Đến huyện Tri Tôn (An Giang) hỏi ông Sáu Đức “lúa giống” hoặc Sáu Đức “nuôi bò” hầu như ai cũng biết rất rõ.
Ông Nguyễn Lợi Đức thường xuyên chăm sóc đàn bò sinh sản |
Ông Sáu Đức tên thật là Nguyễn Lợi Đức, 64 tuổi ở ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn. Từ nhỏ ông theo cha sinh sống ở Campuchia, đến năm 1973 mới về Việt Nam và lập gia đình vào năm 1978.
Ông đã từng trải qua nhiều ngành nghề khác nhau như nuôi cá bè, làm ruộng, chăn nuôi bò, trồng chuối xuất khẩu và nhiều loài cây đặc sản khác. Lĩnh vực nào ông cũng phát huy hiệu quả cao. Chính vì vậy mà nhiều bạn bè đã vui miệng gọi ông là "vua" cá, lúa và bây giờ là "vua" bò, chuối.
Sau ngày về Việt Nam, ông sinh sống bằng nghề mua bán kinh doanh nhỏ, lần hồi mở vựa mắm tại Khánh An. Lúc bấy giờ cá đồng ở Campuchia nhiều vô số kể nên ông bắt tay vào việc mua bán và cung cấp nguồn cá nguyên liệu từ xứ chùa Tháp cho các vựa mắm ở Châu Đốc.
Năm 1981 ông lại chuyển sang nuôi cá bè (ba sa). Khi con cá ba sa xuống dốc, ông lên bờ tìm đến vùng kinh tế mới, nay thuộc xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn để khai phá trồng lúa.
Lương An Trà lúc bấy giờ là vùng đất hoang hóa, khắc nghiệt, đầy lau sậy, đất nhiễm phèn, đường sá không có, thiếu nước ngọt nên giá đất rất rẻ (1 triệu đ/ha). Nhưng kể từ khi con kinh 5 được khai thông và UBND tỉnh An Giang chọn Lương An Trà xây dựng nhà máy chế biến mì (sắn), bà con hồ hởi, hy vọng tương lai sẽ có điện, nước ngọt.
Ông Sáu Đức là một nông dân năng động, biết nhìn xa hiểu rộng nên đã đón đầu thời cơ, mở cửa hàng cung cấp vật tư nông nghiệp để thu hút nhiều người đến lập nghiệp. Tiếp theo, ông mua 3ha đất để trồng lúa thử nghiệm.
Sau một thời gian khai phá, tiên đoán Lương An Trà là một vùng đất hứa hẹn đầy tiềm năng và triển vọng nên ông đã mạnh dạn đầu tư mua thêm trên 1.000 công đất nữa. Nhờ sự hỗ trợ và nhiệt tình của Phòng Nông nghiệp huyện Tri Tôn, ĐH Cần Thơ, Viện Lúa ĐBSCL, ông đã gặt hái nhiều kết quả trên phần đất thuộc quyền sở hữu của mình.
Nhiều bà con cũng đến đây mua đất canh tác nhưng do đất phèn nên lúa non chết quá nhiều, trong khi đó lúa của ông năng suất lên đến 32 giạ/công nhờ áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng.
Bí quyết của ông là đào kinh mương xả phèn và dùng phân lân để bón lúa. Từ đó nhiều bà con đến học hỏi, ông hết lòng chia sẻ, giúp cho nhiều người khai thác thành công.
Sự thành công của ông, công thêm với sự hỗ trợ của chính quyền như cung cấp giống và cho vay vốn đã tạo nguồn động lực cho nhiều người mua thêm đất và dần dần sản xuất theo hướng cơ giới hóa nông nghiệp nên sản lượng ngày càng cao, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên giàu có.
Một góc vườn chuối trồng theo hướng công nghệ cao của ông Nguyễn Lợi Đức |
Ông là một nông dân cần mẫn và cầu tiến, chịu khó học hỏi để tích lũy kiến thức. Ông đã tham dự lớp tập huấn về lai tạo lúa giống do ĐH Cần Thơ tổ chức, đồng thời tham dự nhiều cuộc hội thảo đầu bờ. Nhờ vậy mà ông nổi tiếng là người sản xuất lúa giống chất lượng và sản lượng cao nhất ở An Giang. Có năm cung cấp cho thị trường 10.000 tấn lúa giống, nay chỉ còn 2.000 tấn/năm (lý do giảm là nhiều người cùng sản xuất, giá thành hạ).
Từ thành quả đó, ông đã thành lập Công ty SD (Sáu Đức), xây dựng logo và đăng ký sở hữu trí tuệ. Ông là người dám nghĩ dám làm, người đầu tiên kết hợp ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh sử dụng thiết bị hiện đại, điều khiển bằng tia laze để trang đất (san bằng).
Năm 2013 ông lại tiến thêm một bước là thành lập trang trại nuôi bò. Mặc dù ngành chăn nuôi có quá nhiều biến động, nhiều bất trắc về dịch bệnh và thị trường giá cả nhưng ông Sáu Đức vẫn tự tin là mô hình chăn nuôi theo hướng sản xuất con giống, bò thương phẩm sẽ mang lại hiệu quả cao. Có thể nói ông là người tiên phong trong việc xây dựng mô hình kinh tế trang trại nuôi bò sạch và nuôi với quy mô lớn nhất ở miền Tây.
Trang trại bò sạch của ông Nguyễn Lợi Đức |
Ông đã phát huy lợi thế đất đai bao la để trồng cỏ nuôi bò và áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng và sản lượng. Ngoài nguồn lương thực chính là cỏ, rơm, rạ, ông còn sử dụng các sản phẩm nông nghiệp như chuối cây, chuối trái kém chất lượng cho bò ăn.
Bên cạnh đó, ông còn tận dụng lúa lừng, lúa lép, lúa lọt sàng mỗi năm từ 400 - 500 tấn để xay nhuyễn trộn với bã đậu nành bổ sung chất đạm cho bò. Lúc đầu ông nuôi 100 con, nay đã tăng lên 600 con, trong đó có trên 300 con bò cái, mỗi năm cho ra đời 200 con bê. Bò ông nuôi được tuyển chọn từ những giống có chất lượng cao, giống siêu thịt như Brahman, Red, Angus và mới nhập thêm các giống bò Úc, Thái, Pháp…
Hướng đi của ông hiện nay là ứng dụng công nghệ cao, chú trọng xử lý môi trường trong chăn nuôi, tạo ra sản phẩm an toàn để cung cấp cho người tiêu dùng.
Ngoài rơm rạ ra, ông Sáu Đức còn cho bò ăn thêm gạo, lúa xay nhuyễn |
Ông đang tạo ra những chuỗi giá trị từ con bò bằng cách xây dựng mô hình khép kín là dùng phân bò nuôi trùn quế lấy phân và dịch trùn quế bón cho cây trồng rất hiệu quả, giảm được lượng phân bón hóa học rất lớn. Hiện ông nuôi trùn quế trên diện tích 3.000m2 đủ lượng phân để bón cho chuối và cây trồng như bưởi, nhãn, xoài mà ông đang xuống giống.
Sự nghiệp của ông chưa dừng lại ở đây. Đầu năm 2017 ông mở rộng thêm diện tích 55ha (đất thuê) để trống chuối già Nam Mỹ xuất khẩu theo hướng nông nghiệp sạch, dùng phân bò để bón cho cây, giảm phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật. Hiện chuối đang vào thời kỳ thu hoạch, hiệu quả bước đầu rất khởi sắc.
Theo tính toán của ông, chuối già nếu trồng đúng kỹ thuật, đúng quy cách xuất khẩu và có hợp đồng chặt chẽ, doanh thu sẽ đạt 300 triệu đồng/ha. Ông cho biết chuối già có giá cao kể từ tháng 1 - 4 (từ 10.000 - 16.000 đ/kg) vì thị trường thế giới tiêu thụ mạnh vào mùa đông.
Hiện doanh thu của ông từ nguồn lúa giống và trang trại bò lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi năm, chưa kể chuối. Trừ hết các chi phí còn lời trên 5 tỷ đồng.
Ngoài sản xuất kinh doanh làm giàu cho gia đình, ông Sáu Đức còn giải quyết công ăn việc làm cho 40 lao động thường xuyên với mức lương trên 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra ông còn tham gia nhiều hoạt động xã hội, giúp đỡ cho những học sinh nghèo và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2015 và 2016 ông đã đóng góp 255 triệu đồng để bắc 2 cây cầu treo trong xã. Một lần đến thăm ông, GS.TS Võ Tòng Xuân đã ca ngợi ông là “nông dân số 1” ở vùng tứ giác Long Xuyên, không những làm giàu mà còn hỗ trợ cho nhiều người cùng vươn lên. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã