Hội thảo là diễn đàn mở để đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học và các nhà báo trao đổi và thảo luận về các nội dung liên quan đến tiến trình ứng dụng công nghệ sinh học nói chung và cây trồng biến đổi gen (BĐG) nói riêng trong nông nghiệp tại Việt Nam.
Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam xác định việc phát triển và ứng dụng cây trồng BĐG là nhiệm vụ quan trọng của chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp quốc gia. Theo chủ trương của Chính phủ về “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”, Việt Nam hướng tới năm 2015 sẽ đưa một số giống cây trồng BĐG vào sản xuất và đến năm 2020 sẽ nâng diện tích trồng các giống cây BĐG lên đến 30-50%.
Mới đây, Bộ NN&PTNT đã cấp giấy chứng nhận cho 4 giống ngô BĐG đủ điều kiện làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và Bộ Tài nguyên Môi trường cấp giấy chứng nhận An toàn sinh học cho 4 giống ngô BĐG (giống Bt 11 và MIR162 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam và MON 89034 và NK603 của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam).
Đây được xem là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, hiện thực hóa chủ trương đưa cây trồng BĐG vào canh tác tại Việt Nam trong năm 2015.
Tuy nhiên, khái niệm về cây trồng BĐG, những giá trị mà loại cây trồng này mang lại cũng như những đóng góp và tác động của nó vẫn là đề tài khá mới mẻ đối với đại đa số công chúng trong nước.
Mặc dù lợi ích của việc ứng dụng công nghệ BĐG đối với cây trồng đã được khoa học và thực tế chứng minh, tuy nhiên vẫn còn không ít ý kiến trái chiều về lợi ích và sự an toàn của việc ứng dụng công nghệ này như: ảnh hưởng đến sức khỏe con người, cây trồng lương thực truyền thống….
Cây trồng BĐG được khẳng định là một trong những thành tựu khoa học nổi bật của nhân loại. Cây trồng BĐG hiện là lựa chọn của 18 triệu nông dân trong canh tác nông nghiệp ở 29 nước trên thế giới, và 61 quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép sử dụng cây trồng BĐG làm thực phẩm.
Trong 17 năm qua, diện tích canh tác cây trồng BĐG tăng gấp hơn 100 lần, từ 1 triệu 700 nghìn ha vào năm 1996 lên 175 triệu ha vào năm 2013. Là quốc gia đang phát triển, Việt Nam xác định phát triển và ứng dụng cây trồng BĐG là nhiệm vụ quan trọng của chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp quốc gia.
Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: “Các cơ quan báo chí truyền thông phải truyền tải thông tin một cách đầy đủ đến người dân là yếu tố quan trọng nhất. Muốn làm được điều này chính các phóng viên, nhà báo cũng như các cơ quan quản lý về báo chí và truyền thông phải có định hướng trong việc thông tin cũng như tạo điều kiện để phóng viên của mình tiếp cận thông tin cây trồng BĐG ở Việt Nam như thế nào. Nếu không có những thông tin và am hiểu về lĩnh vực này thì thông tin đưa đến người dân nói chung và nông dân nói riêng sẽ không đầy đủ và toàn diện, thậm chí là sai lệch thông tin”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã