Ông Thái An Lai, Phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp cho biết: "Khó khăn lớn nhất hiện nay của người nuôi cũng như các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra là thiếu vốn. Điều kiện mà các ngân hàng đưa ra là phải có tài sản thế chấp và yêu cầu trả nợ cũ thì sẽ cho vay mới nhưng do nợ cũ chưa trả được, tài sản thế chấp không còn nên đa phần người đi vay không đủ điều kiện. Cho đến nay vẫn chưa có hộ nuôi cá nào trên địa bàn tiếp cận được gói hỗ trợ 9.000 tỷ đồng của Chính phủ". Ông Lai còn đưa ra những bất cập khác trong việc xét duyệt điều kiện cho vay của nhiều ngân hàng hiện nay. "Ngân hàng định giá ao nuôi để thế chấp cho vay theo giá đất nông nghiệp là không hợp lý, vì giá trị hàng hóa nuôi cá cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Mặt khác, số tiền được vay là 50% giá trị thế chấp thường chỉ được vài trăm triệu đồng, không đủ chi phí mua thức ăn, dẫn tới người nuôi vẫn phải vay thêm bên ngoài với lãi suất cao. Để nuôi 1ha cá tra, bà con phải đầu tư 7 - 8 tỷ đồng, thời gian nuôi 7 - 8 tháng, trong khi đó, ngân hàng quy định thời gian đáo hạn hoặc phải trả vốn vay sau 6-7 tháng là chưa hợp lý, đó là chưa kể việc người nuôi thường bị doanh nghiệp chậm trả tiền cá từ 2-3 tháng", ông Lai nói. Ông Lê Văn Xê ở xã Định An (Lấp Vò - Đồng Tháp) có 6.500m2 ao nuôi cá tra bộc bạch: "Khi Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho vay vốn lãi suất thấp, chúng tôi rất mừng nhưng thực tế là đâu có vay được, vì trước đó (tháng 6/2012) tôi đã đem hết tài sản thế chấp để vay ngân hàng với lãi suất 13 %/năm rồi. Mà cũng chỉ vay được vài trăm triệu đồng, không thấm vào đâu". Trước những bất cập của gói hỗ trợ lãi suất thấp này, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho biết: "Khó khăn chung hiện nay là người nuôi cần nguồn vốn lớn nhưng tài sản thế chấp lại ít, bên cạnh đó, cũng có trường hợp người vay có ao nuôi cá tra ngoài vùng quy hoạch nên ngân hàng rất khó xem xét cho vay. Tính đến 15/9, dư nợ cho vay đối với chăn nuôi, thuỷ sản theo Công văn 1149 của Chính phủ trên địa bàn là 4.154 tỷ đồng. Hiện, các ngân hàng thương mại đang tiếp tục xem xét hồ sơ và thực hiện cho vay theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ". Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh Đồng Tháp Nguyễn Ngọc Rạng cũng cho biết: "Những đối tượng đáp ứng đủ điều kiện về tài sản thế chấp, năng lực hoạt động, không có nợ xấu thì ngân hàng sẵn sàng cho vay. Khung lãi suất đang được áp dụng thấp nhất là 9,5%/năm, cao nhất là 16%/năm, tùy đối tượng". Trước những khó khăn của người nuôi cá tra, theo ông Lai, bên cạnh việc hỗ trợ vốn thì các cấp, ngành cần tạo điều kiện để các hộ nuôi liên kết với nhau, trong đó, Nhà nước phải là "đầu tàu" gắn kết hộ nuôi với doanh nghiệp. Tỉnh Đồng Tháp cũng đang có chủ trương vận động các hộ nuôi nhỏ lẻ liên kết thành các tổ hợp tác hay hợp tác xã để có điều kiện thực hiện các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình nuôi cá tra. Sự liên kết này sẽ dần hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đồng nhất về chất lượng, từ đó, việc kết nối với nhà máy chế biến cũng sẽ dễ dàng hơn. Kéo theo đó là các tổ hợp tác, hợp tác xã sẽ mua được nguyên liệu đầu vào (con giống, thức ăn) với giá ưu đãi hơn do khấu trừ số lượng lớn.
| |||
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn | |||
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã