Sắp có quy định về trường chất lượng cao
Nhiều báo đặt câu hỏi liên quan tới vấn đề lạm thu. Ông Lê Khánh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT xác nhận, có thực trạng là chưa chính thức vào năm học mới nhưng đã xuất hiện hiện tượng lạm thu. “Việc các trường giải thích rằng phải thu thêm vì học phí và ngân sách không đủ cho hoạt động giáo dục chỉ là cách nói của hiệu trưởng - đó không phải là nguyên nhân chủ yếu”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng cho biết, Bộ đã làm việc với các bộ ngành cùng khoảng 20 tỉnh, thành và chủ trương là chưa tính đến việc đề xuất Chính phủ tăng học phí trong điều kiện hiện nay. Để chống lạm thu, mượn danh phụ huynh để thu các khoản vô lý, Bộ yêu cầu các địa phương thực hiện tốt quy định về Điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh mà Bộ mới ban hành đồng thời tăng cường, thanh kiểm tra, giám sát; yêu cầu các địa phương phải kiểm tra ngay từ đầu năm học. Nếu trường nào cố tình vi phạm đề nghị phải cương quyết xử lý.
Bên cạnh đó, để chấm dứt tình trạng các trường tự xưng chất lượng cao và thu học phí “vô tội vạ” như hiện nay, ông Tuấn nói: ”Bộ đang xây dựng văn bản quy định về thu chi của trường chất lượng cao”. Theo ông Tuấn, văn bản này dù rất khó quy định một cách lượng hóa về mức thu nhưng Bộ sẽ cố gắng làm một cách tương đối. Có 3 nguyên tắc được đặt ra với mô hình trường chất lượng cao, đó là: người học hưởng dịch vụ giáo dục ở mức chất lượng nào thì đóng tiền tương đương ở mức đó; việc đóng góp phải hoàn toàn dựa trên nguyên tắc tự nguyện; nguyên tắc thứ ba là mô hình trường chất lượng cao không làm ảnh hưởng tới quyền đi học ở mức tối thiểu của người dân.
|
Sĩ số quá tải, Bộ chỉ có thể nhắc nhở
Liên quan đến tình trạng sĩ số học sinh của cấp học mầm non, tiểu học ở nhiều trường tại các thành phố lớn luôn trong tình trạng quá tải, thậm chí gấp đôi quy định mà Bộ cho phép, ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cho hay: “Bộ có biết thực tế này và luôn nhắc nhở các địa phương, thậm chí gây sức ép bằng việc hạ thi đua với một số thành phố lớn, trong đó có Hà Nội vì nguyên nhân này. Tuy nhiên, trước sức ép về tăng dân số một cách cơ học, ngành giáo dục vẫn phải đảm bảo quyền được đi học của học sinh lên trước tiên. Không thể giống như một chuyến xe ca, chỉ nhận đúng bao nhiêu hành khách, hành khách thừa phải chờ chuyến sau, trẻ đến độ tuổi đi học là trường phải tiếp nhận. Việc xây dựng thêm trường lớp phụ thuộc chủ yếu vào sự quan tâm đầu tư, chỉ đạo của chính quyền địa phương”.
Cũng theo ông Thành, những trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia không phải được công nhận một lần là mãi mãi. Bộ đang đề xuất phương án sẽ kiểm tra mỗi năm một lần đối với các trường này, nếu để sĩ số tăng quá quy định hoặc vi phạm các tiêu chuẩn khác thì trường đó sẽ bị tước danh hiệu này.
Trước câu hỏi của một số phóng viên về việc thừa thiếu giáo viên, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo cho hay: Hiện tượng giáo viên thừa - thiếu một cách cục bộ vẫn xảy ra ở một số địa phương. “Năm nay, tuy dự báo sẽ không còn “điểm nóng” về việc thiếu giáo viên mầm non như năm học trước, nghĩa là không có những tỉnh thiếu hàng nghìn giáo viên nhưng giáo viên thiếu một cách cục bộ vẫn còn. Ví dụ, Đắk Nông hiện còn thiếu 193 giáo viên mầm non, 64 giáo viên tiểu học, 63 giáo viên trung học; Lạng Sơn còn thiếu 358 giáo viên mầm non, 11 cán bộ quản lý trường mầm non…
Không bỏ quy định 6 tuổi vào lớp 1
Trước thông tin một số báo điện tử vừa qua có đăng tải thông tin Bộ GD-ĐT dự kiến “bỏ quy định 6 tuổi vào lớp 1”, ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cho biết: đó là thông tin không chính xác và Bộ sẽ vẫn giữ quy định trẻ 6 tuổi vào lớp 1 như hiện nay. Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ trường tiểu học mà Bộ mới công bố chỉ bổ sung rõ đối tượng đặc biệt được phép đi học muộn hơn; trường hợp được học vượt cấp, vượt lớp. “Tuy nhiên, để đảm bảo quyền được vui chơi và phát triển toàn diện cho trẻ thì trẻ 5 tuổi chắc chắn không được đặc cách vào lớp 1. Việc học vượt lớp, vượt cấp chỉ được thực hiện trong quá trình đi học và từ tiểu học lên trung học…”, ông Thành cho biết.
|
Tuệ Nguyễn
Theo Lao Động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã