Ông Nguyễn Hoàng Hiệp |
Mặc dù chúng ta đã tích cực tuyên truyền, ra quân đồng loạt nhưng TNGT khu vực nông thôn lại chiếm tỷ trọng cao, vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Trong dịp Tết vừa qua, ngoại trừ Đà Nẵng, còn lại hầu như tất cả các tỉnh đều có số vụ TNGT nông thôn gia tăng, đặc biệt là những địa bàn người dân sử dụng rượu bia nhiều trong các dịp lễ, Tết.
Theo thống kê năm 2013, các vụ TNGT xảy ra trên địa bàn nông thôn chiếm 29,3% (chiếm khoảng 1/4 số vụ), tuy nhiên, trong 9 ngày nghỉ Tết Giáp Ngọ vừa qua có đến 70% số vụ, số người chết và số người bị thương lại ở địa bàn nông thôn. Trong đó chủ yếu lại liên quan đến người điều khiển phương tiện xe máy không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia, không quan sát...
Nguyên nhân đầu tiên của tình trạng này đáng chú ý là ở chỗ hạ tầng tốt (nhiều tuyến đường liên thôn, xã đến thời điểm hiện nay cơ bản được bê tông hoá, năng lực lưu thông được nâng cao, tốc độ đi xe cao hơn) nhưng tầm nhìn vẫn như cũ, đường nông thôn lại nhiều ngõ ngách, vật che khuất và đặc biệt là người đi xe chủ quan, phóng nhanh, vượt ẩu dẫn tới xảy ra tai nạn.
Thứ hai là đến nay, hầu hết khu vực địa bàn giao thông nông thôn không có biển báo, biển chỉ dẫn.
Thứ ba là, đại bộ phận xe máy đang lưu hành ở nông thôn không đảm bảo an toàn, xe máy cũ từ các đô thị lớn dồn về, mặc dù ta đã cố gắng hạn chế nhưng loại xe tự chế vẫn còn nhiều...
Thứ tư là, đa số người điều khiển phương tiện không có bằng lái, không đủ tuổi vẫn lái xe lại không đội mũ bảo hiểm. Kỹ năng điều khiển phương tiện của người dân khu vực nông thôn không cao, xử lý tình huống kém. Do vậy khi tai nạn xảy ra, hậu quả thường nặng.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền còn hạn chế cộng với tâm lý chung của lớp trẻ nông thôn là muốn bứt phá, muốn thể hiện nên TNGT ở nông thôn chủ yếu là thanh niên gây ra.
Ảnh minh họa |
Theo ông, liệu có sự buông lỏng không, vì theo báo cáo, tại địa phương lưu lượng xe đi ít nhưng số tiền phạt cao hơn 4-5 lần những địa phương có lưu lượng xe đi nhiều?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Có thể nói các tuyến địa bàn nông thôn không hề kiểm soát để phạt các vi phạm. Về tuần tra kiểm soát, các lực lượng thường tập trung xử phạt tuyến liên huyện liên tỉnh, còn tại địa bàn nông thôn gần như không xử phạt, cơ bản chỉ nhắc nhở.
Năm 2014, diễn biến về trật tự an toàn giao thông được dự báo phức tạp, Ủy ban sẽ có giải pháp nào để kiềm chế TNGT tại địa bàn nông thôn, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Về hạ tầng, chính quyền địa phương nên vận động người dân hiến đất làm đường để mở rộng tầm quan sát, xoá dần "điểm đen" tai nạn.
Có những việc đầu tư không mất nhiều tiền nhưng đem lại hiệu quả an toàn cần phải làm ngay, ví dụ làm các gờ giảm tốc tại các ngõ đi ra đường lớn, ở những đoạn đường cong. Kinh phí cho vấn đề này không nhiều. Địa phương có thể dùng quỹ bảo trì đường bộ thu từ xe máy đã được để lại (100%) cho địa phương.
Bộ Giao thông vận tải cũng cần nghiên cứu chỉ đạo Sở Giao thông vận tải có hướng dẫn chung trong cả nước về hệ thống biển báo trên địa bàn giao thông nông thôn.
Hiện nay đã có Nghị định của Chính phủ và Thông tư Bộ Công an quy định huy động lực lượng công an xã tham gia đảm bảo ATGT. Bộ Công an đã tổ chức tập huấn và nay cần tăng cường tập huấn cho 100% lực lượng công an xã trong một số nhiệm vụ cơ bản, kể cả pháp luật để vừa tuần tra kiểm soát vừa cùng tham gia tuyên truyền, nhắc nhở. Đây sẽ là lực lượng nòng cốt.
Ngoài ra, cần có các chiến dịch tuần tra kiểm soát trên địa bàn nông thôn, bởi nếu không xử phạt người dân sẽ không ý thức. Tâm lý vì người quen, vì là người cùng xã đôi khi cũng khiến lực lượng công an xã xuê xoa bỏ qua, khó xử phạt. Do vậy phải tổ chức các chiến dịch tuần tra xuống tận cấp xã.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng sẽ biên soạn cẩm nang về ATGT cho vùng nông thôn và phát đến các xã để phổ biến cho bà con những kiến thức sơ đẳng nhất. Bên cạnh đó, Ủy ban sẽ cùng Hội Nông dân Việt Nam triển khai chương trình nâng cao an toàn phương tiện, trong đó chú trọng những loại xe nông cụ, công nông... Các xe này sẽ được dán tín hiệu cảnh báo phản quang sau xe...
Linh Đan
Theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã