Học tập đạo đức HCM

Tháo gỡ bế tắc, mở hướng phát triển trên quê hương Xô Viết

Chủ nhật - 03/09/2017 04:36
Với nhiều cách làm hay, nhiều địa phương nghèo khó trước đây ở Thanh Chương cũng đã nỗ lực, vượt lên chính mình, cởi bỏ bế tắc trong tư duy và hành động để phát triển mạnh mẽ.

Tròn 87 năm trước, vào tối ngày 31/8, rạng ngày 1/9/1930, với khí thế cách mạng sục sôi, tổ chức Đảng đã lãnh đạo cuộc biểu tình lớn với sự tham gia của hơn 2 vạn nông dân từ 5 tổng trên toàn huyện kéo về huyện đường Thanh Chương với khí thế như “thác đổ, triều dâng" làm cho tri huyện, nha lại, lính tráng phải bỏ chạy. Và ngay chiều ngày 1/9/1930, chính quyền Xô Viết được thành lập ở Thanh Chương.

Lãnh đạo huyện Thanh Chương thăm cơ sở chế biến chè ở xã Hạnh Lâm. Ảnh: Minh Chi
Lãnh đạo huyện Thanh Chương thăm cơ sở chế biến chè ở xã Hạnh Lâm. Ảnh: Minh Chi

Sự kiện lịch sử 1/9/1930 ở Thanh Chương trở thành biểu tượng tinh thần quật khởi của người dân Thanh Chương và trở thành ngày truyền thống của Đảng bộ Thanh Chương. 87 năm qua, mỗi lần kỷ niệm ngày truyền thống của huyện, Đảng bộ và nhân dân Thanh Chương lại có thêm động lực, ý thức trách nhiệm lớn hơn trước yêu cầu phát triển của quê hương.

Thanh Thủy, một xã biên giới giáp nước bạn Lào, trước đây, kinh tế chủ yếu là “tự cung tự cấp”, nay nhờ giao thông, hạ tầng phát triển đã thực sự giúp cán bộ, nhân dân ở đây được mở mang nhận thức, phá cái tắc trong tư duy để làm ăn lớn. Nói làm ăn lớn, bởi ở Thanh Thủy bây giờ có nhiều hộ có cả mấy héc-ta chè, hàng chục héc-ta keo, chăn nuôi trâu, bò đàn hàng chục con, hàng trăm con lợn, gà...

Theo tính toán của người dân Thanh Thủy, mỗi héc ta chè mỗi năm cũng có khoảng 70 triệu đồng và mỗi héc ta rừng nguyên liệu giấy trồng trong vòng 4 - 5 năm, trừ chi phí cũng thu về 50 triệu đồng. Có những hộ hiện sở hữu 15 - 20 ha rừng, trong vòng 4 - 5 năm có khoảng trên dưới 1 tỷ đồng; hộ sở hữu 2 - 5 ha chè, mỗi năm đã có thu nhập 150 - 350 triệu đồng.

Nông dân Thanh Chương thu hoạch chè. Ảnh: Huy Thư
Nông dân Thanh Chương thu hoạch chè. Ảnh: Huy Thư

Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy Phan Duy Trinh, cho rằng: Ở thời kỳ lo cho đủ cái ăn thì Thanh Thủy được liệt vào diện khó khăn khi đất đai nông nghiệp ít, bạc màu, chủ yếu là rừng núi. Bây giờ cái ăn không còn phải lo nữa, Thanh Thủy lại có những lợi thế để phát triển kinh tế hàng hóa. Ngoài việc ổn định 430 ha chè kinh doanh hiện có và 3.000 ha rừng nguyên liệu, Thanh Thủy đang tập trung đưa cây cam vào sản xuất theo đề án và quy hoạch phát triển một số cây trồng hàng hóa, tạo vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm của huyện.

Thời điểm này toàn xã đã trồng được 6 ha cam. Đồng thời đẩy mạnh phát triển trâu, bò, lợn, gà với việc hình thành các trang trại, gia trại. Điển hình như hộ ông Nguyễn Sỹ Thìn nuôi gần trăm con bò và nhiều hộ nuôi từ 10 - 70 con. Bên cạnh đó, bà con mạnh dạn phát triển dịch vụ dọc tuyến đường Hồ Chí Minh và đường Hồ Chí Minh nối dài về Nam Đàn quê Bác. Hiện trên địa bàn xã đã có 7 hộ trực tiếp làm dịch vụ thu mua chè búp, gắn với chế biến và tiêu thụ chè, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng tiền lãi. Và trong tương lai không xa, khi cửa khẩu Thanh Thủy thông thương và tuyến đường cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội đi qua Thanh Thủy đưa vào sử dụng, chắc chắn sẽ tạo đà cho Thanh Thủy phát triển “bứt tốc”. 

Cùng là địa bàn rừng núi chiếm phần lớn, những năm gần đây, Hạnh Lâm đã biết biến hạn chế thành lợi thế, tập trung phát triển kinh tế đồi rừng, trong đó cây chè và cây nguyên liệu giấy là 2 cây trồng chủ lực. Riêng với cây chè từng bước đưa giống mới, có năng suất và chất lượng tốt thay thế các giống chè địa phương, gắn với ứng dụng KHKT vào chăm sóc và thu hoạch, chế biến, tạo giá trị cao hơn cho cây chè. Đây cũng là địa phương phát triển mạnh về đàn trâu bò, với tổng đàn hiện có 3.800 con. Đã xuất hiện nhiều hộ nông dân làm kinh tế trang trại hiệu quả, như gia đình ông Phan Đình Liên (xóm 1) trồng 15 ha chè, cây nguyên liệu giấy và hàng chục trâu, bò, lợn, hàng trăm gà đồi; hay gia đình ông Nguyễn Văn Điệm nuôi 65 con bò và cả chục ha chè, cây nguyên liệu giấy... 

Bí thư Đảng ủy xã Trần Văn Hiếu, khẳng định: Nhận thức, tư duy của cán bộ, đảng viên và người dân Hạnh Lâm đang được nâng lên. Minh chứng rõ nhất là Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đã, đang được cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và nhân dân tích cực triển khai rất hiệu quả. Hiện, Hạnh Lâm đã hoàn thành 15/19 tiêu chí để phấn đấu đến cuối năm 2017, xã về đích nông thôn mới.  

Phối cảnh bến thuyền trong dự án Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau (xã Thanh An - Thanh Chương). Ảnh tư liệu
Phối cảnh bến thuyền trong dự án Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau (xã Thanh An - Thanh Chương). Ảnh tư liệu

Nhiều địa phương nghèo khó trước đây ở Thanh Chương cũng đã nỗ lực, vượt lên chính mình, cởi bỏ bế tắc trong tư duy và hành động để phát triển mạnh mẽ như Thanh Liên, Thanh Tiên, Đồng Văn, Thanh Văn,... Bộ mặt nông thôn Thanh Chương theo đó đang khởi sắc từng ngày. Ngoài hệ thống đường Hồ Chí Minh, đường Hồ Chí Minh nối dài về quê Bác, Quốc lộ 46, cầu cứng Dùng, cầu Rộ, cầu Rạng “nối những bờ vui”, thì một số tuyến đường trên địa bàn nâng cấp thành Quốc lộ 7B, Quốc lộ 46C, Tỉnh lộ 533; gần 700/800 km đường nội thôn, nội xóm được nhựa và bê tông hóa thông qua chương trình xây dựng NTM, đã, đang rõ dần lên bộ mặt nông thôn tươi đẹp và văn minh. 

Theo đồng chí Nguyễn Văn Quế - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, trên tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Chương khóa XXIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, với quyết tâm chính trị lớn của Đảng bộ và nhân dân toàn huyện, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thanh Chương đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trên nhiều mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng Đảng, hệ thống chính trị các cấp.

Một số cây, con được huyện xác định là chủ lực: Chè, sắn, cam V2, bưởi Diễn; trâu, bò, lợn tiếp tục tăng giá trị thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của một bộ phận lớn người dân. Đặc biệt gà cỏ Thanh Chương đã được công nhận thương hiệu tập thể. Song song với nông nghiệp, trên cơ sở một số dự án hiện có, huyện tiếp tục thu hút một số dự án mới như dự án Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng cầu Cau, có tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng; dự án nhà máy chất đốt sinh khối dạng viên nén tại xã Thanh Hương; phối hợp cùng với Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh khảo sát dự án chăn nuôi gà theo dây chuyền công nghệ hiện đại châu Âu tại xã Thanh Xuân, có tổng mức đầu tư 40 triệu Euro... Đây là hướng mở cho sự phát triển mới trên quê hương cách mạng Thanh Chương thời gian tới.

Theo Minh Chi/Báo nghean.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập353
  • Hôm nay54,126
  • Tháng hiện tại759,239
  • Tổng lượt truy cập90,822,632
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây