Nếu như giống gà ác (gà ô cốt) và những món ăn bổ dưỡng làm từ chúng đã quá quen thuộc với nhiều người, thì giống dê ô cốt đen “từ trong ra ngoài” lại là một loài gia súc khá mới mà ít người biết tới.
Ở Trung Quốc vài năm trước đã bắt đầu xuất hiện một lượng nhỏ cá thể dê ô cốt. Tuy nhiên, vì số lượng của chúng quá ít ỏi nên người ta từng hiểu nhầm rằng chúng bị dị biến do trúng độc. Cho tới năm 2009, sau khi một hộ nông dân bắt đầu chăn nuôi giống dê này, người dân mới hiểu rõ hơn và thay đổi cái nhìn về giống dê này. Chủ hộ chăn nuôi có con mắt tinh tường ấy là anh Trương Phong Văn, 55 tuổi, người Sơn Đông, Trung Quốc.
Không giống những loài dê khác, dê ô cốt có thịt và xương đều màu đen
Giống dê ô cốt có một đặc điểm không thể lẫn với các loài dê khác: xương và thịt của chúng đều có màu đen – màu mang ý nghĩa xui xẻo, kém may mắn trong quan niệm Á Đông nên không ai dám ăn. Sau này, một số người sau khi “đánh liều” ăn thử thịt dê ô cốt mới biết chúng không gây ra bất kỳ tác hại nào. Thành công của lần thử nghiệm này đồng thời cũng thu hút sự chú ý của một vài chuyên gia của trường đại học nông nghiệp Vân Nam. Họ bắt đầu nghiên cứu về dê ô cốt, giúp chúng “xóa tan tiếng xấu”, sau đó còn được ưu ái hơn cả gà ô cốt.
Hiện nay, giá thịt dê ô cốt còn khá đắt: 600 NDT/kg
Nhờ cuộc nghiên cứu, Trương Phong Văn đã nhận ra tiềm năng kinh doanh cực lớn từ giống dê mới này. Anh đặt cọc toàn bộ gia sản để tới huyện Lam Bình, Vân Nam nhập dê giống, trở thành người đầu tiên chăn nuôi dê ô cốt.
Trong 3 năm đầu, anh Văn chỉ tập trung nhân rộng quy mô đàn dê mà không bán con nào. Tới năm 2014, trang trại của anh đã có hơn 1.000 con dê. Lúc đó, số lượng dê ô cốt ở Vân Nam vô cùng ít, một cân thịt của chúng có giá rất đắt, hơn 600 NDT (2 triệu VND). Những tưởng có thể bội thu ngay trong năm ấy nhưng một trận bệnh dịch lại tràn về trang trại. Mỗi ngày, anh Văn phải chi hơn 1.000 NDT tiền thức ăn (3,4 triệu VND). Ngoài 3 triệu NDT (10 tỷ VND) tiền tích lũy, anh còn phải bán nốt mấy căn nhà và mượn thêm tiền người khác.
May mắn thay trong lúc tuyệt vọng nhất, anh Văn vẫn còn một đàn thiên nga đen có giá trị kinh tế cao. Sau khi bệnh dịch kết thúc, anh bắt đầu bán dê ô cốt với giá 3.000 NDT/con (10 triệu VND), thu về tổng cộng hơn 700.000 NDT (2,4 tỷ VND).
Cuối năm 2014, anh Văn bắt đầu quảng bá mặt hàng thịt dê cho các khách sạn cao cấp gần đó. Chỉ trong vòng 1 năm, anh đã bán được gần 1.000 con. Cộng thêm thu nhập từ đàn thiên nga đen, doanh thu mỗi năm của anh đạt hơn 5 triệu NDT(17,3 tỷ VND).
Dần dần, anh Văn bắt đầu hợp tác cùng các nông dân địa phương và giúp họ làm giàu. Từ năm 2016, anh đã xây dựng một khu chăn nuôi ở huyện Lam Bình, Vân Nam. Bên cạnh việc mở rộng quy mô trang trại, mục tiêu tiếp theo của anh là đưa mức giá 600 NDT/kg xuống thấp hơn để thịt dê ô cốt được đến tay nhiều người tiêu dùng hơn.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã