Học tập đạo đức HCM

Người đau đáu với giấc mơ nâng tầm nông nghiệp Việt

Thứ hai - 10/11/2014 03:46
Ở ông luôn đau đáu một mong muốn làm sao cho nông nghiệp nước ta vươn lên vượt bậc, làm sao nông dân nước ta phải giàu có.

Ông Nguyễn Công Tạn đã trở về cõi vĩnh hằng vào ngày 01/11/2014, khi nhận được tin nhiều người cảm thấy quá đột ngột, không tin đó là sự thật và cảm thấy có gì đó thật phũ phàng, tiếc nuối không nguôi, bởi trong suốt những năm làm việc, cống hiến, ông là một tấm gương lao động không mệt mỏi, có nhiều đóng góp to lớn cho ngành nông nghiệp nước nhà.

Với vai trò là nhà lãnh đạo của đất nước, chúng ta đều biết ông qua những việc đề xuất, xây dựng và chỉ đạo thực hiện có kết quả các chương trình Quốc gia như chương trình mía đường, chương trình bò sữa, dự án 5 triệu ha rừng…và đóng góp vào những chủ trương, chính sách lớn của đất nước như “khoán 100”, “khoán 10”, tự do lưu thông nông sản, xóa bỏ bao cấp lương thực, trong nông nghiệp đổi mới chính sách đất đai, phát triển thủy lợi, thoát lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long; giải quyết khiếu kiện bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân…Tất cả những điều đó đã được Đảng, Nhà nước đánh giá cao và các phương tiện thông tin truyền thông đưa tin rất nhiều.

Nhưng ở ông còn thể hiện vai trò thứ hai mà hiếm một nhà lãnh đạo nào có được, đó chính là vai trò một nhà khoa học nông nghiệp đầy tâm huyết, hết lòng với sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam.

Ở ông luôn đau đáu một mong muốn làm sao cho nông nghiệp nước ta vươn lên vượt bậc, làm sao nông dân nước ta phải giàu có. Ông từng tâm sự với chúng tôi “nếu nông dân không giàu thì họ sẽ bỏ ruộng đồng để làm việc khác, như vậy không còn nông nghiệp nữa, mà nông nghiệp là một thế mạnh của nước ta”.

Nhận định này rất trùng hợp với những kiến nghị của các nhà khoa học trong nước và quốc tế ở các Hội nghị kinh tế mùa xuân, mùa thu hàng năm được tổ chức tại Việt Nam gần đây. Ngay trong “Báo cáo năng lực cạnh tranh năm 2010” do chuyên gia hàng đầu thế giới về chiến lược cạnh tranh, Giáo sư Đại học Harvad ( Hoa Kỳ) Michael Porter chủ trì biên soạn và công bố vào tháng 11 năm 2010 cũng nhấn mạnh: Nông nghiệp là lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh hơn cả trong các ngành kinh tế của Việt Nam hiện nay.

Chính vì vậy, trong những chuyến đi công tác nước ngoài, dù với cương vị lãnh đạo cao cấp nhưng ông không nề hà vất vả, luôn tìm cách đưa được các giống cây, con mới về thử nghiệm trong điều kiện ở các vùng khác nhau của Việt Nam.

Có lẽ ít người biết khi đang đương chức trong chuyến đi thăm Myanma, ông đã không ngại tìm cách đóng cũi, chuyên chở 2 con hươu lợn – một giống hươu đặc hữu của Myanma có tầm vóc nhỏ bé, tiêu hao thức ăn ít, nhưng lại có lượng nhung vượt trội để về nuôi ở Việt Nam. Còn những giống mới mà ông mang về rất nhiều trong đó có nhiều giống thành công phát triển thành nghề mới mang lại hiệu quả cao như Đà điểu, gà lấy trứng Ai Cập, gà Tam hoàng, gà Lương phượng, ngan Pháp, bồ câu Pháp…

Khi đất nước đang rất khó khăn về lương thực, chính ông là người đã tự tìm mọi biện pháp đưa công nghệ sản xuất lúa lai vào Việt Nam, đi đầu các nước Đông Nam Á và đem lại hiệu quả to lớn giúp Việt Nam từ nước thiếu đói triền miên trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất nhì trên thế giới, từ đóng góp này mà ông được tặng Giải thưởng khoa học cấp Nhà nước.

Năm 1998, khi nghe một số nhà khoa học lâm nghiệp báo cáo về cây Macca, ông đã dẫn đầu một đoàn cán bộ các Bộ, ngành liên quan đi tìm hiểu ở Úc về hiệu quả của loài cây mới này. Đến năm 2002, bằng mối quan hệ cá nhân ông đã được một người bạn Úc tặng cho 100 cây Macca đầu dòng, đem về trồng tại Ba Vì – Hà Nội và đến nay đã trở thành vườn cây đầu dòng được công nhận.

Sau đó năm 2003 ông đã vận động tài trợ để mua được 10.000 cây Macca các dòng khác nhau từ Trung Quốc đem về cho khắp nơi trồng thử như ở Đắc Lắc, Nghệ An, Sơn La…và đến nay loài cây này đã phát triển hơn 2.000 ha trở thành một sản phẩm mới có triển vọng mang lại giá trị cao, mà ông đánh giá sẽ không thua kém Cà phê.

Đó là chưa kể đến những đóng góp không nhỏ của ông cho ngành thủy sản, chúng tôi đã chứng kiến những chuyến đi 2 – 3 ngày liền của ông ở các tỉnh miền núi cao để tìm địa điểm thích hợp cho nuôi cá nước lạnh như cá Hồi, cá Tầm.

Đặc biệt sau năm 2002, khi đã nghỉ hưu, ông không những không ngừng nghỉ mà còn hoạt động hăng say hơn trong lĩnh vực tìm kiếm những giống cây trồng mới.

Có lẽ không ai ngờ chính ông đã tìm chọn, tự thuê đất, thuê nhân công để khảo nghiệm cho ra đời một giống lúa thuần có năng suất và chất lượng cao được ông đặt tên RVT và năm 2011 ông đã bán bản quyền với giá hàng tỷ đồng cho một công ty giống cây trồng nông nghiệp, cho đến nay giống lúa này vẫn được Công ty kinh doanh mở rộng trồng ở nhiều tỉnh. Như vậy, tự ông đã thực hiện được tư tưởng sản phẩm khoa học phải gắn với thương mại hóa mà ông từng nói với nhiều cán bộ khoa học nông nghiệp.

Sau thời kỳ hoạt động trong lĩnh vực đào tạo đại học, đến năm 2009 ông đã sáng lập Viện nghiên cứu và phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây, quy tụ những nhà khoa học nông lâm nghiệp tâm huyết để đi sâu nghiên cứu các giống mới.

Với cương vị Chủ tịch Viện, ông luôn nhắc nhở chúng tôi phải nghiên cứu tìm ra những cái gì mới chưa ai làm, nhưng phải có hiệu quả cao để đóng góp cho phát triển đất nước, giúp người nông dân làm giàu và cũng qua đó nâng cao thu nhập cho chính cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học, ông không chấp nhận cán bộ khoa học mà lại nghèo nàn, khốn khó.

Thời kỳ này, chỉ trong vài năm từ 2012 đến 2014 ông đã vận dụng hết mối quan hệ với bạn bè quốc tế, vận động các doanh nghiệp trong nước tham gia vào quá trình nghiên cứu chọn lọc các giống cây mới mang lại các kết quả khả quan. Có thể kể ra đây một số việc cụ thể của những kết quả này để thấy được sức sáng tạo, khả năng làm việc không ngừng nghỉ của ông.

Năm 2011, sau những chuyến đi khảo sát Trung Quốc, ông đã phát hiện một số giống khoai lang mới của các Viện khoa học Trung Quốc, lập tức ông tự bỏ tiền và nhờ bạn bè Trung Quốc mua một số giống mang về Việt Nam, đồng thời nhờ bạn quen ở Nhật Bản và Hàn Quốc để lấy được các giống mới của họ và nhiều thông tin khoa học về khoai lang trên thế giới.

Ông đã chỉ đạo Viện đăng ký đề tài khoa học về cây Khoai lang thực hiện từ năm 2012 đến 2016, kết quả chỉ sau một năm khảo nghiệm, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã công nhận 2 giống khoai lang HNV1 và KQĐ1 là giống tiến bộ kỹ thuật, đây là các giống có năng suất cực cao (đạt trung bình 50 tấn/ha) và hàm lượng tinh bột đạt hơn 25% phù hợp cho mục đích sản xuất tinh bột làm nguyên liệu cho chế biến xăng sinh học, chế biến thực phẩm…

Hiện nay, 2 giống khoai lang mới này đã được chương trình khuyến nông của Bộ nhân rộng ở các tỉnh phía Bắc và Viện cũng đang phổ biến cho nhiều tỉnh khắp cả nước. Đồng thời đề tài đang tiếp tục khảo nghiệm nhiều giống mới để tìm ra một số giống có chất lượng cao cho mục đích làm thực phẩm.

Năm 2012, sau khi khảo sát Trung Quốc ông lại phát hiện một loài cây có giá trị cao đó là Thạch hộc tía, một cây dược liệu quý có nhiều công dụng y học, ông đã chỉ đạo Viện tự bỏ vốn làm đề tài nghiên cứu, đến nay đã có nhiều kết quả, một số doanh nghiệp và cá nhân đã tự nguyện hợp tác để khảo nghiệm ở Lâm Đồng, Hà Nội…

Năm 2013, nhận được thông tin về loài cây Dâu ăn quả của Đài Loan, ông đã cho nhập 2 giống Dâu quả dài và quả tròn về trồng khảo nghiệm ở Lương Sơn – Hòa Bình. Đây là 2 giống Dâu rất đặc biệt, có năng suất cao, một năm cho nhiều vụ quả và rất ngọt (hàm lượng đường đạt 18 độ Bric) rất thích hợp cho chế biến nước quả ép, rượu vang, mứt hoa quả và ăn tươi. Hiện nay Viện đã nhân giống thành công và đã được chấp nhận đề tài nghiên cứu phát triển các giống Dâu này trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cuối năm 2013, sau khi đi thăm mô hình nuôi vịt trời của anh Dần tại Bắc Giang, ông đã cho sưu tầm giống Vịt trời, Ngỗng trời ở 4 xuất xứ khác nhau gồm Thái Bình, Hà Tĩnh, Đắc Nông, Thừa Thiên-Huế để nghiên cứu bảo tồn, chọn lọc, nhân giống các loài chim hoang dã này. Đến nay đàn Vịt trời đã phát triển lên đến hàng nghìn con.

Đầu năm 2014, dưới sự chỉ đạo của ông, Viện đã hợp tác với một trường Đại học Hawaii đưa 3 giống Khoai môn của Hawaii (Mỹ) và nhập giống Khoai môn Lệ Phố (Trung Quốc) trồng khảo nghiệm tại Hoài Đức – Hà Nội và Lương Sơn (Hòa Bình).

Đây là giống khoai môn (Mỹ) có nhiều đặc điểm quý như năng suất cao, tinh bột có chất lượng thay thế bột mỳ và đặc biệt có thể trồng cả trên cạn và đất ngập nước. Ông rất hy vọng nếu thành công sẽ giúp nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong tương lai không còn lo lắng trên diện tích đất ngập nước nữa.

Ngoài ra, ông còn sưu tập được một loạt các giống mới khác đang trong quá trình khảo nghiệm như giống Táo hồng của Trung Quốc có giá trị dinh dưỡng rất cao, giống Bơ của Mỹ năng suất và chất lượng cao, giống Ổi…

Một điều đặc biệt nữa ở ông là khả năng tổng hợp thông tin và viết thành tài liệu rất nhanh, tất cả những giống cây và con nói ở trên đều do tự tay ông viết thành các bản hướng dẫn kỹ thuật.

15-18-19_img_0042
Ông có khả năng tổng hợp thông tin và viết thành tài liệu hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi các giống cây con mới rất nhanh

Ông viết với một niềm đam mê đến kỳ lạ, như khi tìm được những thông tin mới về giống khoai lang đang nghiên cứu, lập tức hôm đó ông ở lại Viện làm việc suốt cả đêm để sáng hôm sau đưa cho anh em trong Viện đọc tài liệu kỹ thuật bổ sung cho cây Khoai lang giống mới, sau đó yêu cầu in ấn ngay để gửi cho những nơi đang trồng thử giống mới này. Ngoài ra ông là tác giả của hàng chục đầu sách khoa học kỹ thuật đã được xuất bản.

Ở vào tuổi 80 nhưng ông vẫn thường xuyên đi xuống đồng ruộng thí nghiệm để kiểm tra, đề xuất biện pháp áp dụng cho nghiên cứu. Hình ảnh còn mãi với chúng tôi là một ông già tóc bạc trắng giữa trời nắng nóng của tháng 6, 7 vẫn xắn quần lội xuống ruộng xem từng ngọn khoai tăng trưởng ra sao, vẫn chỉ bảo các cán bộ trẻ cách pha phân đạm để tưới đúng nồng độ. Nhiều ngày ông đi một vòng cả 3 địa điểm nghiên cứu của Viện từ Vĩnh Phúc, rồi qua Lương Sơn và quay về Hoài Đức.

Không việc gì dù nhỏ nhất ông không kiểm tra, hỏi han cặn kẽ và yêu cầu cán bộ thực hiện đúng. Ông bảo làm khoa học không thể hời hợt, không theo dõi, ghi chép số liệu hàng ngày được. Chính sự đam mê làm việc của ông đã lôi cuốn anh em cán bộ nhân viên trong Viện làm theo và ông rất quan tâm đào tạo các cán bộ khoa học trẻ bằng cách trải nghiệm thực tế đồng ruộng.

Trước ngày vào nằm bệnh viện, ông vẫn đến Viện làm việc bình thường dù rất mệt. Khi vào nằm bệnh viện, vài ngày đầu tiên chúng tôi vào thăm ông vẫn khoe những mẫu sản phẩm chế biến từ khoai lang mà người ta gửi từ Trung Quốc cho ông và say sưa bàn những việc cần làm, rồi liên tục gọi điện thoại đi khắp nơi để dặn dò hoặc yêu cầu làm những công việc ông đang ấp ủ. Chỉ đến khi bác sỹ dùng thuốc ngủ, những ngày sau đó ông không còn làm việc được nữa.

Ông ra đi giữa lúc còn ngổn ngang bao dự định, giữa lúc chúng tôi rất cần có ông để chỉ bảo, định hướng công việc, giữa lúc các kết quả nghiên cứu của ông đang sắp được thu hoạch mà ông lại không được nhìn thấy.

Lúc sinh thời ông có một khát khao là muốn xây dựng ở Việt Nam được một Tập đoàn khoa học, công nghệ giống như mô hình Tập đoàn Khải Định ở Trung Quốc thu về cho đất nước hàng tỷ đô la mỗi năm từ các sản phẩm nghiên cứu khoa học. Ấp ủ này ở tuổi 80 mà ông vẫn lạc quan tìm cách thực hiện, thật đáng để chúng ta suy ngẫm.

Ông ra đi nhưng hình ảnh của ông, tác phong làm việc của ông và những dự định của ông sẽ còn mãi với chúng tôi. Ông đã để lại cho Viện một nền tảng khoa học để tiếp nối. Tập thể cán bộ khoa học của Viện nghiên cứu và phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây nguyện sẽ noi gương ông, tiếp tục phát triển những ý tưởng khoa học của ông.

Nguồn: nongnghiep.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập324
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại836,514
  • Tổng lượt truy cập92,010,243
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây