Giấc mơ chung của tất cả thành viên Công ty CP Tập đoàn PAN (The PAN Group), do ông Nguyễn Duy Hưng dẫn đầu, là đưa ngành nông nghiệp Việt Nam ra thế giới, nuôi dưỡng thế giới với chất lượng tốt nhất.
Chọn đối tác để cùng thực hiện giấc mơ
Từ một "ông trùm" chứng khoán, ông Nguyễn Duy Hưng đã bước một chân sang lĩnh vực nông nghiệp từ 5-6 năm trước. Hiện The PAN Group là tập đoàn nông nghiệp và thực phẩm hàng đầu cả nước với hơn 10 thành viên là công ty con và công ty liên kết, sở hữu các thương hiệu uy tín như: PAN Farm, PAN Food, PFM (chế biến thực phẩm), Lafooco (chế biến, xuất khẩu hạt điều), PAN Saladbowl (trồng và xuất khẩu hoa tươi), AQUATEX BENTRE (chế biến, xuất khẩu thủy sản), Vinaseed (giống cây trồng), Bibica (bánh kẹo), 584 Nha Trang (nước mắm), Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN)…
Ông Nguyễn Duy Hưng
Đặc biệt, với cam kết tạo lập giá trị bền vững cho nông dân, mọi gia đình và xã hội bằng cách cung cấp những sản phẩm đáng tin cậy với chất lượng vượt trội, The PAN Group đã đạt được mức tăng trưởng bình quân doanh thu ngoạn mục, gần 80%/năm trong 5 năm qua, quy mô tổng tài sản lên tới 7.600 tỉ đồng tính đến hết quý II/2018 và doanh thu năm 2018 ước đạt 8.786 tỉ đồng.
Dấu ấn quan trọng để The PAN Group đi xa hơn chính là việc vừa chính thức hợp tác với Tập đoàn Sojitz của Nhật Bản, thông qua phát hành 10% cổ phần, thu về 817,4 tỉ đồng, từ đó nâng vốn điều lệ từ 1.202 tỉ đồng lên 1.336 tỉ đồng.
Trả lời câu hỏi vì sao chọn Sojitz làm đối tác trong giai đoạn này, ông Nguyễn Duy Hưng cho biết đã có nhiều đối tác đặt vấn đề nhưng có lẽ ông có duyên cũng như lòng tin rất lớn với người Nhật. Đặc biệt, Sojitz là tập đoàn thương mại lớn, đầu tư đa ngành nghề trên toàn cầu gồm 440 công ty con và công ty liên kết, với tổng doanh thu đạt 16,2 tỉ USD, tài sản 21 tỉ USD. Họ cũng không sở hữu thương hiệu nên không phải lo đến việc thâu tóm hay "đè bẹp" thương hiệu PAN. Ngoài ra, vì có hệ thống phân phối khắp các nước nên Sojitz cam kết hỗ trợ đưa thương hiệu Việt của PAN ra thế giới nhanh nhất.
Một khu nông nghiệp công nghệ cao của The PAN Group
Ngoài góp vốn, hai bên còn thành lập ủy ban hợp tác, tập hợp các chuyên gia đầu ngành từ phía Việt Nam và Nhật Bản hình thành, thúc đẩy việc triển khai các dự án nông nghiệp và thực phẩm của hai bên tại Việt Nam, cũng như tại các nước khác trong khu vực.
M&A (mua bán và sáp nhập) là chiến lược cốt lõi được xác định ngay từ khi bắt tay làm nông nghiệp, ông Nguyễn Duy Hưng khẳng định chưa bao giờ có suy nghĩ thâu tóm để quản trị độc quyền doanh nghiệp (DN) nào mà với ông, những gì của họ là của mình, về một nhà là để cùng nhau thực hiện giấc mơ chung. Vì vậy, ông phải chọn được những đối tác có cùng phong cách (style), cùng giấc mơ.
"Ông trùm" chứng khoán khẳng định để đạt được giấc mơ nâng tầm nông nghiệp Việt, ông hay The PAN Group không thể làm một mình mà có khi là câu chuyện của nhiều người cùng thực hiện trong nhiều chục năm, thậm chí trăm năm.
Bán cái thế giới cần
Trong câu chuyện về định hướng đưa nông sản Việt ra thế giới, ông Nguyễn Duy Hưng không ngại nói về thực trạng khó khăn hiện nay là nền nông nghiệp của chúng ta còn lạc hậu, sản xuất manh mún. Và để từ manh mún đến công nghiệp là rất khó. Quan trọng hơn, nhân sự làm nông khan hiếm dù đóng vai trò quan trọng, quyết định thành công hay thất bại.
"Một kỹ sư giỏi, một người có chuyên môn, học thức chưa chắc phối hợp và kết hợp tốt với nông dân. Do đó, mở rộng diện tích, sản lượng sau khi đã xây dựng sản phẩm thành công cũng là câu chuyện đau đầu. Tuy vậy, văn hóa DN ở The PAN Group là mọi người thống nhất vận hành bộ máy theo tiêu chí "hệ thống kiểm soát con người chứ không phải xây dựng ra hệ thống phù hợp với con người hiện có". Ai không đáp ứng được yêu cầu thì vui vẻ đứng ra chỗ khác để bộ máy vận hành tốt hơn" - ông Hưng nhấn mạnh.
Chia sẻ về lộ trình thực hiện ước mơ của The PAN Group, ông Nguyễn Duy Hưng cho rằng khi sản xuất hàng hóa, chúng ta phải bán cái người tiêu dùng cần, đi tận cùng để tìm ra sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao chứ không đi bán cái mình có một cách chuyên nghiệp rồi tự hào và cho là tốt. Ở The PAN Group, tất cả hoạt động đều đưa đến sản phẩm chất lượng, đa dạng, giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như định hướng xuất khẩu để tăng doanh thu.
Khi có người đặt vấn đề rằng phải chăng The PAN Group đang chạy theo doanh số mà chưa đẩy mạnh phát triển thương hiệu Việt ra thế giới, ông Nguyễn Duy Hưng lý giải: "Chúng tôi có thể nói rằng ước mơ là mục tiêu và hiệu quả trong sản xuất - kinh doanh là con đường. Nếu không có con đường thì ước mơ rất khó đạt được và sẽ chết yểu. Trong câu chuyện này, doanh thu, hiệu quả kinh doanh chính là con đường đúng nhất để chạm tới ước mơ".
Với quan điểm này, The PAN Group đã nỗ lực gia tăng giá trị hàng hóa của mình bằng việc đa dạng hóa sản phẩm chất lượng cao để cung cấp ra thị trường. Điển hình như thành viên của PAN đã xây dựng vùng nguyên liệu điều hữu cơ (organic) với kỳ vọng sẽ có nhiều sản phẩm xuất khẩu chứ không chỉ bán điều thô. Hay một thành viên khác đầu tư công nghệ cao để chỉ mất 6 tháng trồng hoa đã được thị trường Nhật Bản chấp nhận, trong khi những DN khác phải mất hơn 10 năm.
Đặc biệt, theo kế hoạch, sau khi hợp tác với Sojitz, PAN sẽ nuôi cá tra công nghiệp với diện tích lớn, giảm chi phí giá thành để đẩy mạnh xuất khẩu; gia tăng sản xuất, chế biến gạo xuất khẩu và làm bánh kẹo theo dây chuyền, công nghệ, chất lượng Nhật Bản.
Ông Nguyễn Duy Hưng cho biết hiện nay, sản phẩm của The PAN Group từ bánh kẹo, hạt điều, thủy hải sản tươi sống, thực phẩm chế biến đến gạo, nước nắm, rau, hoa tươi.… có thể đáp ứng nhu cầu cho mọi người trong cuộc sống hằng ngày. Điều này cho thấy ước mơ nuôi dưỡng thế giới của thủ lĩnh The PAN Group đã phần nào thành hiện thực. Tuy vậy, trong câu chuyện thành quả, ông vẫn nhắc đi nhắc lại: "Thành công hôm nay chỉ là quá khứ, đừng ru ngủ trước những thành công đã qua, tất cả những điều cần làm là ở phía trước".
Chưa bao giờ có quan điểm dựa vào nhà nước!
Ông Nguyễn Duy Hưng đã làm được điều mà rất ít DN nào làm được cho ngành nông nghiệp nước nhà hiện nay, vì thế chúng ta có thể kỳ vọng và dõi theo The PAN Group trong những bước đường xây dựng ước mơ trong thời gian tới.
"Chúng tôi chưa bao giờ có quan điểm làm nông nghiệp là phải xin tiền của nhà nước; cũng không có ý định xin đất, xin dự án hay dựa vào nhà nước lấy đất của dân để làm dự án cho mình. Chúng tôi xác định là đầu tư vào DN, hợp tác với nông dân để cùng thực hiện ước mơ của mình" - ông Nguyễn Duy Hưng khẳng định.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã