“Vành đai xanh” vững chãi
Trước đây, khi chưa có tuyến đê kiên cố cùng cánh rừng ngập mặn, người dân xã Hộ Độ (Lộc Hà) luôn nơm nớp nỗi lo khi mùa mưa bão đến. Từ khi có đê, có rừng chắn sóng, nỗi lo ấy dần được hóa giải. Rừng đước Hộ Độ vững chãi xây vành đai bảo vệ hàng ngàn người dân vùng đất muối. “Rừng không chỉ che chắn bão gió, triều cường mà còn nuôi sống chúng tôi bao đời nay. Nhờ rừng ngập mặn, chúng tôi đã phát triển đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, cuộc sống làng muối dần “thay da đổi thịt” - bác Nguyễn Văn Đấu - bảo vệ rừng chắn sóng 20 năm nay ở thôn Vĩnh Phú trải lòng.
Vành đai xanh bảo vệ đê |
Ông Phan Đình Hinh - Phó Chủ tịch UBND xã Hộ Độ cho biết, gần 29 ha cây chắn sóng không chỉ là điểm tựa của bà con làng muối, mà còn là “bình phong” che chắn cho các xã vùng phụ cận của huyện Lộc Hà như Thạch Mỹ, Mai Phụ…
Cây chắn sóng trên địa bàn Hà Tĩnh được trồng những năm 1990-1991 từ các chương trình đầu tư như dự án PAM 4304, 2780; dự án hội chữ thập đỏ, dự án OXFAM Vương quốc Anh… với các chủng loại như: đước, bần, sú, vẹt… Ông Lê Tập - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Hà Tĩnh cho biết: “Từ năm 1994-2010, tỉnh ta đã trồng hơn 1.000 ha rừng ngập mặn, tập trung chủ yếu ở 6 huyện, thành phố: Nghi Xuân, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh, Lộc Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh”. Rừng ngập mặn có vai trò điều hòa môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước ngọt, chống sự nhiễm mặn, bảo vệ đất đai khỏi xói mòn bởi sóng, gió và góp phần ổn định bãi triều, cố định phù sa, bờ biển. Có thể ví rừng ngập mặn như tấm lá chắn “khổng lồ” bảo vệ tài sản, cuộc sống của cộng đồng cư dân ven sông, ven biển.
Rừng chắn sóng cũng là “trợ thủ” thầm lặng của các tuyến đê sông, đê biển. “So với các giải pháp công trình, bê tông hóa… nguồn vốn đầu tư cây chắn sóng không nhiều nhưng hiệu quả phòng hộ rất cao. Rừng chắn sóng là một giải pháp phi công trình hữu hiệu, nâng cao “tuổi thọ” của các tuyến đê, góp phần hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân trong vùng đệm” - ông Trần Đức Thịnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Tĩnh cho biết.
Diện tích đang bị thu hẹp
Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp - Hán Duy Anh cho biết: “Diện tích rừng ngập mặn trong mấy năm qua bị giảm sút nhiều. Theo rà soát của ngành Lâm nghiệp vào năm 2012, toàn tỉnh chỉ còn 597,2 ha”.
Cây chết khô, thoái hóa |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các địa phương có rừng ngập mặn đều rơi vào thực trạng này. Hộ Độ từ 28,3 ha, nay chỉ còn 19,5 ha. Xã Thạch Môn (TP Hà Tĩnh) năm 1999 có 40,6 ha, giờ chỉ còn 16,9 ha. Xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) 15 ha năm 1998, giờ chưa đầy 12 ha. Xã Thạch Long (Thạch Hà) gần 5 ha nhưng chỉ còn lại hơn 1 ha. Tương tự, ở các xã Thạch Sơn (Thạch Hà); Cẩm Lĩnh, Cẩm Lộc, Cẩm Hà (Cẩm Xuyên); Kỳ Hà, Kỳ Hải, Kỳ Thư, Kỳ Ninh… (Kỳ Anh), thị trấn Nghi Xuân, Xuân Trường, Xuân Hội… (Nghi Xuân) thời gian gần đây, rừng chắn sóng cũng chết hàng loạt.
Rừng ngập mặn đang mất dần không chỉ đe dọa đến tài sản và tính mạng của người dân trong vùng đệm mà còn làm cho nghề đánh bắt thủy sản nơi đây đứng trước nguy cơ mai một. Nhiều tuyến đê cũng đang chịu ảnh hưởng trực tiếp khi những cánh rừng chắn sóng không còn. Bác Trần Bá Lộc (xóm Tiên Tiến, Thạch Môn) cho biết: “Cây chắn sóng chết hàng loạt nên vào mùa mưa bão, nước sông dâng cao làm cho đê Đồng Môn bị xói mòn, sạt lở. Sống ở gần tuyến đê, chúng tôi không khỏi lo lắng”.
Thời gian qua, các hệ thống đê đã được đầu tư xây dựng nhưng việc trồng rừng tạo đai phòng hộ hầu như không được quan tâm. Thực tiễn đã chứng minh các tuyến đê có rừng chắn sóng khi gặp gió bão, triều cường được che chắn, bảo vệ. Tuyến đê Hội Thống (Nghi Xuân) được những cánh rừng ngập mặn ôm ấp, che chở, bởi vậy, ít bị hư hại hơn các tuyến đê khác. Trong khi đó, những tuyến đê đã được đầu tư nâng cấp nhưng không có rừng ngập mặn như Song Nam (Nghi Xuân); Phúc Long Nhượng, Lộc - Hà - Thịnh (Cẩm Xuyên); Hải - Hà - Thư, Khang Ninh (Kỳ Anh)… đang bị sạt lở, hư hại, một phần do thiếu vành đai xanh chắn sóng. Mặc dù số tiền sửa chữa, khắc phục sự cố của các tuyến đê phải mất hàng tỷ đồng nhưng một giải pháp bền vững hơn là đầu tư trồng rừng phòng hộ ven biển hầu như không được quan tâm.
THU PHƯƠNG
(Còn nữa)
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã