Ấp đảo Thiềng Liềng thuộc xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) được coi là nơi xa xôi hẻo lánh và kinh tế khó khăn nhất TP.HCM. Từ lâu, người dân nơi đây phải sống chật vật với nghề chính là sản xuất muối theo kiểu truyền thống trên nền đất.
Năm 2016, lưới điện quốc gia đã kéo ra tới ấp Thiềng Liềng. Tận dụng lưới điện, ông Nguyễn Ngọc Thơ là người đầu tiên mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn ấp.
Vì giao thông cách trở, việc phát triển kinh tế ở ấp đảo Thiềng Liềng gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Nguyên Vỹ
Được sự vận động của Hội Nông dân và chính quyền xã, ông đầu tư 2 ao nuôi với tổng diện tích 7.000 m2. Đến nay, mỗi năm ông thu hoạch khoảng 7 tấn tôm. Ông Thơ cho biết sẽ không mở rộng diện tích nhưng tiếp tục đầu tư vào máy móc và công nghệ mới.
“Sau khi đầu tư thêm máy thổi khí tạo oxy, máy hút chất thải đáy ao; môi trường nước được làm sạch khiến tôm khỏe, ít bệnh hơn và năng suất cao hơn”, ông Thơ kể.
Ông Nguyễn Ngọc Thơ mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng để làm giàu. Ảnh: Nguyên Vỹ
Ngoài ra, ông Thơ còn đầu tư mô hình sản xuất muối với diện tích 3 ha trên ruộng trải bạt. Với sản lượng thu được 300 – 350 tấn/năm, thu nhập bình quân của gia đình ông Thơ lại bổ sung thêm cả triệu mỗi năm.
“Tổng thu nhập hơn 200 triệu/năm là con số không hề nhỏ ở ấp đảo này. Bản thân tôi cũng đang tích cực vận động bà con chuyển đổi mô hình, ứng dụng công nghệ vào nuôi trồng để phát triển kinh tế địa phương”, ông Thơ tâm sự.
Ngoài tôm, ông Thơ còn đầu tư làm muối trải bạt để tăng thêm thu nhập. Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo ông Đặng Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch xã Thạnh An, do giao thông cách trở địa bàn xã nhất là ở ấp Thiềng Liềng gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế. Việc ứng dụng công nghệ để thay đổi tập quán sản xuất truyền thống rất được chính quyền quan tâm và người dân ủng hộ.
Sơ kết giai đoạn xây dựng NTM 2016 – 2017, ông Thơ được xã kiến nghị khen thưởng ông Thơ là nông dân sản xuất tiêu biểu. “Ngoài việc nuôi trồng hiệu quả, đảm bảo vệ sinh ATTP ông còn có nhiều đóng góp tích cực trong phong trào xây dựng NTM trên địa bàn ấp”, ông Sơn nói.
Áp dụng công nghệ để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của huyện Cần Giờ. Ảnh: Nguyên Vỹ
Hàng năm, diện tích mặt nước đưa vào nuôi trồng thủy sản toàn huyện đạt trên 6.500 ha, riêng nuôi tôm đạt trên 5.500 ha. Trong đó, nuôi thâm canh khoảng 650 ha, nuôi bán thâm canh 2.000 ha, còn lại là nuôi quảng canh.
Theo UBND huyện Cần Giờ, nhân rộng các mô hình sản xuất kết hợp kỹ thuật nuôi trồng tiên tiến là nhiệm vụ trọng tâm mà huyện nghèo Cần Giờ đang đẩy mạnh để hoàn thành chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã