Để chăn nuôi trâu, bò hiệu quả, bà con nông dân cần chủ động trồng các giống cỏ có chất lượng tốt.
Cải tạo chất lượng giống
Chất lượng con giống bị thoái hóa, tầm vóc nhỏ, tỷ lệ cận huyết cao là những bất cập chung của ngành chăn nuôi. Do đó, các dự án khuyến nông Trung ương luôn chú trọng việc cải tạo chất lượng giống.
Đơn cử như Dự án chăn nuôi trâu sinh sản quy mô nông hộ đã hỗ trợ trâu đực trên 30 tháng tuổi (trọng lượng trên 420 kg/con), trâu cái trên 24 tháng tuổi (trên 350 kg/con), trâu giống mang nhiều đặc tính ngoại hình của trâu ngố có tầm vóc to. Nhờ đó, đàn nghé sinh ra có trọng lượng sơ sinh bình quân đạt 23 kg/con, cao hơn so với đại trà 2 - 3 kg/con.
Mô hình cải tạo đàn bò bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (TTNT) giúp tăng nhanh tiến bộ di truyền, cải tiến giống, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng thịt; khắc phục sự chênh lệch tầm vóc, khối lượng; tránh lây lan những bệnh truyền nhiễm trực tiếp qua đường phối giống tự nhiên. TTNT còn giúp công tác quản lý Nhà nước về con giống được thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Dự án sử dụng tinh bò đực (thuộc nhóm Zebu, Droughtmaste, BBB) của các cơ sở cung cấp tinh bò đông lạnh đảm bảo. Bò cái nền sinh sản là giống bò vàng Việt Nam có trọng lượng từ 180 kg/con trở lên, hoặc bò cái nền sinh sản Zebu (F1, F2) có ngoại hình đẹp, có trọng lượng từ 220kg trở lên. Do sử dụng tinh bò đực thuộc nhóm Zebu, Droughtmaste và BBB nên khối lượng bê sơ sinh tương đối cao, bình quân đạt 23,54 kg/con, cá biệt có con đạt 30,5 kg/con.
Thông qua việc triển khai các dự án: Chăn nuôi lợn an toàn sinh học và áp dụng Viet GAHP; mô hình áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo kết hợp với thú y cộng đồng nhằm phát triển chăn nuôi lợn theo hướng VietGAP trong nông hộ đã lựa chọn được những giống lợn có năng suất, chất lượng thịt cao, sức kháng bệnh tốt, phù hợp với điều kiện chăn nuôi nông hộ như Duroc, Yorkshire, Landrace, Pietrain, con lai giữa 2 dòng lợn ngoại… Lợn đực giống có lý lịch rõ ràng, được kiểm dịch, có số tai trước khi đưa vào mô hình; có sổ sách theo dõi tình trạng sức khỏe.
Ngoài ra, lực lượng khuyến nông còn đẩy mạnh xây dựng mạng lưới thú y cộng đồng, thành lập mạng lưới thú y cộng đồng tại điểm trình diễn, gồm thú y viên, khuyến nông viên, cộng tác viên thú y và khuyến nông, đại diện cán bộ xã, các hội đoàn thể, hướng dẫn các hộ chăn nuôi phát hiện bệnh sớm, thông báo kịp thời, khoanh vùng dịch để xử lý thú y; hướng dẫn vận chuyển, giết mổ; hướng dẫn người chăn nuôi ghi nhật ký hoặc sổ tay chăn nuôi; khuyến khích người chăn nuôi thực hiện theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình thực hành chăn nuôi tốt.
Thành công của dự án là tăng cường công tác TTNT trong chăn nuôi lợn, giảm tỷ lệ phối giống trực tiếp từ lợn đực giống, hạn chế bệnh truyền lây qua đường sinh dục và đảm bảo đàn lợn con khỏe mạnh, năng suất cao.
Chú trọng an toàn dịch bệnh
Bên cạnh việc cải tạo chất lượng giống, việc triển khai các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được khuyến nông chú trọng. Theo đó, khuyến nông Trung ương và các địa phương đã triển khai dự án xây dựng mô hình phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm quy mô xã; xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc; chăn nuôi gà sinh sản, thủy cầm an toàn sinh học; phát triển chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học và áp dụng Viet GAHP,...
Các giống đưa vào mô hình là những giống có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu người chăn nuôi và vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu (vịt biển); đồng thời đã hỗ trợ máy ấp, máy nở giúp địa phương chủ động con giống. Thông qua tập huấn, bước đầu các hộ nông dân đã nắm được quy trình chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học và áp dụng vào thực tế cho kết quả khả quan. Đàn gia cầm có tỷ lệ nuôi sống cao đến khi vào đẻ đạt trên 93%. Tỷ lệ đẻ, tỷ lệ ấp nở đạt cao hơn yêu cầu của dự án, bước đầu chủ động con giống tại chỗ cho các hộ chăn nuôi, hạn chế nhập lậu gia cầm giống qua biên giới.
Mặt khác, việc áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi sẽ từng bước khống chế đẩy lùi các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia cầm. Tạo môi trường an toàn dịch bệnh trên toàn địa bàn, cung cấp các sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi và phát triển chăn nuôi bền vững.
Hàng năm, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo ở Trung ương và hệ thống khuyến nông địa phương đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn với các hình thức đa dạng, phong phú, như kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn sinh học; kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trên bò, lợn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi; kỹ thuật trồng, chế biến, bảo quản và sử dụng thức ăn thô xanh cho chăn nuôi đại gia súc; các vấn đề về phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm... Kết qủa khảo sát cho thấy, 86% nông dân đánh giá các chương trình đào tạo, tập huấn khuyến nông có nội dung phù hợp và hiệu quả, có tác dụng tốt đối với sản xuất của nông dân và trên 90% bà con đã áp dụng thành công các kiến thức đã học vào sản xuất.
Chuyển đổi phương thức chăn nuôi
Theo bà Hạ Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm tại các tỉnh phía Bắc bền vững, cần có chính sách hỗ trợ để người chăn nuôi từng bước chuyển dần từ chăn nuôi phân tán nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, theo quy hoạch, sản xuất hàng hóa và có kiểm soát. Hướng dẫn người chăn nuôi xây dựng chuồng trại đảm bảo an toàn sinh học đạt tiêu chí theo QCVN.
Tiếp tục tăng cường công tác cải tạo và nâng cao chất lượng con giống trâu, bò thông qua bình tuyển và chọn lọc giữ lại các con giống có chất lượng tốt. Cần đẩy mạnh công tác TTNT, đa dạng hóa về giống, sử dụng tinh bò nhập ngoại (nhóm Zebu, Droughtmaste và BBB) có năng suất và chất lượng cao nhằm cải tạo chất lượng đàn trâu, bò địa phương, phát triển cả quy mô và tầm vóc, định hướng thành ngành sản xuất hàng hóa.
Phát huy một số giống lợn địa phương (lợn đặc sản), chuyển giao giống lợn mới có năng suất, chất lượng tốt và phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở địa phương và cải tạo đàn giống thông qua kỹ thuật TTNT.
Đối với chăn nuôi gia cầm, phát huy một số giống gia cầm địa phương (gà, vịt đặc sản), chuyển giao giống gia cầm mới có năng suất, chất lượng tốt và phù hợp với điều kiện chăn nuôi ở địa phương; tăng cường xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm bố mẹ tại các tỉnh giáp biên nhằm hạn chế nhập lậu giống gia cầm qua biên giới, góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Cần có chính sách hỗ trợ cho các hộ nông dân ngoài việc sử dụng các loại thức ăn hỗn hợp thì sử dụng các loại thức ăn có nguồn gốc sẵn có tại địa phương phù hợp với từng đối tượng gia súc, gia cầm.
Chuyển diện tích sản xuất lương thực kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn thô xanh góp phần thúc đẩy sự phát triển chăn nuôi gia súc. Trồng các giống cỏ có khả năng chịu hạn, chịu rét, chịu được sương muối, phát triển tốt ở vùng núi phía Bắc: Cỏ thân đứng (cỏ voi, cỏ VA06, cỏ voi lai BV1 (cỏ voi lùn); cỏ thân bụi, thân bò (Mulato, B. decumben, Ruzi, B.brizantha, P. TD58, cỏ Ghinê); cây họ Đậu (cây keo dậu); các giống cao lương (Sorghum, Sudan).
Các địa phương cần tăng cường chế biến, bảo quản và dự trữ thức ăn thô, xanh. Cần dự trữ các nguồn thức ăn xanh thu hoạch từ vụ hè thu dưới dạng ủ chua hay phơi khô; tận dụng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, bã sắn, thân cây ngô, dây lang, thân lá lạc... để chế biến.
Hướng dẫn phối trộn thức ăn tinh cho trâu, bò, ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương (sắn khô, sắn lát, bột ngô, cám gạo, khô dầu đậu tương, khô dầu lạc, bột cá, urê, bột keo dậu, rỉ mật, bột xương, muối…).
Cần có chính sách kiểm soát chặt chẽ việc dùng vắc - xin phòng một số bệnh chính cho gia súc, gia cầm và điều kiện vệ sinh phòng bệnh của các trang trại, gia trại. Kiểm soát vận chuyển và giết mổ gia súc, gia cầm. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia giết mổ, chế biến và bao tiêu sản phẩm gia súc, gia cầm.
Tập trung xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, khuyến khích mô hình chăn nuôi quy mô vừa, lớn, xây dựng vùng chăn nuôi theo quy hoạch, tận dụng thế mạnh từng địa phương. Xây dựng các nhóm hộ liên kết trong sản xuất gia súc, gia cầm, đặc biệt hình thành các vùng sản xuất gia súc, gia cầm hàng hóa tại địa phương, tạo chuỗi sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào, chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ.
Khánh Nguyên/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã