Chúng tôi tìm về làng dưa Mỹ Lộc xem nông dân trồng dưa hấu vào những ngày Tết Nguyên đán áp sát sau lưng. Với người dân Nam Bộ, không ai không biết đến dưa hấu Mỹ Lộc bởi chất lượng thơm ngon. Một thời, dưa hấu Mỹ Lộc là chọn lựa đầu tiên làm quà biếu nhau để chưng 3 ngày tết.
Bỏ lúa, trồng dưa
Ông Nguyễn Văn Sơn trên đồng dưa hấu Mỹ Lộc đang chờ ngày thu hoạch. Ảnh: T.Đ
"Ông Tư Sơn là nông dân chính hiệu. Năm 2015, ông vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích trong phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi”. Ông Đặng Tấn Cường - |
Trên cánh đồng sau nhà, ông Tư Sơn chen chân giữa những quả dưa hấu lố nhố căng tròn để tỉa chèo. “Vài hôm nữa thương lái sẽ đến thu mua dưa hấu để phục vụ thị trường tết. Cùng với thanh long, dưa hấu là loại trái mang lại nhiều lợi nhuận” - anh Tư Sơn bộc bạch.
Chúng tôi ngồi bệt trên đồng dưa mà tán gẫu. Cũng chính trên đồng đất này, cây lúa từng là nỗi thất vọng với ông Tư Sơn, khi làm quần quật quanh năm vẫn thiếu trước, hụt sau.
“Năm 1988, tôi đi bộ đội về, nhìn cảnh gia đình một nắng hai sương với cây lúa mà xót lòng. Tết năm ấy, một người bạn rủ tôi đi mua dưa hấu ở Tầm Vu (Long An) về bán kiếm ít đồng xoay xở 3 ngày tết. Sau tết, tôi cứ suy nghĩ mãi, sao nông dân trồng dưa hấu chỉ một vụ tết mà khá giả còn mình cày ải quanh năm trồng lúa vẫn không đủ ăn?” - ông Tư Sơn thổ lộ.
Thế là ông đi Tân Trụ (Long An) học trồng dưa hấu nuôi ý định đổi đời. Vụ Tết Nguyên đán 1989, ông Tư Sơn lấy 2 công đất nhà đang trồng lúa (2.000m2) lên giồng trồng dưa hấu. Vụ dưa ấy, Ba Sơn trúng đậm, năng suất gần 4 tấn/công.
“Cả xã chỉ có mình tôi trồng dưa hấu, nên đâu có đủ dưa bán cho bà con. Tết năm ấy gia đình tôi ăn tết to vì lợi nhuận từ vụ dưa mang lại. Tôi tính lợi nhuận gấp hơn chục lần trồng lúa” - ông Tư Sơn cười vui.
Thấy làm dưa hấu tết sống được, ông Tư Sơn nâng dần diện tích sản xuất. Đến năm 2012, diện tích trồng dưa của ông đã lên tới 7ha. Thậm chí, thiếu đất sản xuất, ông phải sang xã Phước Hậu để thuê đất trồng dưa hấu.
Nông dân Mỹ Lộc chăm sóc đồng dưa hấu tết. Ảnh: T.Đ
Ngay sau vụ dưa hấu tết, ông Tư Sơn cho xuống giống trồng dưa gang để tận dụng phân, thuốc dư thừa trên đồng. Theo ông Đặng Tấn Cường - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Lộc, ông Tư Sơn “thắng” những vụ dưa như thế này, vì gần như không mất tiền đầu tư phân, thuốc.
“Trồng dưa hấu khá tốn công, nhất là cho thụ phấn. Khi hoa nở phải hái hoa đực cho thụ phấn hoa cái. Thời gian thụ phấn tốt nhất trong ngày khoảng 3 - 4 tiếng vào buổi sáng. Công việc này phải làm thủ công” - ông Tư Sơn cho biết. Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề trồng dưa nên tỷ lệ trái loại một (4 - 6kg/trái, chắc ruột) của ông đạt 80% trên tổng số lượng thu hoạch, doanh thu rất tốt.
Vụ tết năm nay, ông Tư Sơn trồng hơn 4ha dưa hấu mặt trời đỏ không hạt. Ông tính, năng suất mỗi ha dưa khoang 30 tấn, trừ đi chi phí đầu tư khoảng 100 triệu đồng/ha, lợi nhuận thu về khoảng 200 triệu đồng. “Mỗi vụ dưa hấu tết mất 60 ngày. Trừ đi hết các chi phí tôi cũng kiếm khoảng 500 triệu đồng/vụ dưa” - Tư Sơn nói.
Thấy ông Tư Sơn “hốt tiền” từ các vụ làm dưa hấu tết, nhiều nông dân trong xã và các vùng lân cận cũng làm theo. Theo ông Cường, tết năm nay, xã Mỹ Lộc có khoảng 80 hộ nông dân trồng 35ha dưa hấu.
Thương hiệu trong lòng thị hiếu
Hiện ở miền Nam, vào vụ tết khá nhiều địa phương trồng dưa hấu. Riêng trên địa bàn tỉnh Long An, dưa hấu tết được trồng tại các huyện: Tân Trụ, Châu Thành… Tuy nhiên, theo đánh giá, chưa nơi nào trồng dưa hấu chất lượng vượt được dưa hấu Mỹ Lộc.
“Dưa hấu Mỹ Lộc có chất lượng thơm ngon, để được lâu, có lẽ do đồng đất này rất thích hợp cho cây dưa” - ông Tư Sơn nhận xét.
Tận dụng vốn đất thiên nhiên ưu đãi, năm 2012, ông Tư Sơn chuyển sang làm dưa hấu sạch khi nhận được chứng nhận VietGAP. Ông thổ lộ, muốn sản xuất ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh cho người tiêu dùng, cũng như đưa trái dưa hấu Mỹ Lộc tiếp cận thị trường khó tính hằng ngày chứ không chỉ 3 ngày tết.
“Từ năm 2012, tôi đã thực hành trồng dưa hấu theo hướng an toàn. Sau 45 ngày, dưa hấu sẽ không còn phun xịt thuốc để đến ngày 60 thu hoạch, lúc bấy giờ dư lượng phân, thuốc không còn trên trái nữa” - ông chia sẻ.
Tuy nhiên, ước muốn như thế, nhưng thực tế trái dưa hấu Mỹ Lộc cho đến giờ vẫn chưa được bay xa. Theo ông Tư Sơn, một phần là do thương hiệu “Dưa hấu Mỹ Lộc” được ngành nông nghiệp địa phương xây dựng từ năm 2012 nhưng đến giờ vẫn chưa xong.
Lý giải cho nguyên nhân này, ông Đồng Quang Đôn - Trưởng phòng NNPTNT huyện Cần Giuộc - cho rằng, do diện tích trồng dưa chưa ổn định, phụ thuộc giống; do chưa thành lập được HTX; mỗi năm chỉ một vụ, tâm lý nông dân trồng dưa cũng chưa muốn bởi đầu ra hiện nay của dưa chưa tốt…
“Vì những nguyên nhân này mà chưa thể xây dựng thương hiệu cho dưa hấu Mỹ Lộc. Thực tế dưa đã có thương hiệu trong lòng người tiêu dùng lâu nay. Sớm muộn gì, ngành nông nghiệp cũng sẽ xây dựng thương hiệu cho dưa hấu Mỹ Lộc” - ông Đôn chia sẻ.
Hiện với ông Tư Sơn “không có mợ thì chợ vẫn đông”. Năm nào cũng vậy, trước Tết Nguyên đán vài ngày là đồng dưa của ông cũng sạch trái.
THeo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã