12,6 triệu đối tượng đã hưởng lợi
Chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp chính thức được áp dụng từ năm 1993. Song hành với việc thu thuế, Nhà nước luôn có những hỗ trợ thông qua việc miễn, giảm thuế cho các đối tượng đặc biệt. Giai đoạn đầu, việc hỗ trợ chỉ hướng tới các đối tượng tàn tật, già yếu, khai hoang vùng sản xuất mới hay khó khăn do thiên tai, địch họa. Từ năm 2001, thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước đồng thời hỗ trợ đối với nông dân, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, các quyết định mở rộng ưu đãi miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp liên tục được ban hành qua các năm. Và đến năm 2010, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp thì hầu hết các đối tượng sử dụng đất nông nghiệp đều được miễn hoặc giảm 50% số thuế phải nộp đến hết năm 2020.
Sau hơn 5 năm thực hiện, Bộ Tài chính đánh giá Nghị quyết số 55 đã góp phần hỗ trợ nông dân có thêm vốn tái đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống. Điều này được thể hiện khá rõ qua các con số kết quả miễn, giảm thuế.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng diện tích đất nông nghiệp cả nước là 26.822.953 ha, trong đó khoảng 38% là diện tích đất chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp. Tổng diện tích đất nông nghiệp được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp theo Nghị quyết số 55 là 6.936.324 ha, chiếm 68% tổng diện tích đất chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp. Như vậy, gần 12,6 triệu người nộp thuế (NNT) đã được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp với tổng số tiền là 6.993 tỷ đồng.
Việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân. Số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn, giảm đã trực tiếp hỗ trợ người nông dân có thêm vốn để tái đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm có năng suất và chất lượng cao hơn, qua đó giúp người nông dân cải thiện cuộc sống, giảm bớt khó khăn, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Không chỉ vậy, Bộ Tài chính còn nhận thấy rằng, chính sách này vừa thể hiện sự động viên đối với những người sản xuất kinh doanh có điều kiện, vừa thể hiện sự ưu đãi của Nhà nước đối với khu vực sản xuất nông nghiệp, qua đó đã đảm bảo tính công bằng trong việc sử dụng đất đai và điều tiết đúng đối tượng cần điều tiết, có khả năng nộp thuế là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có khả năng sinh lợi. Đồng thời, thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, cùng với chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư sản xuất nông nghiệp hợp lý đã tạo ra hệ thống chính sách ưu đãi đồng bộ nhằm thu hút đầu tư, tăng cường nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn và góp phần giảm bớt chi phí quản lý hành chính và đảm bảo, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với việc sử dụng đất nông nghiệp.
Cần thiết mở rộng
Tuy đem lại những hiệu quả đáng khích lệ, song việc triển khai các chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện hành cũng đã xuất hiện một số hạn chế nhất định.
Phân tích nội dung này, đại diện Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính cho biết, một vài năm trở lại đây, một số quy định mới như Luật Đất đai 2013, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững đã có hiệu lực. Trong những văn bản đó, Đảng, Nhà nước đã đưa ra nhiều quan điểm, chủ trương mới để khuyến khích hơn nữa tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; khuyến khích phát triển xây dựng cánh đồng lớn; góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, đẩy nhanh ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong sản xuất đạt năng suất, chất lượng cao. Do đó, việc mở rộng diện được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết phải thực hiện.
Thêm vào đó, những năm qua, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA tạo thuận lợi cho XK một số hàng hóa có thế mạnh của Việt Nam như các sản phẩm thủy sản, nông sản, đồ gỗ... Tuy nhiên, hàng nông sản của các nước đối tác cũng được hưởng những thuận lợi tương tự khi vào thị trường Việt Nam, do đó sức ép cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước cũng rất lớn đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Điều này đòi hỏi nông nghiệp Việt Nam phải được phát triển toàn diện, theo hướng bền vững, sản xuất hàng hóa lớn có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Vì vậy, để thu hút các nguồn lực trong xã hội đầu tư phát triển vào nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì việc nghiên cứu bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là một giải pháp khả thi.
Giảm thu 53,5 tỷ đồng
Để giải quyết những tồn tại này, Bộ Tài chính đã đưa ra đề xuất mở rộng diện được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp để khuyến khích hơn nữa tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Thực tế, hiện nay, chỉ còn khoảng 0,97% tổng diện tích đất chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp. Tổng số đối tượng còn phải nộp thuế này là 77.354 NNT. Trong đó: 75.320 NNT là hộ gia đình, cá nhân phải nộp 50% số thuế ghi thu đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất nông nghiệp và phải nộp 100% số thuế ghi thu đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; 2.010 NNT là tổ chức sử dụng đất nông nghiệp phải nộp 50% số thuế ghi thu hàng năm nếu trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, phải nộp 100% số thuế trong trường hợp không trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp được giao để sản xuất nông nghiệp và 24 NNT là đơn vị vũ trang nhân dân được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đất nông nghiệp phải nộp 50% số thuế ghi thu hàng năm. Tổng số thu thuế sử dụng đất nông nghiệp còn lại là 61,1 tỷ đồng.
Để khuyến khích, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31-12-2020 đối với 2 đối tượng. Trước hết là bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân vượt hạn mức, mà không phân biệt phần diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất nông nghiệp hay phần diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, bổ sung miễn thuế đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao mà tổ chức đang trực tiếp sử dụng để sản xuất nông nghiệp. Diện tích mà tổ chức không trực tiếp sử dụng để sản xuất vẫn phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp theo Nghị quyết số 55.
Với việc bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo đề xuất như vậy, tổng số thuế sử dụng đất nông nghiệp dự kiến được miễn là khoảng 53,5 tỷ đồng, diện tích đất nông nghiệp dự kiến được miễn khoảng 93.917 ha, tổng số đối tượng dự kiến được miễn là 77.136 NNT; trong đó có 97,6% là hộ gia đình, cá nhân với số thuế dự kiến được miễn khoảng 34,3 tỷ đồng.
Như vậy, việc bổ sung diện miễn thuế vừa không tác động lớn đến giảm thu NSNN, vừa góp phần khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất nông nghiệp, từ đó giúp người nông dân cải thiện đời sống, có thêm vốn tái đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng của Đảng và Nhà nước, nhất là trong việc thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản Việt Nam trên thị trường.
Đề xuất này của Bộ Tài chính đã được Chính phủ tán thành và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức thông qua dưới dạng Nghị quyết với 100% phiếu ủng hộ. Các chính sách này sau khi chính thức được ban hành sẽ áp dụng từ 1-1-2017.
Tổng diện tích đất nông nghiệp cả nước: 26.822.953 ha. Diện tích đất chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp: 10.233.632 ha. Tổng diện tích đất nông nghiệp được miễn, giảm thuế: 6.936.324 ha. Tổng số đối tượng được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp: 12.573.747 người nộp thuế. Tổng số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn, giảm: 6.993 tỷ đồng. (Nguồn: Bộ Tài chính) |
Theo Báo Hải quan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã