Ý tưởng tốt…
Ông Trần Thanh Hải- Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, nói là “xử lý sự cố thương mại” nghe to tát song Tổ này nếu được phép hình thành sẽ là một ý tưởng tốt, giúp tháo gỡ khó khăn, khúc mắc và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong quá trình xuất khẩu (XK) nông thủy sản. “Các vấn đề như hàng hóa bị thị trường cảnh báo, trả lại, thu giữ hay vấn đề ách tắc nông sản ở cửa khẩu qua biên giới…, qua Tổ công tác này sẽ được thu về một mối nhằm giải quyết nhanh nhất, hiệu quả nhất để gỡ khó cho DN XK”-ông Hải nói.
Cụ thể, thông qua Tổ này, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các công tác trọng tâm trong việc đàm phán, mở rộng thị trường cho các ngành hàng và thị trường trọng điểm. Hệ thống tiêu thụ và các cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam tại nước ngoài qua đó cũng nắm rõ được những nội dung cụ thể, từ đó hướng tới hỗ trợ cho doanh DN, hỗ trợ phát triển thị trường.
Các doanh nghiệp chưa tin tưởng
Trao đổi với NTNN, ông Phạm Vũ Hà-Tổng thư ký Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, cái gốc của việc nông sản ứ đọng không tiêu thụ được hiện nay do người nông dân, DN đang “mù tịt” về thị trường, trong khi các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ sản xuất đến tiêu thụ chỉ làm nửa vời, chung chung, hình thức. “Tổ công tác mà Bộ Công Thương kiến nghị thành lập sẽ không có đủ lực để giải quyết các vấn đề tồn tại của XK nông sản hiện nay”- ông Hà khẳng định.
Ông Hà ví dụ, XK nông sản qua biên giới liên quan rất nhiều đến biên phòng, hải quan, chính quyền địa phương hai bên biên giới chứ không chỉ là việc kiểm tra, kiểm soát. Thuế XK nông sản hiện nay đều là 0% nên vấn đề mấu chốt trong quan hệ thương mại này chỉ còn là cung-cầu, nếu không được hỗ trợ thông tin, hạ tầng một cách thực sự cho hình thức thương mại này thì ách tắc nông sản của ta qua biên giới sẽ không thể chấm dứt. Ngoài ra, chúng ta lại không thẩm định được các thông tin về thị trường của Trung Quốc, không có thông tin dẫn giải chính thống từ Nhà nước nên “bại” là điều khó tránh.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản (VASEP) cũng nêu thực tế: DN của ta hiện nay hầu như không nắm rõ thông tin về mùa vụ, cung-cầu trên thị trường. Các thông tin phần lớn là một chiều trong khi có hiểu diễn biến thị trường chính xác thì DN mới có thể phản ứng kịp thời được. Nếu Bộ Công Thương và các tham tán cung cấp cho DN các thông tin chính xác, thường xuyên về từng mặt hàng thì khó có thể xảy ra ùn ứ, ách tắc với nhiều mặt hàng nông sản như hiện nay.
Chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng cũng cho rằng, chúng ta không thể khảo sát thị trường trong bốn bức tường với các cuộc họp mãi được. Tổ công tác của Bộ Công Thương có thể bắt tay vào việc tổ chức sản xuất nông sản trong nước theo thị trường được không? “Chúng ta đang sản xuất nông sản không theo nhu cầu của thị trường nên ách tắc là đương nhiên. Lâu nay, việc khuyến cáo nông dân sản xuất phù hợp với thị trường chưa làm được. Nông dân làm theo khuyến cáo cũng không bán được sản phẩm. Vậy cả DN, nông dân, cơ quan quản lý đều “có vấn đề”-ông Thắng phân tích.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã