tạo về các loại hình cho miền núi là cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ và đào tạo chính quy. Từ năm 2013 - 2014 trở đi, tỷ lệ bác sĩ ra trường và dược sĩ hằng năm sẽ tăng gần gấp đôi những năm trước.

Để tạo nguồn nhân lực cho y tế tuyến xã, sắp tới Bộ Y tế sẽ tổ chức nhập tất cả các trung tâm y tế huyện và bệnh viện huyện làm một, giảm bớt các đầu mối. Trạm y tế xã sẽ trực thuộc trung tâm y tế, như vậy trung tâm y tế sẽ có thể điều hành lượng bác sĩ ở bệnh viện huyện xuống làm việc ở trạm y tế xã.

Bộ trưởng Kim Tiến cho biết trong tháng 6.2014 Bộ Y tế sẽ ban hành một thông tư để thực hiện Quyết định 14 của Thủ tướng Chính phủ, các bác sĩ tuyến trên từ trung ương, tỉnh, huyện sẽ có nghĩa vụ mỗi năm một lần đi cơ sở, đặc biệt là các bác sĩ giỏi.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã triển khai đề án thí điểm đưa bác sĩ giỏi, đào tạo chuyên khoa xung phong về 63 huyện nghèo, cũng như biển đảo. Bộ trưởng Kim Tiến cũng cho biết đã ban hành đề án bác sĩ tình nguyện có nghĩa vụ phải làm việc ở đó 3 năm đối với nam, 2 năm đối với nữ.

Tr.Sơn

 

Trường Sơn
Theo thanhnien.com.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập236
  • Hôm nay37,412
  • Tháng hiện tại904,923
  • Tổng lượt truy cập90,968,316
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây