Năm 2017, với sự hoàn thành đúng tiến độ 44 hoạt động, Dự án Phát triển nông nghiệp Hà Tĩnh (PTNN) tiếp tục góp phần quan trọng giúp tỉnh thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Trong đó, với chiến lược hỗ trợ rút dần, các mô hình chuỗi giá trị sản phẩm bắt đầu được người dân làm chủ, khẳng định được tính bền vững. Đến nay, mô hình sản phẩm lúa có 400ha được sản xuất thành cánh đồng lớn, với 2 giống lúa chủ yếu là Bắc Thơm số 7 và P6.
Bà Nguyễn Hoài Châu – cán bộ cao cấp Đại sứ quán Canada tại Việt Nam: BQL dự án Hà Tĩnh cần thu thập số liệu cụ thể hơn nhằm phản ánh những tác động tích cực của dự án tới đời sống nhân dân. Việc sản xuất đã liên kết với thu mua, chế biến và tiêu thụ, tổ chức sản xuất thành THT, HTX. Dự án cũng đã hỗ trợ xây dựng 7 chiến lược kinh doanh rõ ràng cho các HTX sản xuất nhằm tạo sự chủ động trong kinh doanh thời gian tới. Năm 2017, mô hình chuỗi giá trị sản phẩm chè tiếp tục được hoàn thiện, khẳng định tính hiệu quả và bền vững. Dự án tiếp tục cấp chứng chỉ VietGap cho 504 ha của 1.248 hộ tại Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh. Ngoài ra, mô hình chuỗi giá trị sản phẩm rau và lợn cũng tiếp tục được hỗ trợ phát triển hiệu quả.
Giám đốc Công ty chè Hà Tĩnh Trần Công Lệ: Việc phủ sóng VietGAP của dự án thời gian qua đã giúp nâng cao chất lượng sản phẩm chè Hà Tĩnh, qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao thu nhập cho người trồng chè. Trên cơ sở những kết quả đạt được và những hoạt động chưa hoàn thành, BQL Dự án PTNN Hà Tĩnh đề xuất điều chỉnh kế hoạch phù hợp tình hình thực tiễn để nâng cao hiệu quả hoạt động. Đồng thời, điều chỉnh thời gian hoàn thành các công trình hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ chuỗi chè, chuỗi lợn đến giữa tháng 6/2018. Tại hội nghị, bà Kate Reekie - Trưởng Ban hợp tác phát triển bày tỏ sự vui mừng về những kết quả mà dự án Hà Tĩnh đạt được trong năm qua, nhất là 2 chuỗi giá trị sản phẩm chè và lúa. Bà Kate Reekie hy vọng, việc thực hiện chiến lược rút lui tiếp tục được thực hiện hiệu quả, nhất là chuyển giao tài liệu các quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm lúa gạo, lợn. Bà Kate Reekie cũng đồng ý về đề xuất gia hạn thời gian thực hiện một số công trình của Hà Tĩnh. Hy vọng, trong những tháng cuối cùng, dự án khắc phục những hạn chế, khó khăn, tiếp tục thực hiện hiệu quả các hoạt động. Nhất là việc nhân rộng mô hình chuỗi lúa gạo, năng lực tự chủ về tài chính của các HTX.
Bà Kate Reekie: Canada có rất nhiều hoạt động hỗ trợ khác trên các lĩnh vực khác nhau, chúng tôi sẽ xem xét và có chương trình hỗ trợ khác phù hợp với thực tế tình hình tại Hà Tĩnh. Phía Canada cũng mong muốn UBND tỉnh Hà Tĩnh sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục giúp dự án giải ngân nguồn vốn hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng cho các vùng dự án, chậm nhất là phải hoàn thành trước 15/6/2018. Đề nghị UBND tỉnh ra quyết định để Sở NN&PTNT thể chế hoá cơ sở dữ liệu, tiếp tục phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị sau khi dự án kết thúc.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh khẳng định, kết quả đạt được của Dự án PTNN Hà Tĩnh đã góp phần trong thành công chung của ngành NN&PTNT Hà Tĩnh thời gian qua. Xung quanh những vấn đề phía Canada đề cập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định sẽ sớm chỉ đạo các ngành liên quan tháo gỡ, giải quyết và bắt tay thực hiện hoàn thiện đúng thời gian yêu cầu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, nông nghiệp là lĩnh vực mà tỉnh đang tập trung ưu tiên phát triển, tuy nhiên do yếu tố bất lợi về thời tiết nên rủi ro trong sản xuất rất cao, hy vọng tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của Canada trên các lĩnh vực, nhất là nông nghiệp. Theo baohatinh.vn |