DN nội thất thế
Khoản 4, Điều 3 trong Thông tư 08 quy định: “DN FDI đã được cấp phép quyền xuất khẩu (XK) chỉ được trực tiếp mua hàng hóa của thương nhân Việt Nam có đăng ký kinh doanh hoặc có quyền nhập khẩu, quyền phân phối hàng hóa đó để XK; không được tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để XK, bao gồm việc mở địa điểm để mua gom hàng hóa XK, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác”.
Thực tế ở Việt Nam, nhiều DN FDI không đầu tư vào vùng nguyên liệu, không có chiến lược dài hạn để phát triển vùng nguyên liệu trong nước, dù trong giấp phép đầu tư có quy định rõ chức năng này. Trong khi đó, các DN nội phải đầu tư cho vùng nguyên liệu, hỗ trợ nông dân từ con giống đến vật tư nông nghiệp. Nhưng đến vụ thu hoạch, nông dân lại bán sản phẩm cho DN FDI với giá cao hơn (DN FDI trả giá cao vì không phải bỏ chi phí đầu tư vùng nguyên liệu). Một số DN FDI còn có biểu hiện chuyển giá bằng cách mua nông sản giá cao nhưng xuất giá thấp về công ty mẹ ở nước ngoài nhằm mục đích trốn thuế, vừa gây thiệt hại cho Nhà nước, vừa làm nhiễu loạn thị trường.
Trên thực tế, việc tranh mua tranh bán nguyên liệu nông sản của DN FDI và thương nhân nước ngoài đã phần nào làm ảnh hưởng đến quy hoạch các vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến. Đáng chú ý là, tình trạng thu mua không phân biệt chất lượng, kích cỡ, chủng loại đã làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng, uy tín hàng nông sản XK của Việt Nam.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Càphê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết: “Dù DN FDI không được phép đầu tư trực tiếp vùng nguyên liệu mà mua bán thông qua đại lý trong nước nhưng trên thực tế, vẫn có mạng lưới thu gom càphê trực tiếp. Điều đó cho thấy có lỗ hổng trong quản lý, gây khó khăn cho hoạt động thu mua của DN trong nước, dẫn đến nguy cơ là khi DN trong nước bị mất hầu hết thị phần thì DN FDI sẽ ép giá nông sản, đảo lộn đầu vào của lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của DN nội, và nông dân là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất”.
Cần hài hòa lợi ích
Nhiều chuyên gia cho rằng, Thông tư 08 ra đời trong thời điểm này là hết sức hợp lý, giúp DN nội giành lại nguyên liệu để chế biến XK. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, bên cạnh mặt lợi, cũng có cả hại.
TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) cho biết, hiện có khoảng 30 DN FDI đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT trong chương trình đối tác công-tư. Họ tham gia cùng Nhà nước xây dựng hạ tầng sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương; đầu tư giống, vốn, đào tạo kỹ thuật cho nông dân trồng nhiều loại cây công nghiệp và nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ bà con tiếp cận các chứng nhận chất lượng sản phẩm như UTZ, 4C của càphê, RA với chè sạch, ASC và BRC trong thủy sản… Nếu cấm DN FDI thiết lập hệ thống thu mua nông sản trực tiếp sẽ khiến họ không muốn đầu tư cho nông dân và vùng nguyên liệu nữa. Mặt khác, sẽ càng tạo điều kiện gia tăng hệ thống thương lái thu gom nông sản - những đối tượng đang lấy đi rất nhiều lợi nhuận của nông dân.
Ông Philippe Bacac, Giám đốc điều hành Metro Cash & Carry Việt Nam cho hay, Metro Cash & Carry hiện đang triển khai dự án chuỗi thủy sản sạch, theo đó, nông dân nuôi thủy sản được kiểm soát môi trường, thuốc và sử dụng hóa chất, quản lý chất thải. Không chỉ tiêu thụ tại hệ thống siêu thị của Metro tại Việt Nam mà thủy sản trong dự án đã XK vào EU. Vì thế, khi Thông tư 08 có hiệu lực thì bao công sức, vốn liếng đầu tư vào vùng nguyên liệu sẽ không đem lại lợi ích gì cho DN.
Theo các chuyên gia, hiện nay, mối liên hệ giữa DN thu mua, chế biến, XK nông sản với nông dân còn hết sức lỏng lẻo, thiếu sự chia sẻ lợi ích. Thông tư 08 sẽ tạo ra nguy cơ độc quyền mua nguyên liệu nông sản với DN trong nước, và nông dân có thể bị ép giá, không bán được sản phẩm theo giá thị trường.
Nên chăng, chúng ta cần học tập cách làm của Indonesia khi nước này quy định DN FDI phải đầu tư vùng nguyên liệu thì mới được thu mua nông sản trực tiếp từ nông dân. Nếu trong 3 năm, DN FDI không đầu tư được vùng nguyên liệu và không có sản phẩm XK sẽ thu hồi giấy phép thu mua.
Do đó, Nhà nước nên khuyến khích, định hướng và hỗ trợ DN đầu tư vào ngành nông nghiệp trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa DN trong nước, DN FDI và nông dân.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, DN FDI đang chiếm giữ tới 70% thị phần ngành thức ăn chăn nuôi, trong đó riêng Công ty cổ phần chăn nuôi CP đã nắm giữ 40% thị phần thịt gà công nghiệp, 50% thị phần trứng gà công nghiệp và 18 - 20% thức ăn gia súc. |
Chu Khôi
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã