Nghề khai thác rươi tuy đêm hôm vất vả nhưng thu nhập cao so với trồng lúa
Vợ chồng ông Thái Hữu Tuyến (thôn Vĩnh Phúc) có nhiều năm gắn bó với nghề khai thác rươi. Hiện, gia đình ông có 3 sào đất cho khai thác rươi. Trước đây, diện tích này chỉ trồng lúa nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi con rươi xuất hiện, gia đình ông chỉ trồng lúa 2 vụ, vụ còn lại chuyển sang khai thác rươi.
Trên đầu đeo chiếc đèn pin, tay cầm vợt, ngồi chờ rươi lên, ông Tuyến cho biết: Mỗi năm, rươi từ trong lòng đất chỉ chui lên trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch. Mỗi tháng chỉ lên 2 đợt đầu và giữa tháng; mỗi đợt chỉ vài ba ngày vào buổi đêm đến gần sáng. Người dân gọi rươi là “lộc” của trời vì thời điểm này, những cơn mưa như đánh thức loài rươi ngủ quên suốt cả năm ròng trong bùn đất.
Trên ruộng lúa thôn Vĩnh Phúc, từng khoảnh ruộng được be bờ, quy kín lưới. Đến giờ rươi nổi nhiều, người dân bắt đầu tháo nước, theo dòng chảy, rươi trôi về cuối dòng, được lưới cước chặn lại, tụ thành đám, người dân chỉ việc chao vợt xúc lên đổ vào chậu, thùng.
“Năm nay, lụt về sớm, nên mất mùa rươi. Từ đầu mùa tới nay, gia đình tôi chỉ bắt được gần 20 kg, bán với giá 400 ngàn đồng/kg. Năm ngoái được mùa, gia đình tôi bắt được cả tạ, thu về 35-40 triệu đồng” - ông Tuyến cho hay.
Vừa nhanh tay chao vợt xúc rươi, vừa vui chuyện, bà Lê Thị Phương (cùng thôn) cho biết: Nhà có hơn 1 sào ruộng trong vùng đất có rươi. Một sào “ruộng rươi” bằng mấy chục sào lúa, mọi thứ trông chờ vào rươi chứ trồng lúa cũng chỉ để lấy cái “gạo sạch” khỏi mua. Từ đầu mùa rươi đến nay, nhà bà cũng đã được vài ba kg.
Không chỉ đàn ông mà phụ nữ cũng dễ dàng làm nghề
“Hàng năm, sau vụ hè thu, chúng tôi phải đổ phân chuồng xuống ruộng và làm đất. Mùa trồng lúa, nhất là vụ hè thu, ruộng có sâu bệnh cũng không được phun thuốc sâu, phân bón hóa học, nếu phun thuốc sẽ không có rươi hoặc rất ít” - bà Phương chia sẻ.
Anh Nguyễn Sơn (xã Đức Vĩnh) - hộ thu mua rươi từ nhiều năm nay, cho biết: Đến mùa thu hoạch rươi, mỗi đêm, anh nhập vài tạ. Mỗi mùa rươi, anh thu mua cho người dân khoảng 10 tấn. Mùa rươi năm nay, anh đã thu mua được hơn 6 tấn. Giá rươi nhập bình quân từ 400 - 500 ngàn đồng/kg, có những năm lên đến 600 ngàn đồng/kg. Khi được lượng lớn, anh đưa đi bán cho thương lái Trung Quốc.
Ngày nay, đời sống của người dân đang từng bước được nâng cao, nhu cầu thưởng thức các món ăn đồng quê, dân dã được nhiều người ưa chuộng. Dù giá rươi khá đắt, nhưng loại đặc sản này luôn là sự lựa chọn của nhiều người. Từ hiệu quả kinh tế do con rươi đem lại, UBND xã Đức Vĩnh đang có chủ trương tổ chức đoàn đi học hỏi kinh nghiệm xây dựng mô hình nuôi rươi.
Rươi được thương lái thu mua với giá cao
Ông Nguyễn Văn Thao - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Cả xã có khoảng 30 ha ruộng trong vùng có rươi, tập trung ở thôn Vĩnh Phúc, Vĩnh Đại. Theo thống kê thì mỗi năm, thu nhập từ rươi khoảng 3-4 tỷ đồng. Hiệu quả kinh tế từ con rươi rất lớn, mỗi sào lúa chỉ cho thu nhập khoảng 1,8-2 triệu đồng nhưng mỗi sào ruộng có rươi cho thu nhập bình quân 30 triệu đồng. Xã đã khuyến cáo bà con trong vùng có rươi sinh sống không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để duy trì phát triển vùng rươi, biến đó thành nguồn thu nhập ổn định, giúp người dân xóa đói giảm nghèo.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã