Sản xuất NNHC là một dạng sản xuất dựa trên cơ sở tôn trọng nghiêm ngặt hệ sinh thái, đảm bảo đầu vào sạch, không sử dụng hóa chất trên nền tảng quản trị chia sẻ trách nhiệm, lợi ích, hướng tới việc sản xuất sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, sạch và thân thiện với môi trường. Trên thế giới hiện nay, sản xuất NNHC đang là xu hướng phát triển mạnh bởi ngoài những ưu điểm trên, NNHC còn tiết kiệm năng lượng và mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần phương thức canh tác truyền thống.
Thị trường rộng lớn đang chào đón
Đầu thập kỷ 90 của Thế kỷ trước đã có một số tổ chức phi Chính phủ của các nước đã đến Việt Nam nghiên cứu và đầu tư một số dự án sản xuất NNHC. Ngành NNHC ở Việt Nam bắt đầu phát triển từ dấu mốc này. Đến nay, trên cả nước đã hình thành nhiều mô hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ (SPHC). Hiện có khoảng 30/63 tỉnh, thành triển khai sản xuất NNHC và theo hướng hữu cơ với 59 cơ sở sản xuất. Trong đó, Bến Tre là tỉnh có diện tích trồng trọt hữu cơ lớn nhất với hơn 3.000ha, chủ yếu là dừa và Ninh Thuận với gần 500ha nho, táo, rau.
Nhiều mô hình hợp tác xã đã sản xuất NNHC từ nhiều năm và sản phẩm làm ra đã có sự gia tăng về giá trị như mô hình sản xuất rau ở Lương Sơn (Hòa Bình), chè Shan Tuyết (Bắc Hà, Lào Cai), cam (Hàm Yên, Tuyên Quang)... Về chăn nuôi, nước ta hiện có 2 trang trại chăn nuôi bò sữa hữu cơ quy mô lớn được Tổ chức chứng nhận quốc tế Control Uni-on (Hà Lan) chứng nhận là trang trại bò sữa của Công ty Vinamilk và TH true milk với 1.500 con bò. Đối với vật tư đầu vào, hiện tại, cả nước có khoảng 250 đơn vị sản xuất phân bón hữu cơ, với công suất đăng ký 4 triệu tấn/năm.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường khẳng định: "Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển NNHC". Ông Cường lý giải, nông dân nước ta hiểu và biết canh tác hữu cơ theo cách truyền thống từ hàng nghìn năm nay. Việt Nam cũng là nước có diện tích đất nông nghiệp lớn và tính đa dạng sinh học rất cao. Chúng ta có một thị trường tiêu thụ rộng lớn là 92 triệu dân và khoảng 15 triệu khách du lịch. Thị trường tiêu thụ SPHC đang được mở rộng vì hiện tại, Việt Nam đã xuất khẩu nông sản tới 180 quốc gia trên thế giới. Thực tế, một số sản phẩm NNHC Việt Nam đã được chứng nhận quốc tế và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Phân tích ở góc độ người làm kinh doanh, ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội NNHC Việt Nam cho rằng: "Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để phát triển NNHC, đó là chúng ta đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế trên thế giới, đồng thời tham gia nhiều Hiệp định thương mại khu vực và quốc tế như WTO, FTA, TPP... Những hiệp định này tạo cơ hội cho nông nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường thế giới trong điều kiện đáp ứng đủ các yêu cầu cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất hàng hóa theo quy chuẩn quốc tế. Thị trường tiêu thụ SPHC trên thế giới vẫn giữ được mức phát triển trong khủng hoảng và bước vào giai đoạn mới, quan tâm đến phát triển hữu cơ một cách bài bản".
Bên cạnh đó, Đảng và Chính phủ Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực phát triển một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện môi trường, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, trong đó có NNHC.
Trở ngại từ cơ chế, chính sách
Dù có nhiều tiềm năng và thị trường rộng lớn, nhưng sản xuất NNHC tại Việt Nam hiện vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, tự phát và đang gặp rất nhiều khó khăn. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phân tích: "Đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất NNHC do quy trình sản xuất khắt khe, phải có thời gian khá dài để cải tạo đất, chi phí sản xuất cao, thị trường cho sản phẩm NNHC chưa ổn định. Việt Nam chưa có quy hoạch định hướng về đất cũng như đối tượng sản xuất NNHC. Hạ tầng phụ trợ (chứng nhận, xúc tiến thương mại, cơ chế đầu tư, dịch vụ cung cấp vật tư như phân bón, thức ăn gia súc, thuốc thú y, thuốc trừ sâu...) cho NNHC hầu như còn bỏ ngỏ".
Các doanh nghiệp đã đầu tư tiền vốn, phương tiện, kỹ thuật... làm NNHC đều cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là khuôn khổ pháp luật của nước ta về sản xuất NNHC chưa đủ, chưa rõ ràng, không đồng bộ và chưa khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. "Đến nay vấn đề cơ chế, chính sách, quy chuẩn vẫn là trở ngại lớn nhất. Chưa có văn bản nào về NNHC và SPHC để tạo hành lang pháp lý cho NNHC phát triển" - Ông Hà Phúc Mịch khẳng định.
"NNHC là cơ hội mang lại giá trị kinh tế cao cho sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Muốn phát triển NNHC, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý quy định về canh tác hữu cơ ở Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam phải có quy định và chính sách về canh tác hữu cơ, tiêu chuẩn hữu cơ và chứng nhận sản phẩm NNHC. Hệ thống chứng nhận của Việt Nam phải tương đương với tiêu chuẩn ISO 17011 - quy chuẩn quốc tế đối với các hệ thống chứng nhận. Đồng thời đào tạo về các dự án NNHC cao cấp" - Ông Andre Leu, Chủ tịch Tổ chức các phong trào NNHC trên thế giới (IFOAM) khuyến nghị.
Không chỉ vậy, ở nước ta cũng chưa có hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia, các tổ chức chứng nhận và khung pháp lý đồng bộ cho sản xuất, chứng nhận và giám sát chất lượng sản phẩm NNHC, lòng tin của người tiêu dùng đối với NNHC chưa được đảm bảo. Phí chứng nhận hữu cơ của tổ chức quốc tế quá cao, trong khi đơn vị chứng nhận trong nước lại chưa được hình thành. Đây chính là rào cản của NNHC. "Nếu không ban hành được hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đầy đủ, hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế thì không thể phát triển được NNHC" - Ông Hà Phúc Mịch nhấn mạnh.
Các chuyên gia trong lĩnh vực NNHC còn cho rằng, Nhà nước cũng cần có chính sách ưu tiên dành vốn ngân sách cho các nhà khoa học tâm huyết với NNHC, đào tạo nhân lực, xây dựng cơ chế ưu đãi về vốn vay, thuế cho doanh nghiệp sản xuất NNHC. Các địa phương cũng cần có quy hoạch quỹ đất sạch, đủ lớn để sản xuất NNHC.
Để tạo hành lang pháp lý cho NNHC phát triển, ông Trần Thanh Nam kiến nghị: "Chính phủ giao Bộ NN&PTNT xây dựng đề án phát triển NNHC giai đoạn 2018-2025, xây dựng hành lang pháp lý để công nhận, chứng nhận sản phẩm NNHC, đảm bảo sự minh bạch trong sản xuất NNHC".
Theo Bích Nguyên/bienphong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã