Nghịch lý
Theo ông Thắng, Phó Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (huyện Củ Chi, TP HCM), dù heo nuôi tại HTX Tiên Phong theo tiêu chuẩn VietGAHP (thực hành chăn nuôi tốt cho nuôi heo an toàn) nhưng khi bán cho các công ty và thương lái thì giá cũng bằng heo thường dù chi phí nuôi cao hơn. “Do không có kênh phân phối riêng nên heo VietGAHP sau khi giết mổ pha lóc thì người tiêu dùng có mua được cũng không hay biết!” - ông Thắng chia sẻ.
Trong khi đó, một công ty thủy sản lớn tại TP HCM cho biết có tổ chức nuôi cá điêu hồng ở Tiền Giang. Do hơn 70% sản lượng dùng để xuất khẩu nên quy trình nuôi được nhà nhập khẩu kiểm soát chặt từ con giống, thức ăn cũng như dư lượng hóa chất, kháng sinh.
Vấn đề là hiện gần 30% sản lượng còn lại đang được bán nội địa công ty chỉ kiểm soát được đến khi giao cho các vựa ở chợ đầu mối TP HCM. Các vựa này không bán riêng hàng của công ty mà còn mua từ nhiều nguồn khác nên chuyện kiểm soát chất lượng là ngoài tầm.
Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Thỏ Việt, cũng thừa nhận thực tế tương tự khi HTX cung cấp ra thị trường khoảng hơn 30 tấn rau/ngày các loại nhưng hơn 50% sản lượng đang được bán dạng “vô danh” tại các chợ đầu mối.
Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, ý tưởng về một khu vực chuyên doanh sản phẩm VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) đã được các bên liên quan bàn từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Sản phẩm VietGAP dù có mặt ở chợ từ lâu nhưng người mua chưa thể nhận biết do thiếu dấu hiệu riêng.
Không dễ tiếp cận người tiêu dùng
Để tiếp cận người tiêu dùng, nhiều nơi tính chuyện mở hệ thống bán lẻ nhưng gặp khó ngay ở chi phí thuê mặt bằng. Thực tế đã có một số cửa hàng rau sạch tại trung tâm TP HCM đóng cửa chỉ sau thời gian ngắn khai trương vì thua lỗ. Hướng ra của HTX Thỏ Việt là né mặt bằng giá cao. Bà Ánh Ngọc cho biết sắp tới, HTX sẽ mở một điểm bán tại quận 2.
“Tại đây sẽ trưng bày hàng cho khách tới mua lẻ, vừa là kho chứa hàng để nhân viên đem giao các nơi. HTX cũng xây dựng website để khách có thể đặt hàng qua mạng. Đây là nỗ lực của tập thể bà con nông dân nhằm đưa rau sạch đến được mọi nhà và hy vọng người tiêu dùng sẽ quen với việc mua rau phải qua sơ chế, đóng gói, có đơn vị chịu trách nhiệm. Từ đó, kéo những người sản xuất khác phải làm theo chứ bây giờ nhiều người vẫn thích mua rau bày ở ngoài đường thì người làm rau sạch còn khổ!” - bà Ngọc nói.
Ngay cả với đơn vị sở hữu chuỗi thực phẩm sạch khép kín thì chuyện kinh doanh cũng chưa được thuận lợi. Bà Lê Ngọc Phượng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn kiêm Giám đốc Sagrifood - thừa nhận sản lượng bán trực tiếp đến người tiêu dùng bằng thương hiệu của công ty (thông qua các cửa hàng Sagrifood, quầy thịt heo tươi sống tại một số Co.opmart, Co.opFood, điểm bán... ) còn ít so với năng lực dù Sagrifood là đơn vị hiếm hoi tại TP HCM sở hữu quy trình sản xuất, kinh doanh theo quy trình khép kín.
Nguồn: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã